Mỹ: Bắt đầu áp dụng luật cấm hàng nhập khẩu từ Tân Cương, Trung Quốc

Đăng ngày: 22/06/2022

\"\"
\"\"
Tại một dây chuyền sản xuất ở nhà máy Huafu, khu Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/04/2022, trong một chuyến đi do chính quyền Trung Quốc tổ chức cho các nhà báo nước ngoài. AP – Mark Schiefelbein

Minh Anh

Ngày 21/06/2022, tại Mỹ, luật cấm nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ từ Tân Cương, Trung Quốc, chính thức có hiệu lực. Đạo luật này được toàn thể các dân biểu Mỹ nhất trí thông qua cách nay sáu tháng nhằm trừng phạt Bắc Kinh về nạn « lao động cưỡng bức » nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 

AFP cho biết, Hải quan Mỹ, có trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ luật lệ, đã cho công bố các quy định nêu rõ, theo lệnh cấm này, tất cả những mặt hàng đến từ Tân Cương sẽ bị xem như là có xuất xứ từ lao động cưỡng bức, trừ phi các doanh nghiệp chứng minh được điều ngược lại. Hải quan Mỹ khẳng định sẽ kiểm tra nghiêm ngặt toàn bộ chuỗi cung ứng, kể cả những loại hàng hóa đến từ nhiều vùng khác của Trung Quốc, hay từ một nước thứ ba. 

Theo AFP, đạo luật này là một trong những công cụ của chính quyền Biden chống lại điều mà họ xem như là « chính sách diệt chủng » của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi. Lệnh cấm có liên quan hầu hết các loại sản phẩm sản xuất tại tỉnh tây bắc này của Trung Quốc, đặc biệt là hàng dệt may. Theo ước tính của nhiều tổ chức bảo vệ người lao động, lệnh cấm này có thể ảnh hưởng đến khoảng 20% lượng quần áo làm từ bông sợi Tân Cương nhập khẩu vào Mỹ hàng năm. 

Chính quyền Trung Quốc một lần nữa đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận của Mỹ, cho rằng điều này đi ngược lại với các nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát và trong việc bảo đảm vận hành của các chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn do khủng hoảng chồng chất. 

Joe Biden và Tập Cận Bình sắp hội đàm ? 

Cũng theo hãng tin Pháp, hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông dự trù có một cuộc đối thoại với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng vẫn chưa xác định ngày giờ cụ thể. Trả lời câu hỏi của giới phóng viên, chủ nhân Nhà Trắng nhắc đến khả năng dỡ bỏ một số mức thuế do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt nhắm với nhiều mặt hàng của Trung Quốc. Trước áp lực của lạm phát đang tăng mạnh, chính quyền Biden hy vọng việc dỡ bỏ một số loại thuế trừng phạt có thể kềm hãm bớt mức tăng giá cả hàng hóa, xoa dịu nỗi bất bình của người dân.

Bài Liên Quan

Leave a Comment