Đăng ngày: 28/06/2022
Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga do chính quyền Putin phát động từ ngày 24/02/2022, kéo dài bốn tháng nay, không chỉ khiến Nga và phương Tây gần như đi đến chỗ tuyệt giao. Cuộc xâm lăng của Nga còn có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi một số ít ỏi đồng minh thuộc không gian Liên Xô cũ. Kazakhstan nằm trong số đó.
Kazakhstan là nước cộng hòa cuối cùng thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, ngày 19/12/1991. Nước cộng hoà Trung Á Kazakhstan có diện tích lớn thứ hai trong Liên Xô trước đây, sau Nga, với hơn 2,7 triệu km vuông. Cho đến nay, Kazakhstan, quốc gia có đường biên giới trên bộ dài nhất với Nga (6.846 km), về mặt thể chế vẫn gắn bó mật thiết với Nga thông qua ba định chế.
Kazakhstan vốn gắn bó với ba định chế quốc tế chủ chốt của điện Kremlin
Thứ nhất là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC), liên minh chính trị – quân sự bao gồm 6 nước cộng hoà Liên Xô cũ, trong đó Liên bang Nga là trụ cột. Thứ hai là Liên minh Kinh tế Á – Âu (một dạng khu vực thị trường chung thời hậu Xô Viết, bao gồm 5 thành viên chính thức, là 5 nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, và một số quan sát viên trong đó có Trung Quốc, Iran).Và định chế thứ ba là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), với Nga và Trung Quốc là thành viên trụ cột.
Toàn bộ ba định chế chủ chốt mà Kazakhstan tham gia cũng được coi là các yếu tố căn bản trong chiến lược đối ngoại của điện Kremlin, và đặc biệt là các công cụ cho phép Nga xác lập ảnh hưởng trong khu vực. Khoảng 20% trong tổng số dân cư 20 triệu dân Kazakhstan nói tiếng Nga. Cựu tổng thống Noursoultan Nazarbaïev, một cựu lãnh đạo thời Liên Xô, cầm quyền liên tục từ năm 1991 đến 2019, điều hành đất nước với bàn tay sắt. Những nhân tố nói trên, cùng với việc đông đảo nhân sự trong bộ máy lãnh đạo chính quyền xuất thân thời Xô Viết, bảo đảm sự trung thành không gì lay chuyển của Kazakhstan đối với Matxcơva.
Bác bỏ chủ quyền ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’ trước mặt Putin
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga có nguy cơ khiến Matxcơva mất đi, hay ít nhất cũng bị đồng minh đàn em lâu đời xa lánh. Bất đồng sâu sắc Kazakhstan – Nga thể hiện rõ rệt trong dịp Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6 vừa qua. Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokaïev, là một trong các lãnh đạo quốc gia hiếm hoi trên thế giới tham gia diễn đàn kinh tế thường niên nổi tiếng do Nga tổ chức, nhưng bị đông đảo các nước tẩy chay năm nay do cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy tham gia, nhưng chính tại diễn đàn này, nguyên thủ Kazakhstan đã tuyên bố thẳng ngay trước tổng thống Nga Vladimir Putin: Kazakhstan không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraina, với tên gọi ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’, mà Nga công nhận. Can thiệp vào Ukraina để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai nói trên là cái cớ mà điện Kremlin đưa ra để biện minh cho cuộc xâm lăng.
Trả đũa : Nói trại tên đồng nhiệm, chặn xuất khẩu dầu của láng giềng…
Phía Nga cũng có trả đũa ngay tức thì trước thái độ kiên quyết của Kazakhstan. Theo Les Echos, tổng thống Nga đã đáp trả khi ‘‘cố tình phát âm sai tên’’ của đồng nhiệm Kazakhstan, một phản ứng được coi là ‘‘mang đầy ý nghĩa biểu tượng’’. Đúng hai hôm sau, Matxcơva đưa ra một trừng phạt cụ thể : ngừng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra bên ngoài thông qua cảng dầu Novorossisk trên Biển Đen. Cảng dầu nói trên – với khả năng vận chuyển 1,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 3% lưu lượng dầu mỏ toàn cầu – được coi là cánh cửa chủ yếu đưa dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra thế giới (“Le Kazakhstan s\’éloigne à son tour de la Russie”, Les Echos, ngày 20/06/2022).
