G7, NATO hay BRICS : Ai đang nắm giữ vận mệnh thế giới ?

Đăng ngày: 30/06/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, họp báo tại lâu đài Elmau về thượng đỉnh G7. Ảnh ngày 28/06/2022. AP – Martin Meissner

Thanh Hà

Trong một tuần lễ, thượng đỉnh G7, NATO, BRICS, thượng đỉnh các quốc gia bao quanh biển Caspi … diễn ra cùng một lúc. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chuẩn bị kết nạp thêm hai thành viên và đưa ra « khái niện mới về chiến lược ». Nga tăng hỏa lực trên chiến trường Ukraina dằn mặt phương Tây. Trung Quốc giữ nguyên lập trường ủng hộ Nga trước các đòn trừng phạt kinh tế, tài chính của Âu, Mỹ.

Hai chuyên gia Pháp về địa chính trị, về quan hệ quốc tế Florent Parmentier và Barthélémy Courmont trả lời câu hỏi trật tự thế giới có còn trong tay các nước phương Tây nữa hay không ? Ai đang áp đặt quan điểm về quan hệ quốc tế và chiến lược ?

Florent Parmentier giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po. Barthélémy Courmont là giám đốc nghiên cứu đặc trách về chương trình Châu Á-Thái Bình Dương của Viện Quan Hệ Quốc Tế Chiến Lược IRIS.

Tại thượng đỉnh NATO Madrid- Tây Ban Nha khai mạc hôm 29/06/2022, lãnh đạo 30 nước thành viên công bố « khái niệm chiến lược mới » cho giai đoạn 10 năm tới đây với hai điểm nổi bật : Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nêu đích danh Nga là « mối đe dọa nghiêm trọng nhất, trực tiếp nhất » đè nặng lên an ninh của toàn khối. Lần đầu tiên, NATO đề cập đến « thách thức » Trung Quốc mà Bắc Kinh đang đặt ra cho « an ninh, lợi ích và những giá trị chung » của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Cùng ngày tai Achgabat, Turkmenistan, tổng thống Nga Vladimir Putin dự thượng đỉnh các quốc gia bao quanh biển Caspi chứng tỏ Kremlin không bị cô lập về ngoại giao vì chiến tranh Ukraina. Trước đó tại Berlin, Đức, bảy nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – G7 – đã đề cập đến nhiều hồ sơ, từ chiến tranh Ukraina đến khí hậu và nhất là an ninh lương thực trên thế giới. Vào lúc lãnh đạo Mỹ, Canada, Nhật và Anh, Pháp, Đức, Ý lên đường đến Berlin, thì tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình họp trực tuyến, chủ trì thượng đỉnh BRICS quy tụ 5 nền kinh tế đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Thêm một hoạt động ngoại giao khác ít được báo chí đưa tin : tổng thống Indonesia công du Nga và Ukraina. Với tư cách chủ tịch luân phiên G20 Joko Widodo đề nghị « đứng ra làm trung gian » giải quyết xung đột, mời hai tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky dự thượng đỉnh Bali vào tháng 11/2022.

G7-NATO không còn độc diễn trên sân khấu ngoại giao

Trang mạng thông tin của Pháp Atlantico.fr có khuynh hướng bảo thủ nêu lên câu hỏi việc hàng loạt các hoạt động ngoại giao diễn ra từ một tuần này, là dấu hiệu G7 và NATO đang bị « cạnh tranh » không còn giữ được ảnh hưởng lớn như trước ?

Giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, Barthélémy Courmont nhắc lại khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, G7 là biểu tượng của sức mạnh thế giới tự do, của khối « Tây Phương » (Nhật là đồng minh chặt chẽ của Hoa Kỳ trong khối tự bản tự do). Khối này đã thâu nạp thêm Liên Bang Nga năm 1996 (dưới tên gọi G7+1 hay đơn giản hơn là G8) Nhưng Matxcơva đã bị loại trừ sau khi xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Thế rồi BRIC – BRICS đã khai sinh. (BRICS chiếm 42 % dân số toàn cầu, 23 GDP của thế giới). G7 dần dần trở thành một « câu lạc bộ » của các nước giàu trong lúc mà ảnh hưởng của các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil càng lúc càng lớn. Từ khủng hoảng tài chính 2008, nhóm G20 quy tụ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã được hình thành, với những nước như Indonesia Thổ Nhĩ Kỳ …

G7 lại càng bị suy yếu thêm dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, Donald Trump bởi chủ nhân Nhà Trắng « rất ít quan tâm đến các đồng minh trong bang giao quốc tế theo mô hình thế giới đa cực ». Sau bốn năm nhiệm kỳ Trump, chính quyền Biden cố gắng thổi một làn gió mới vào G7, một khối « dân chủ » chống lại các chế độ chuyên chế.

Phát biểu qua cầu truyền hình hôm khai mạc thượng đỉnh nhóm BRICS và dưới sự chủ tọa của chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi các đối tác « hợp tác chặt chẽ » cưỡng lại « những hành vi ích kỷ của phương Tây », trong việc trừng phạt Nga. BRICS liệu đã đủ trọng lượng để áp đặt quan điểm trên bàn cờ quan hệ quốc tế hay chưa ? Các chuyên gia Pháp, Parmentier và Courmont đều trả lời là chưa. Nhưng thế giới bắt đầu « giữ khoảng cách với Âu, Mỹ »

Tẩy chay mô hình phương Tây

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ cùng tránh về hùa với phương Tây lên án Nga xâm lăng Ukraina, New Delhi và Bắc Kinh tận dụng cơ hội này để mua nguyên liệu và năng lượng của Nga với giá rẻ. Trung Quốc không ngần ngại tuyên bố « sẵn sàng hợp tác với Nga để tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau vì những lợi ích cốt lõi của mỗi bên liên quan đến chủ quyền và an ninh ». Florent Parmentier kết luận : BRICS có thể liên kết với nhau để có một tiếng nói mạnh hơn, nhưng « lợi ích của nhóm này thường có nhiều mâu thuẫn ».

