Từ quy chế ứng viên cho Ukraina đến thành viên chính thức Liên Âu : Một con đường dài

Đăng ngày: 24/06/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp Macron (T), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (G) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 23/06/2022. AP – Geert Vanden Wijngaert

Thùy Dương

Chỉ vài ngày sau khi quân Nga tấn công Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky, ngày 28/02/2022, đã ký đơn Ukraina xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 21/06, cuộc họp tại Luxembourg của các bộ trưởng đặc trách vấn đề châu Âu của 27 nước thành viên Liên Hiệp đã ghi nhận sự « nhất trí hoàn toàn » về việc trao quy chế ứng viên cho Ukraina. Và cuộc họp thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles ngày 23/06 đã chính thức quyết định cấp quy chế ứng viên cho Kiev. 

Mọi chuyện dường như đang diễn ra thuận lợi, cũng không vấp phải sự phản đối của Nga. Trong bài phát biểu ở phiên họp toàn thể tại Diễn đàn kinh tế thường niên St-Petersbourg, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/06/2022 khẳng định việc gia nhập các liên minh kinh tế là « lựa chọn của Ukraina », « việc của Ukraina » và ông cũng nói rõ Matxcơva không phản đối việc này, bởi khác với NATO, Liên Âu không phải một liên minh quân sự.

Vậy liệu Ukraina có thể sớm trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Châu Âu như mong muốn của Kiev ? Cũng như nhiều chuyên gia khác, Mario Telo, chủ tịch danh dự IEE-ULB, thành viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Bỉ, Đại học ULB, nhận định mọi chuyện sẽ không nhanh chóng, đơn giản như vậy. Trong bài viết « Ukraina có thể sớm trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu ? », trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 16/06, nhà nghiên cứu Mario Telo nhấn mạnh cần phân biệt rõ viễn cảnh gia nhập châu Âu và thủ tục gia nhập Liên Hiệp, vốn dĩ phức tạp hơn nhiều.  

Không có thủ tục đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu 

Điều 49 của Hiệp ước về Liên Hiệp Châu Âu cho phép bất kỳ quốc gia châu Âu nào chia sẻ các giá trị của Liên Âu có thể được gia nhập Liên Hiệp. Điều đó có nghĩa là Ukraina xin gia nhập Liên Hiệp là một yêu cầu chính đáng. Hơn nữa, Ukraina cũng đã giành được thiện cảm của các nước châu Âu kể từ sau Cách mạng Maidan năm 2014 và nhất là kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược của Nga hôm 24/02. Khả năng Ukraina sẽ trở thành thành viên Liên Âu ngày càng trở nên chắc chắn, nhưng sẽ không phải « chỉ trong nay mai », bởi điều 49 của Hiệp ước cũng thực sự quy định một quy trình cản trở việc gia nhập « nhanh chóng ».  

Trước hết phải nói rõ là không hề tồn tại thủ tục đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu dù ứng viên là nước nào đi chăng nữa. Thủ tục đối với Ukraina cũng giống như đối với Moldova. Cùng thời kỳ với Ukraina, Moldova cũng đã đệ trình yêu cầu được gia nhập Liên Âu. Thủ tục này cũng phải giống như đối với 6 nước Tây Balkan (Albanie, Kosovo, Serbia, Bosnia, Montenegro và Bắc Macedonia), vốn đã chờ đợi từ nhiều năm qua, hay như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy.  

Trên thực tế, chỉ có Ủy Ban Châu Âu có thể đẩy nhanh thủ tục. Thế nhưng, vẫn còn 3 yếu tố khác đòi hỏi nhiều thời gian hơn cần phải thỏa mãn, để Ukraina chính thức trở thành thành viên Liên Âu. 

Trước hết là việc đàm phán nhằm có được sự đồng nhất của các nước thành viên Hội Đồng Châu Âu (chỉ cần có một lá phiếu chống là thủ tục cũng bị cản trở). Sau đó đến một cuộc bỏ phiếu của Nghị Viện Châu Âu với đa số phiếu thuận của các thành viên. Và cuối cùng, cần có sự nhất trí phê chuẩn của Quốc Hội 27 nước thành viên Liên Âu, hoặc thông qua các cuộc trưng cầu dân ý tùy theo luật pháp các nước. Các thủ tục này có thể mất nhiều năm. 

Theo nhà nghiên cứu Mario Telo, chủ tịch danh dự IEE-ULB, thành viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Bỉ, việc xem xét khả năng trao ngay lập tức cho Ukraina tư cách thành viên Liên Âu chủ yếu mang tính « chính trị »

Thêm quá nhiều thành viên, nội bộ càng thêm phức tạp 

Trong bối cảnh hiện tại, Bruxelles không thể chỉ cho mỗi Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Trên thực tế, Ukraina chỉ là 1 trong 9 nước xin gia nhập Liên Hiệp (6 nước vùng Balkan và 3 nước thuộc Liên Xô cũ, ngoài ra còn phải kể đến trường hợp đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn khả năng gia nhập Liên Âu đang ngày càng rời xa). Theo nhiều nhà quan sát, sự gia nhập thêm của 9 quốc gia và chắc chắn là kéo thêm việc nhiều công dân trở thành công dân Liên Âu sẽ khiến các định chế của Liên Hiệp bị tê liệt, đặc biệt là về chính sách đối ngoại. 