Theo lời giải thích của chính quyền Nga, việc tạm thời ngưng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất qua cảng Novorossisk trên Biển Đen là do vấn đề an ninh không bảo đảm. Cụ thể là để vô hiệu hoá một số bom chưa nổ dưới đáy Biển Đen, lưu lại từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, hiện diện gần khu vực cảng này. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, lời biện bạch của Nga không thuyết phục được ai. Trên thực tế, phản ứng cứng rắn từ phía Nga không chỉ để trả đũa tuyên bố trực diện và dứt khoát của tổng thống Kazakhstan, bác bỏ “chủ quyền tự phong” của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga thuộc Ukraina. Phản ứng này cũng đồng thời để đáp trả lại việc chính quyền Kazakhstan trước đó hai tuần đã quyết định chuyển đổi tên gọi dầu mỏ của Kazakhstan thành KEBCO (Kazakhstan Export Blend Crude Oil), để tránh bị đánh đồng với dầu mỏ của Nga, nhằm không bị dính phải các trừng phạt từ phương Tây.
TT Kazakhstan bác bỏ vị thế bề trên của Nga…
Ngoài hai hành động dứt khoát của chính quyền Kazakhstan – tách khỏi sự chồng chéo trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ với Nga, tái khẳng định nguyên tắc không thừa nhận chủ quyền hai vùng lãnh thổ tự phong (được Nga hậu thuẫn) ngay trước mặt tổng thống Nga (nguyên tắc vốn đã được chính quyền Kazakhstan khẳng định ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina), nhật báo Les Échos còn ghi nhận một động thái thứ ba.
Đây có thể là động thái báo hiệu sự rạn nứt khó vãn hồi của quan hệ Nga – Kazakhstan với tư cách mối quan hệ giữa nước lớn và quốc gia chư hầu. Ngày Chủ nhật 19/06 – tức một ngày trước khi Nga đưa ra quyết định ngăn chặn dầu xuất khẩu Kazakhstan, tổng thống Kazakhstan, đưa ra một tuyên bố được đánh giá là “rất cứng rắn”, có thể được nhìn nhận như ‘‘một hành động khiêu khích’’ từ phía Matxcơva, theo Les Echos. Tổng thống Kazakhstan Tokaiev nhấn mạnh là ‘‘nước Nga đừng nên cố gắng đóng vai trò của đấng cứu thế, bởi sẽ không ai cần đến việc này, cũng sẽ không ai khuất phục’’.
Trên thực tế, phản ứng của tổng thống Kazakhstan cũng không hẳn là một hành động khiêu khích đơn thuần từ phía chính quyền Kazakhstan. Les Echos nhấn mạnh đến việc tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các vùng lãnh thổ Liên Xô cũ, bao gồm đặc biệt Kazakhstan, là thuộc về ‘‘lãnh thổ lịch sử của nước Nga’’. Đối với Kazakhstan, diễn đạt ‘‘gây lạnh sống lưng này’’ rõ ràng chứa đầy hàm ý đe dọa. Mùa hè năm ngoài, chủ nhân điện Krelin đã từng đưa ra một thông điệp về việc người Nga và người Ukraina cùng chia sẻ ‘‘một không gian lịch sử và tâm linh chung’’. Dưới diễn đạt vẻ ngoài mang đầy ý nghĩa văn hoá có vẻ vô hại này, ‘‘Không gian lịch sử và tâm linh chung Nga – Ukraina’’ giờ đây trở thành một tín điều căn bản đang được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lăng Ukraina. Kazakhstan hoàn toàn có thể trở thành một Ukraina thứ hai.