Barthélémy Courmont chú ý nhiều hơn đến thái độ của New Dehli về xung đột Ukraina : đây không đơn thuần là một sự « đối đầu giữa một bên là các nước dân chủ và bên kia là các chế độ chuyên chế » mà là một dấu hiệu của tiến trình, theo ông, « phi Tây phương hóa ». Châu Á, châu Phi châu Mỹ La Tinh và cả Trung Đông xa lánh phương Tây trên vấn đề Ukraina. Tây phương « ngày một thêm cô lập ».   

NATO bị suy yếu thêm vì khủng hoảng Ukraina ?

Tháng 11/2019 tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố NATO trong tình trạng « chết não ». Nhưng từ khi Nga xâm chiếm Ukraina liên minh quân sự này đã được « hồi sinh » : tăng ngân sách quốc phòng và đang chuẩn bị kết nạp thêm hai thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan, sát cạnh nước Nga. Giám đốc nghiên cứu viện IRIS Barthélémy Courmont thận trọng nói đến một « sự bật dậy » từ phía NATO nhưng còn phải đào sâu hơn mới biết được là liên minh này đã thoát khỏi tình trạng « chế não hay chưa ». Bởi chiến tranh Ukraina « chủ yếu đang chứng minh rằng, thời kỳ mà NATO bảo vệ những giá trị phổ quát dường như đã qua. Liên minh quân sự này có thể sẽ mở rộng thêm đến những thành viên mới. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đó ?  (…) Từ chối giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình, và xem một sự đối đầu giữa hai cực là ngõ thoát duy nhất khiến các thành viên NATO càng đặt mình vào thế yếu. Trong một chừng mực nào đó nhận xét của Emmanuel Macron  hồi 2019 vẫn còn tính thời sự hơn bao giờ hết ».

Khủng hoảng lương thực thế giới : Trách nhiệm « không chỉ » thuộc về Nga ?

Vậy thì G7 hay BRICS, NATO hay Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, QUAD, … có thể áp đặt luật chơi với thế giới ? Florent Parmentier trường Sciences Po nhìn nhận ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn tại châu Phi, châu Mỹ La Tinh hay Trung Đông nhưng Bắc Kinh chưa thể qua mặt được Washington.

Song Trung Quốc đang dùng những sáng kiến để lôi kéo đồng minh trên mặt trận kinh tế và thương mại : dự án Một Vành Đai Một Con Đường, hiệp định RCEP để làm đối trọng với CPTPP mà cả những đồng minh thân thiết nhất của Washington cũng hưởng ứng sáng kiến của Bắc Kinh. Trong số này phải kể đến từ Hiệp Hội Đông Nam Á đến Nhật Bản, New Zealand , Úc …

Trong mắt nhà nghiên cứu Barthélémy Courmont thì đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy « những quốc gia với các hệ thống chính trị rất khác nhau vẫn có thể gạt sang một bên các bất đồng vì mục tiêu phát triển ». Do vậy, để « tìm lại vị trí của mình trên sân khấu chính trị, Tây phương bắt buộc phải bắc những nhịp cầu với phần còn lại của thế giới, chấp nhận đối thoại, trao đổi hơn là lúc nào cũng đặt mình trong cái thế để phán xét (những quốc gia chung quanh) và co cụm lại với chính mình ».

Từ nhận xét đó, giám đốc nghiên cứu của IRIS trả lời câu hỏi ai đang định đoạt quan hệ quốc tế. Theo ông tất cả tùy thuộc vào định nghĩa về « bang giao quốc tế ». Nếu nhìn vào khía cạnh kinh tế và phát triển, vị thế của Tây phương đang bị « thu hẹp ». Trái lại về mặt chiến lược thế thượng phong của Âu Mỹ còn « rất lớn ».

Florent Parmentier trường Sciences Po kết luận : Sự trỗi dậy của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang mở ra một thời đại mà « các nguồn tài nguyên, quyền lực  (…) không nhất thiết phải đổ về Hoa Kỳ hay sang châu Âu ». Chính vì thế mà nước Nga của Vladimir Putin « không cần chống đỡ lại các lập luận của phương Tây », không cần thanh minh về việc xâm chiếm Ukraina. Trái lại Matxcơva tìm cách diễn giải một cách khác để chứng minh với Đông Nam Á, với Nam Á, châu Phi, Trung Đông hay châu Mỹ La Tinh » về chiến lược của Kremlin. Matxcơva muốn các quốc gia « không liên kết » này hiểu rằng, « khủng hoảng lương thực sắp tới đây mà họ sẽ phải đối mặt, trách nhiệm không chỉ thuộc  về nước Nga ».

Toàn cảnh thế giới hôm nay phức tạp hơn nhiều so với mô hình được hình thanh sau Thế Chiến Thứ Hai và đã được củng cố thêm sau khi khối Liên Xô sụp đổ năm 1989.

Bài Liên Quan

Leave a Comment