25/06/2022
Điều phối viên Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc, Kurt Campbell, ngày 23/6 cho hay dự kiến sẽ có thêm nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm các đảo quốc Thái Bình Dương trong lúc Washington tăng cường giao tiếp nhằm chống lại Trung Quốc trong khu vực chiến lược quan trọng này.
Ông Campbell nói Hoa Kỳ cần nhiều cơ sở ngoại giao hơn trong khu vực, và tiếp xúc nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương mà đôi khi “ít được chú ý”.
Ông nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington (CSIS): “Bạn sẽ thấy nhiều quan chức cấp nội các hơn, nhiều quan chức cao cấp hơn, đến Thái Bình Dương … nhận ra rằng thực sự không có gì thay thế những chiếc ủng ngoại giao trên thực địa”.
Chính quyền Biden cam kết dành nhiều nguồn lực hơn cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Trung Quốc tìm cách tăng cường liên kết kinh tế, quân sự và cảnh sát với các đảo quốc Thái Bình Dương đang khao khát đầu tư nước ngoài.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh được nhấn mạnh bởi hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon trong năm nay, một động thái làm dấy lên lo ngại ở Australia, New Zealand và Hoa Kỳ.
Ông Campbell nói, tuy không cụ thể nhắc tới Trung Quốc: “Chủ quyền là trọng tâm khi nói về cách chúng ta nhìn về Thái Bình Dương nói chung. Bất kỳ sáng kiến nào làm hại hoặc nêu thắc mắc về chủ quyền đó, tôi nghĩ chúng tôi sẽ quan tâm đến”.
Washington cho biết sẽ xúc tiến việc mở tòa đại sứ ở Quần đảo Solomon, được loan báo vào đầu năm nay khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Fiji, chuyến đi đầu tiên tới đây của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ sau bốn thập niên.
Ông Campbell nói ông đã hình dung Fiji sẽ là một trong những “trung tâm” giao tiếp của Hoa Kỳ.
Bà Monica Medina, chịu trách nhiệm về các Vấn đề Đại dương và Môi trường quốc tế và Khoa học tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết lãnh vực mà các đảo ở Thái Bình Dương đặc biệt cần trợ giúp bao gồm đối phó với biến đổi khí hậu và chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Bà nói: “Chúng tôi biết mình còn rất nhiều việc phải làm.”
Đại sứ của Fiji tại Liên hiệp quốc, Satyendra Prasad, nói tại một sự kiện ở CSIS rằng các hòn đảo cần “khả năng dự đoán tốt” và không có “điểm dừng” trong quan hệ với Washington.
Ông nói: “Người dân Thái Bình Dương và chính phủ của họ sẽ hoan nghênh mối quan hệ đối tác bền bỉ với Hoa Kỳ vốn tồn tại lâu dài.”
Đại sứ Samoa tại Liên hiệp quốc nói cần phải xem liệu một hiệp ước của Hoa Kỳ với Thái Bình Dương về cá ngừ có thể được mở rộng thành một hiệp định thương mại rộng lớn hơn hay không.
“Tôi nghĩ rằng điều đó đã được xem xét,” ông Fatumanava-o-Upolu III Pa’olelei Luteru nói. “Đó là điều sẽ rất hữu ích.”
Washington cũng có thể giúp đỡ bằng cách hỗ trợ Chỉ số Tổn thương Đa chiều do Liên hiệp quốc điều hành để giúp các đảo quốc tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi.
Đề cập rõ ràng đến sức hút của Trung Quốc, ông Luteru nói rằng các chính trị gia phải có trách nhiệm với người dân của họ.