… nhưng tìm cách giảm nhẹ căng thẳng, duy trì hòa khí
Cũng liên quan đến phản ứng khác thường của tổng thống Kazakhstan tại Diễn đàn Kinh tế St Petersbourg, nhật báo Anh ngữ Moscow Times, phát hành tại Nga, ghi nhận thái độ phản đối mạnh mẽ của nguyên thủ Kazakhstan với một bộ phận giới chính trị và truyền thông Nga, mà theo ông, đang góp phần “gieo rắc bất hoà” trong quan hệ hai nước. Cho đến nay, dường như chính quyền Kazakhstan vẫn cố gắng duy trì thế cân bằng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Chính quyền của tổng thống Tokayev đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ lên án cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Thế nhưng, vấn đề không công nhận chủ quyền đối với hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga miền đông Ukraina là ‘‘lằn ranh đỏ’’ với Kazakhstan. Về phía Nga, dường như chính quyền Putin muốn gây áp lực để buộc Kazakhstan từ bỏ lập trường trung lập.
Theo Moscow Times, ‘‘một trong những người chỉ trích gay gắt nhất lập trường trung lập của Kazakhstan đối với Ukraina chính là bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của báo Russia Today, người đã điều tiết cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ Putin và Tokayev ngày 17/6 (tại St Peterbourg)’’ (\”Ukraine War Strains Ties Between Kazakhstan and Russia\”, Moscow Times, ngày 24/06/2022).
Theo nhà phân tích chính trị Dosym Satpayev, làm việc tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, các phát biểu của tổng thống Tokayev tại St Petersbourg chắc chắn sẽ được theo dõi sát tại Kazakhastan ‘‘nơi chính sách đối ngoại rất hiếu chiến của điện Kremlin có thể gây nhiều phản đối, nhưng cũng có được nhiều ủng hộ’’. Báo Moscow Times cũng ghi nhận nỗ lực làm dịu căng thẳng trong quan hệ song phương với Nga của tổng thống Kazakhstan. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ít ngày sau Diễn đàn St Petersbourg, tổng thống Kazakhstan đã ca ngợi đồng nhiệm Nga là một ‘‘đồng minh trung thành’’, và hai bên đã có một ‘‘cuộc gặp rất tốt đẹp.’’ Chính quyền Kazakhstan cố gắng duy trì hoà khí, nhưng thái độ của điện Kremlin sẽ ra sao ? Già néo liệu có đứt dây ?
Cuộc xâm lăng Ukraina thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá ở Kazakhstan ?
Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cũng đưa ra một góc nhìn bổ sung. Đó là quan hệ Kazakhstan và Nga đang bước vào giai đoạn đặc biệt nhạy cảm. Chính quyền của tổng thống Tokayev (đắc cử từ năm 2019) đang tìm cách dần từng bước thoát khỏi di sản độc tài của chế độ Nazarbaïev. Đầu tháng 6 vừa qua, Kazakhstan đã trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp hướng đến ‘‘dân chủ hoá’’ – theo hướng chuyển từ chế độ tổng thống tập trung toàn bộ quyền lực, sang một nền cộng hòa tổng thống chế nhưng với một Quốc Hội mạnh, cấm người thân cận với tổng thống nắm quyền trong các cơ quan quan trọng. Cuộc trưng cầu dân ý được 77% dân chúng ủng hộ nói trên, được nhiều người coi là một biến cố chính trị lớn nhất tại Kazakhstan kể từ 30 năm nay, khi cho đến rất gần đây tập đoàn Nazarbaïev luôn nắm trọn vẹn quyền lực (‘‘Kazakhstan : une majorité de \”oui\” au référendum pour tourner la page Nazarbaïev’’, France 24, 05/06/2022).
Tiến trình dân chủ hoá, xích lại gần với các giá trị của phương Tây phải chăng không sớm thì muộn cũng dẫn đất nước Kazakhstan lìa xa khỏi chế độ chính trị của nước Nga nơi điện Kremlin thâu tóm mọi quyền lực ? Nếu nhìn theo hướng này, phải chăng cuộc xâm lăng Ukraina của Nga trên thực tế đang góp phần đẩy nhanh tiến trình khẳng định rõ ràng nền độc lập, khả năng tự lựa chọn chế độ chính trị phù hợp cho mình, vốn đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong nội bộ xã hội Kazakhstan ?