Tín đồ Cao Đài độc lập nỗ lực thoát vòng kiểm soát của Chính phủ

2022.06.30

\"TínHình minh hoạ: Toàn cảnh buổi lễ bên trong nhà thờ đạo Cao Đài ở Tây Ninh hôm 24/9/2002

 AFP

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói với các chức sắc lãnh đạo Hội thánh Cao Đài trong cuộc gặp ngày 29/6 rằng, Đảng và Nhà nước luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Qua đó, Đảng và Nhà nước mong các vị chức sắc Cao Đài tiếp tục sát cánh với hệ thống chính trị để “đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam, gây phương hại đến sự ổn định và phát triển của đất nước”.

Tại một buổi thảo luận về chủ đề ‘Những thách thức của đạo Cao Đài ở Việt Nam’, thuộc khuôn khổ Hội nghị Tự do tôn giáo Quốc tế 2022 diễn ra ở Washington DC tuần này, Luật gia Trương Minh Tam, một diễn giả trong buổi thảo luận, phản hồi rằng những người theo đạo Cao Đài được hưởng quyền Tự do tôn giáo theo lời Chủ tịch nước vừa nêu là thuộc một chi phái thân với Nhà nước; còn những nhóm khác không chịu sự kiểm soát của Chính phủ vẫn đang bị đàn áp từ nhiều năm nay.

Nỗ lực kiểm soát toàn bộ đạo Cao Đài

Theo ông Tam, những năm đầu sau năm 1975, rất nhiều tôn giáo trong nước, trong đó có đạo Cao Đài, nằm trong tầm ngắm phải triệt tiêu của Nhà nước Việt Nam. Bằng chứng là có nhiều lãnh đạo, chức sắc Cao Đài đã bị tấn công, bỏ tù. Đến những năm 2000, nhận thấy không thể xoá bỏ hoàn toàn đạo Cao Đài, Chính phủ Hà Nội lập nên một chi phái khác của đạo Cao Đài, gọi là Chi phái 1997. Những người này được hoạt động tôn giáo của mình, nhưng phải dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước:

“Cho nên cái tự do tôn giáo đó nó chỉ đại diện cho một nhóm người, chứ không đại diện cho tất cả người dân. Những người có mặt ở đây chính là những người muốn đòi quyền tự do tôn giáo tuyệt đối cho mọi người.”

Thậm chí, ông Thắng Nguyễn, người điều phối các cộng đồng tôn giáo của tổ chức BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho Quyền Tự do tôn giáo, nói với RFA rằng đạo Cao Đài không có một thế lực bên ngoài như Công giáo La Mã. Do đó, đạo Cao Đài dễ dàng bị Chính quyền khống chế gần như là toàn bộ. Từ những năm 2010, ý đồ kiểm soát tôn giáo của Đảng đã vươn ra tận hải ngoại.

Đối với đạo Cao Đài, từ khoảng năm 2018-2019, cái tên “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”, mà gọi tắt là đạo Cao Đài đã từng bị một người gốc Việt, đăng ký với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ để được bảo hộ thương hiệu. Ông Thắng nói:

“Khi một người nào đã làm chủ một thương hiệu rồi thì những người khác muốn sử dụng cái tên đó phải xin phép. Nếu không thì một là đưa ra tòa phạt, hai là phải tháo xuống.

Họ đã thành công trong việc được cấp giấy phép tạm thời công nhận họ là chủ nhân của thương hiệu đó. May mắn thay là BPSOS đã phát hiện được điều đó và cùng với các tổ chức khác đưa ra một vụ khiếu nại hành chính.

Cuối cùng, đến năm 2019, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã ra một phán quyết vô hiệu hóa, xóa bỏ hoàn toàn giấy phép tạm thời trước đây. Nó mang một hiệu ứng quan trọng là từ giờ về sau không ai được quyền đứng ra đăng ký cái tên này nữa.”

\"caodaimeeting2022.jpeg\"
Buổi thảo luận về chủ đề \”Những thách thức của đạo Cao Đài ở Việt Nam\”. RFA

Vận động cho Tự do tôn giáo Việt Nam

Tại Hội nghị về Tự do tôn giáo Quốc tế 2022 được tổ chức được tổ chức tại Washington DC, từ ngày 27 đến 30/6, theo ông Thắng Nguyễn, phái đoàn Việt Nam đến với Hội nghị này nhằm mục đích nêu lên tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm về tôn giáo và kết nối với cộng đồng đấu tranh cho tự do tôn giáo quốc tế:

“Việc đấu tranh cho tự do tôn giáo là một quá trình lâu dài. Chúng tôi mong mọi người đến tham dự để mang tiếng nói đến những diễn đàn quốc tế.

Những mục tiêu khác là đây là cơ hội kết nối với tất cả bạn bè năm châu có cùng chí hướng để bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo, để sau này về sẽ có những chiến dịch, chẳng hạn như viết thư chung kêu gọi nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm.

Tiếng nói của 100 người sẽ không bằng tiếng nói của 1.000 người, từ đó khơi gợi lên cho chính phủ Mỹ hay các dân biểu, thượng nghị sỹ…

Nếu chúng ta có một mạng lưới đông người kết nối thì tiếng nói của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn là chỉ có đơn độc chúng ta nói về cộng đồng của Việt Nam mình.”

Ba tù nhân lương tâm đấu tranh cho Tự do tôn giáo được đại diện nêu tên trong Hội nghị lần này là ông Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hoá và Y Pum Bya.

Ông Nguyễn Bắc Truyển là tín đồ Phật giáo Hoà hảo Thuần tuý. Ông đấu tranh cho các quyền tự do căn bản của người dân trước khi bị bắt vào năm 2017 và đang thụ án 11 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền Nhân dân”.

Nguyễn Văn Hoá là tín đồ Công Giáo. Ông là một nhà báo tự do cộng tác viên của RFA tại Việt Nam. Ông bị bắt vào năm 2017 sau khi tham gia đưa tin về các sự kiện liên quan đến thảm hoạ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Ông hiện đang chịu án bảy năm tù giam.

Ông Y Pum Bya, một nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng tại Đắk Lắk, đã bị tuyên án 14 năm tù giam và năm năm quản chế vào năm 2018. Đây là lần thứ ba ông Y Pum Bya bị bắt giam vì những nỗ lực thực hành nghi thức và niềm tin tôn giáo của mình.

Việt Nam cấm xuất cảnh người tham dự Hội nghị

Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, trong một video phát biểu trong một phiên thảo luận tại Hội nghị Tự do tôn giáo, bà Phượng cho biết đã bị chính quyền Việt Nam áp đặt lệnh cấm xuất cảnh nhằm ngăn chặn bà tới diễn đàn để nói về tình trạng của chồng mình.

Chỉ có duy nhất một người từ Việt Nam có thể sang Mỹ để tham dự Hội nghị về Tự do tôn giáo toàn cầu này là bà Nguyễn Xuân Mai, một tín đồ Cao Đài. Bà Mai nói với RFA rằng vì những nỗ lực hành đạo của mình, bà đã bị cấm xuất cảnh bốn lần. Năm nay, có lẽ nhờ Chủ tịch Hội nghị này đã viết giấy mời nên bà mới được xuất cảnh:

“Tôi đã bị cấm xuất cảnh bốn lần. Năm nay, dưới sự hỗ trợ của ngài Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh, đã gửi giấy mời, có lẽ đó là một sự trợ lực để đổi khác tư duy của chính quyền Việt Nam.

Khi qua hải quan thì bị công an hải quan đã hỏi rằng đã nhiều lần không đi được phải không? Tôi nói dạ phải. Chị có biết lý do vì sao không? Tôi trả lời là không biết, bởi vì đây là vấn đề làm việc của chính quyền, làm sao mà tôi biết được.

Nói chung, cũng nhờ quốc tế can thiệp phần nào tôi mới được qua đây để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ Cao Đài tại Việt Nam đã bị bức hại và sách nhiễu, đàn áp.”

Mục sư A Đảo ở Kon Tum, người từng bị bỏ tù bốn năm vì những nỗ lực truyền đạo của mình, cũng bị Chính quyền không cho xuất cảnh và câu lưu đến 20 tiếng để ngăn chặn ông tham dự Hội này.

Ông Tuấn Nguyễn cho rằng Chính quyền Việt Nam biết mình sẽ bị vạch trần những cái xấu trong việc đàn áp tự do tôn giáo nên đã ngăn chặn nhiều người đến tham dự hội nghị này, và hành động như vậy càng làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam trước quốc tế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment