28/06/2022
Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết.
Cù Huy Hà Vũ
Campuchia “chọn bên”
Ngày 8/6 vừa qua, Campuchia đã tổ chức lễ khởi công cải tạo căn cứ hải quân Ream với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói với AFP rằng Campuchia sẽ ‘không để quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ Ream hay phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự’. Trước đó, ngày 7/6, Washington Post dẫn lời một quan chức Bắc Kinh xác nhận rằng họ sẽ “sử dụng một phần căn cứ” nhưng bác bỏ việc họ “độc quyền” sử dụng’ căn cứ này và nói họ sẽ “không đụng đến phần căn cứ do phía Campuchia sử dụng”.
Bất luận thế nào, Trung Quốc đang trong tiến trình lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Đông Nam Á, sau căn cứ đầu tiên của họ, cũng là hải quân, được thiết lập ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi vào 2017. Trước đó, chính phủ Campuchia cũng đã cấp phép cho Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) của Trung Quốc xây dựng sân bay Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong mà khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự của Quân giải phóng nhân dân, từ tiêm kích, ném bom cho đến giám sát. Tất cả những sự việc này trực tiếp thách thức ngôi vị siêu cường của Mỹ nói chung, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của nước này có mục đích ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực trong khu vực nói riêng.
Vì lý do đã rõ, Mỹ phải nói là cay đắng trước sự “chọn bên” của chính quyền Campuchia, nhất là chính quyền này vào năm 2020 đã phá bỏ hai công trình quân sự do Mỹ tài trợ xây dựng tại Ream để dọn đường cho Hải quân Trung Quốc lập căn cứ.
Thế nhưng Việt Nam mới là nước cay đắng nhất bởi có cảm giác “bị phản bội”. Cách đây ba năm, năm 2019, tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Campuchia do Việt Nam xây dựng tại quân cảng này – như một sự nhắc nhở Việt Nam đã cứu Campuchia khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng – đã bị di dời. Lý do mà Phmom Penh đưa ra là để tránh xung đột với các quân nhân Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện.
Thực ra, Việt Nam đã trải nghiệm cảm giác này ít ra từ cả chục năm nay. Vào các năm 2012 và 2016, Phnom Penh đã ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam và Philippines. Không những thế, Campuchia còn \”thụt lùi\” khi phản đối ký vào mọi điều khoản ràng buộc Trung Quốc vào các quy định quốc tế liên quan đến Biển Đông (3). Mới đây, Thủ tướng Hun Sen, người được Việt Nam cưu mang sau khi đào thoát khỏi Khmer Đỏ và tiếp đó gây dựng để cầm quyền ở Campuchia hậu Khmer Đỏ, thậm chí còn ám chỉ Việt Nam sẽ xâm lược nước ông và khi đó chỉ Trung Quốc mới cứu giúp được. Tại lễ khánh thành Bệnh viện Tai Mũi Họng Hữu nghị Campuchia – Hàn Quốc ngày 28/3, Hun Sen lên án mạnh mẽ Nga xâm lược Ukraine và giải thích: “Sau này, nếu một quốc gia hành động như vậy với Campuchia, thì Campuchia sẽ phải phụ thuộc vào ai?” (4).
Tuy nhiên, với việc Campuchia “chọn bên” hay “về phe” với Trung Quốc trên thực địa bằng việc cho nước này thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, sự “phản bội” của láng giềng phương Nam mới thật sự khốc liệt: nó đặt an ninh lãnh thổ của Việt Nam vào thế mất còn. Thực vậy, một khi lập xong căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh trên đất Campuchia, mà biên bản ghi nhớ giữa Tướng Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, và Tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia ký cuối tháng 3 cho phép dự đoán không mấy khó khăn, Trung Quốc tất sẽ lại xâm lược Việt Nam, phần còn lại của quần đảo Trường Sa trước hết (sau khi đã chiếm được đảo Gạc Ma bằng vũ lực ngày 14/3/1988). Nói cách khác, một liên minh quân sự de facto (trên thực tế) giữa Trung Quốc và Campuchia lấy Việt Nam làm mục tiêu đã được thiết lập.