Chính sách đối ngoại được quyết định thông qua biểu quyết nhất trí của Hội đồng Chính sách Đối ngoại do Josep Borrell làm chủ tịch. Thêm 9 quốc gia (bao gồm cả Serbia, đặc biệt thân Nga) thành viên mới, mà mỗi nước này, tùy hoàn cảnh, có thể phản đối các quyết định chung của Liên Âu, điều này dường như đi ngược lại nhu cầu tối cao về một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn. Điều này cũng tương tự như đối với chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu. 

Ai sẽ được lợi nếu Liên Âu ngày càng suy yếu trong một thế giới đang ngày càng trở nên nguy hiểm ? Vào ngày 09/05/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch luân phiên Liên Âu, đã đề xuất một cộng đồng chính trị châu Âu trù tính các nước hội nhập sâu rộng ở những thời điểm khác nhau. Dù dự án có tiến triển theo hướng nào đi chăng nữa, dường như ai cũng đều nhận ra rằng sự gia nhập của một số thành viên mới có khả năng làm phức tạp thêm việc ra quyết định trong nội bộ Liên Âu.  

Câu hỏi về việc một ứng viên nhanh chóng được gia nhập Liên Âu đã từng được đặt ra chưa ? Xin nhắc lại là hầu hết các nước Trung và Đông Âu đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp sau khi khối cộng sản sụp đổ, nhưng phải đợi đến năm 2004 mới được gia nhập. Rumani và Bulgari thậm chí phải đợi đến năm 2007. 

Trước đây, thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng muốn mở rộng Liên Hiệp Châu Âu sang các nước Đông Âu ngay từ năm 1989. Bà Thatcher muốn « làm loãng » Liên Âu, làm suy yếu Liên Hiệp, biến khối này thành một thực thể giống như Liên Hiệp Quốc, không có bất kỳ thẩm quyền hay bản sắc nào trong chính sách đối ngoại. Ý đồ của thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi đó đã bị chặn lại bởi các nhà lãnh đạo Jacques Delors (chính trị gia Pháp, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu), Willy Brandt (thủ tướng Đức) và François Mitterrand (tổng thống Pháp), những người muốn củng cố các định chế của Liên Âu trước khi bắt đầu các thủ tục mở rộng Liên Hiệp dựa trên « các tiêu chí Copenhagen », được Hội Đồng Châu Âu thông qua vào năm 1993 và cho đến nay vẫn còn hiệu lực (những giá trị chung của cộng đồng, kinh tế thị trường, tôn trọng pháp quyền và dân chủ). 

Tình hình khó đoán định tại Ukraina 

Trở lại với trường hợp của Ukraina, còn có thêm hai vấn đề cụ thể. Trước hết, đây là một quốc gia với 45 triệu dân và có GDP bình quân đầu người chỉ bằng một phần tư Bulgari (nước nghèo nhất Liên Âu). Hơn hết, châu Âu không biết vị thế và tình hình của Ukraina trong những tuần tới, những tháng sắp tới và những năm tiếp theo. Đất nước Ukraina có thể bị chia thành hai nửa như Chypre, cũng có thể bị phi quân sự hóa và Phần Lan hóa (theo quy chế trung lập tuyệt đối). Không ai biết những điều đó sẽ diễn ra thế nào và đặc biệt là không ai biết nhân quyền sẽ được tôn trọng ở mức độ nào trong tương lai ở một số vùng của nước Ukraina.  

Đó là chưa nói tới hệ quả quân sự không hề nhỏ đối với Liên Âu nếu Ukraina gia nhập Liên Hiệp trong bối cảnh chiến tranh hiện nay, bởi khi đó Ukraina sẽ tham gia vào Chính sách phòng thủ chung châu Âu, mà theo điều 42 nếu một nước thành viên Liên Âu bị quân đội nước ngoài tấn công thì các nước thành viên khác phải có sự hỗ trợ. Điều này cũng tương tự như điều khoản số 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.  

Theo giải thích của Vincent Couronne trên trang mạng truyền thông Surligneurs, được TF1 trích dẫn ngày 02/03, « nếu Ukraina trở thành thành viên, điều đó có nghĩa là tất cả các nước thành viên Liên Hiệp sẽ công khai tham chiến chống lại Nga, và đặc biệt là Pháp, nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tức là chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc xung đột công khai nổ ra giữa hai cường quốc hạt nhân ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment