22/06/2022
Tổng thống Indonesia kiêm Chủ tịch G20, ông Joko Widodo, sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga vào tuần tới để vận động cho hòa bình và cố gắng giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, ngoại trưởng của ông cho biết hôm thứ Tư (22/6). Đây là chuyến đi đầu tiên như vậy của một nhà lãnh đạo châu Á.
Cuộc chiến Ukraine đã làm lu mờ các cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế lớn do Indonesia chủ trì, vốn đã vất vả trong việc thống nhất các thành viên trong khi phải chống lại sức ép từ các quốc gia phương Tây, những nước đang đe dọa tẩy chay và hối thúc loại Nga ra khỏi hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào tháng 11.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonsia, Retno Marsudi, nói ông Jokowi, với tư cách là tổng thống, sẽ gặp những người đồng cấp ở cả Kyiv và Moscow sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức kết thúc vào thứ Ba.
Bà nói trong một cuộc họp báo: “Tổng thống bày tỏ nỗi đau về cuộc khủng hoảng nhân đạo và sẽ cố gắng góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực do chiến tranh gây ra, tác động của nó đối với tất cả các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển và có thu nhập thấp”.
Ngoại trưởng Indonesia nói thêm: “Và ông sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần hòa bình”.
Nga đã xua quân xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng Hai và gọi đây là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Xung đột đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng khiến lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia đã áp đặt hạn chế xuất khẩu để bảo toàn nguồn cung trong nước.
Cả Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, trước đó đã được ông Jokowi mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
Bà Retno không cho biết chi tiết về những gì ông sẽ nêu ra tại các cuộc đàm phán ở Moscow và Kyiv hoặc khi nào thì việc này diễn ra.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin ông Putin sẽ gặp ông Jokowi vào ngày 30/6.
Ukraine là một trong những nguồn cung cấp lúa mì lớn nhất của Indonesia trước chiến tranh, với khoảng 3 triệu tấn vào năm 2021.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Radityo Dharmaputra của Đại học Airlangga của Indonesia nói không có khả năng ông Jokowi mong muốn trở thành môi giới hòa bình nhưng nói rằng ông có thể yêu cầu Nga giải phóng nguồn cung lúa mì Ukraine.
Indonesia đã lên án cuộc chiến. Mặc dù bày tỏ sự thông cảm với người dân Ukraine, ông Jokowi vào tháng 4 cho biết ông đã từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của ông Zelenskyy.
Bà Retno cho biết khi Chủ tịch G20 Jokowi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ về tác động của cuộc chiến và ủng hộ việc nói chuyện trực tiếp với các bên liên quan.
“Tình hình lúc này rất phức tạp. Chiến tranh tiếp diễn sẽ có tác động đến nhân loại, bao gồm cả khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính”, bà Retno nói thêm.