“Gọng kìm Trung Quốc”
“Gọng kìm” là chiến thuật tấn công đối phương từ hai hướng thường là ngược nhau. Bên bị tấn công gọi tình huống này là “lưỡng đầu thọ địch”. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiến thuật quân sự này khi xâm lược Việt Nam.
Cuộc Xâm Lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên được tiến hành từ hai hướng Bắc và Nam. Cuối tháng 1/1285, đạo quân chủ lực do Thoát Hoan và A Lý Hải Nha chỉ huy từ Trung Hoa đánh xuống. Vào khoảng tháng 3 cùng năm, đạo quân thứ hai do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành (Chăm Pa, tiếng Phạn) đánh lên. Trước đó, vào cuối năm 1282, Toa Đô chỉ huy một hạm đội đánh chiếm láng giềng phía Nam này của Đại Việt nhưng chưa được. Để bảo đảm hậu cần cho việc tiếp tục đánh Chiêm Thành, cuối tháng 12/1284 Toa Đô viết thư yêu cầu Hốt Tất Liệt xâm lược Đại Việt. \”Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý,Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc\”, viên tướng này nhấn mạnh (5).
Đến Nhà Minh, chính quyền Trung Hoa phong kiến này tiếp tục mưu đồ xâm lược Việt Nam lúc đó có tên Đại Ngu dưới sự trị vì của cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược này, Nhà Minh đã dùng vàng bạc, lụa gấm mua chuộc vua Chiêm để Chiêm Thành giúp sức chặn đường rút của vua tôi Nhà Hồ một khi quân Minh tiến đánh. Nhà Minh cũng đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông bằng đường biển vào nước này để phối hợp đánh chặn.
Rút kinh nghiệm từ cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên, để tránh “lưỡng đầu thọ địch”, năm 1402, Nhà Hồ đã chủ động buộc vua Chiêm dâng Chiêm Động và Cổ Lũy để lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Sang năm sau, Phạm Nguyên Khôi được Hồ Hán Thương cử đánh kinh thành Chà Bàn (Vijaya) của Chiêm Thành nhưng không thành công. Khi Nhà Hồ phải rút chạy sau khi bị quân Minh đông khoảng 80 vạn quân tấn công, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại cũng cất quân bắc tiến, lần lượt chiếm lại các vùng đất đã dâng Nhà Hồ năm 1402. Kết quả là cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương chạy đến Kỳ Anh (nay thuộc Hà Tĩnh), điểm cực Nam của Đại Ngu trước 1402, thì không còn đường rút nên bị quân Minh bắt sống, dẫn đến nước Việt bị Bắc thuộc lần thứ 4.
Đến Trung Quốc hiện tại, cường quốc cộng sản này đã tấn công Việt Nam bằng lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia Dân chủ do họ trang bị và cố vấn ngay sau khi Việt Nam thống nhất vào 30/4/1975. Đến ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Đến 17/2/1979, Trung Quốc trực tiếp xâm lược Việt Nam với 300 nghìn quân cũng trên toàn tuyến biên giới.
Như vậy, với việc lập căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh khác trên đất Campuchia rõ ràng Trung Quốc nhắm đến xâm lược Việt Nam trong tương lai gần theo chiến thuật “gọng kìm”. Cụ thể, từ Trung Quốc và Campuchia, Quân giải phóng nhân dân sẽ tiến đánh quần đảo Trường Sa bằng cả hải quân lẫn không quân. Để hỗ trợ chiến trường trên biển này, một mặt trận trên bộ rất có thể được mở ra. Lúc đó, chiến thuật “gọng kìm” cũng sẽ được áp dụng. Tức là bộ binh Trung Quốc sẽ đánh cả hai đầu Bắc và Nam Việt Nam (“đạo quân Nam” dĩ nhiên qua ngả Campuchia), hệt như những gì quân đội Việt Nam đã phải đối mặt những năm 1978 – 1979. Đáng lưu ý là lần này “đạo quân Nam” khác hẳn lần trước: nó sẽ có trong biên chế các đơn vị chiến đấu Trung Quốc; các đơn vị Campuchia nếu có, sẽ chỉ giữ vai trò phối thuộc.
Cũng cần lưu ý là một mặt trận trên bộ như vậy của Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển thành một cuộc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Lãnh thổ chiếm được ở Bắc Việt Nam sẽ được sát nhập vào Trung Quốc. Lãnh thổ chiếm được ở Nam Việt Nam sẽ được sáp nhập vào Campuchia. Không nghi ngờ gì nữa, kịch bản sau là vô cùng cám dỗ đối với các thế lực theo chủ nghĩa xét lại – dân tộc cực đoan ở Phnom Penh. Thành thực mà nói, cũng chỉ có kịch bản này mới giải thích nổi sự quay ngoắt của chính quyền Hun Sen đối với Hà Nội khi cho Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự đe dọa an ninh lãnh thổ của Việt Nam.
Cần nói thêm rằng một khi đã phát động một cuộc xâm lược tổng lực cả trên biển lẫn trên bộ chống Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ không tha các lãnh thổ khác của Việt Nam trên biển ngoài Hoàng Sa và Trường Sa, như ở các đảo trong Vịnh Bắc Bộ, các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (nhân danh các thế lực xét lại – dân tộc cực đoan Campuchia)…
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy kịch bản Trung Quốc xâm lược Việt Nam theo chiến thuật \”gọng kìm\” hiện thực hơn bao giờ hết. Thực vậy, quan điểm và chiến thuật quân sự của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine và quan điểm và chiến thuật quân sự của Trung Quốc trong mưu đồ xâm lược Việt Nam tương đồng đến ngạc nhiên.
Trước hết, Nga cho rằng Ukraine là một thực thể của Nga và vì vậy Nga có quyền định đoạt cả về lãnh thổ lẫn chế độ chính trị của Ukraine. Cũng như vậy, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là thuộc quốc của mình. Đưa tin ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Hà Nội vào tháng 6/2014, Hoàn Cầu Thời báo, một nhánh của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: “Nói chuyện với Việt Nam, Trung Quốc thúc giục “đứa con hoang đàng hãy trở về nhà” (6).
Tiếp theo, Nga đã sử dụng chiến thuật “gọng kìm” khi tiến hành xâm lược Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga không chỉ xuất phát từ lãnh thổ Nga giáp miền Đông và miền Nam Ukraine, mà còn từ lãnh thổ Belarus (7), một đồng minh thân cận của Nga, giáp miền Bắc nước này.
Việt Nam phải làm gì?
Hẳn để tránh nguy cơ Việt Nam “lưỡng đầu thọ địch”, tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã sang Campuchia vận động nước này không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Kết quả là một tuyên bố chung đã được đưa ra, theo đó “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia” (8). Thế nhưng, như ta đã thấy, biên bản hợp tác quân sự bí mật giữa hai tư lệnh lục quân Campuchia và Trung Quốc vẫn được ký kết và sự kiện 8/6 vẫn cứ diễn ra.
Đã hơn một lần tôi, Cù Huy Hà Vũ, đã chỉ ra rằng Việt Nam sở dĩ thắng được các cuộc chiến tranh thời hiện đại là nhờ có cường quốc làm đồng minh. Đó là Liên Xô và Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp, vẫn là Liên Xô và Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam, rồi lại Liên Xô trong chiến tranh chống liên quân Trung Quốc – Khmer Đỏ những năm 1978 -1979 (9). Do đó, để có thể bẻ gãy “gọng kìm Trung Quốc”, Việt Nam không có đường nào khác là khẩn trương từ bỏ chính sách không liên minh quân sự và “chọn bạn mà chơi”, như lời của người xưa.
Xem chừng đối với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, nếu cực chẳng đã phải “chọn bạn”, thì một cách quán tính và bản năng họ sẽ chọn Nga. Bởi cường quốc cựu xô viết này không chỉ từng là đồng minh, là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, mà còn là lựa chọn thích hợp và an toàn cho chế độ toàn trị của họ khi tính đến “tân Sa hoàng” Putin. Thế nhưng, trớ trêu thay, vị tổng thống Nga có gốc KGB này hiện phải o bế Bắc Kinh bởi đó là đồng minh lớn nhất, thậm chí chỗ dựa cuối cùng để có thể tiếp tục cuộc chiến xâm lược ở Ukraine và hơn thế nữa, để có thể sống sót trong trường hợp cuộc chiến này thất bại.
Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết.