26 tháng 6 2022
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ lo ngại Ukraine có thể phải đối mặt với áp lực để đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Nga không có lợi cho nước này do hậu quả kinh tế của cuộc chiến ở châu Âu.
Ông Johnson, phát biểu với báo chí khi dự một hội nghị ở Rwanda, rằng: \”Quá nhiều nước đang nói đây là cuộc chiến Âu châu không cần thiết, vì thế sức ép sẽ tăng – có khi là cưỡng bức – người Ukraine nhận một hòa bình xấu xí.\”
Khi được hỏi ông thực sự nghĩ gì, Johnson nói tiếp: \”Tôi chỉ nghĩ chung chung. Tôi chỉ nghĩ rằng có một tâm lý chung.\”
\”Rủi ro là mọi người sẽ không thấy rằng điều quan trọng là phải đứng lên chống lại sự xâm lăng.\”
Severodonetsk rơi vào tay Nga
Thành phố Severodonetsk ở miền đông Ukraine \”hoàn toàn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga\” vào ngày 25/6, sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt và đẫm máu.
Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự Ukraine của thành phố Oleksandr Striuk, thừa nhận: \”Người Nga đã bổ nhiệm một chỉ huy.\”
Hôm thứ Sáu, những binh sĩ Ukraine cuối cùng ở Severodonetsk đã được lệnh rời đi, vì không thể tiếp tục bảo vệ nơi này.
Như vậy, khu vực Luhansk ở miền đông Ukraine đã gần như hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nga.
Severodonetsk là một trong những thành trì lớn cuối cùng của Ukraine trong khu vực.
Serhiy Hayday, một chỉ huy quân sự Ukraine ở miền đông Ukraine, cho biết quân đội đưa ra quyết định sơ tán \”vì số lượng người chết có thể tăng lên mỗi ngày.\”
Hai quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng Nga đang giành được lợi thế ở miền đông Ukraine vì rút ra bài học từ những sai lầm đã mắc phải trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Ukraine.
Trong đó, có việc Nga đã phối hợp tốt hơn các cuộc tấn công trên không và trên bộ cũng như cải thiện đường cung ứng và hậu cần.
Trong khi đó, quân đội Ukraine ở phía đông thành phố Lysychansk đang chịu sức ép ngày càng lớn từ quân Nga.
Mục tiêu của Nga dường như là cắt đứt các lực lượng Ukraine ở khu vực Luhansk và Donetsk.
Joe Biden đi châu Âu
Tổng thống Joe Biden đã khởi hành hôm thứ Bảy để tham dự một tuần hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu.
Biden hy vọng sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới cùng với các đồng minh châu Âu trong chuyến thăm của ông tới Đức và Tây Ban Nha.
Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO sẽ nghe Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người tiếp tục kêu gọi Hoa Kỳ và các nước khác giúp đỡ nhiều hơn.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế âm ỉ đã gây ra nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng cho nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm cả Biden.
Sau nhiều vòng trừng phạt của phương Tây, Moscow khó khăn.
Nhưng trừng phạt đối với dầu khí của Nga đã góp phần làm tăng giá năng lượng.
Tác động của chiến tranh đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã khiến giá lương thực tăng vọt và nguy cơ xảy ra khủng hoảng đói ở các quốc gia nghèo hơn.
Khi bắt đầu chiến tranh, phương Tây ra trừng phạt nhằm cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng nhiều tháng sau, hiện không rõ làm thế nào để cuộc chiến kết thúc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã đến thăm Kyiv lần thứ hai vào tuần trước, đã khẳng định Ukraine \”phải giành chiến thắng.\”
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo không nên \”làm nhục\” Nga.
Trong ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Tại cuộc gặp được tổ chức ở St Petersburg, ông Lukashenko nói với ông Putin rằng Belarus lo ngại trước các chính sách \”gây hấn\”, \”đối đầu\” của các nước láng giềng Lithuania và Ba Lan.
\”Minsk phải sẵn sàng cho bất cứ điều gì, ngay cả việc sử dụng vũ khí nghiêm trọng để bảo vệ tổ quốc của chúng tôi từ Brest đến Vladivostok\”, ông nói.