Đăng ngày: 02/07/2022
Cùng với biến đổi khí hậu, tình trạng đại dương lâm nguy là điều mà giới khoa học, giới bảo vệ môi trường báo động từ hàng chục năm nay. Hôm qua, 01/07/2022, sau một tuần làm việc, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, cộng đồng quốc tế lần đầu tiên nhất trí nhìn nhận tình trạng “đại dương lâm nguy”, và cần phải hành động khẩn cấp.
Đây là lần thứ hai mà sức khoẻ của các đại dương, chiếm 71% diện tích bề mặt Trái đất, là chủ đề trung tâm của một hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị đầu tiên tại New York năm 2017. Đại diện của hơn 140 quốc gia tham dự hội nghị này. Việc cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua tuyên bố chung “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta” có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Theo giới chuyên gia, thành công của hội nghị Lisboa nói trên tạo đà cho hàng loạt hội nghị quốc tế liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đại dương, dự kiến được tổ chức từ đây đến cuối năm.
Thông tín viên Nicolas Falaz tường trình từ Lisboa :
“Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa không nghe thấy phản đối nào. Tuyên bố Lisboa đã được thông qua bởi sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Một tuần hội nghị của Liên Hiệp Quốc về đại dương khép lại với một tuyên bố về các nguyên tắc. Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận thực trạng, và báo động trước tình cảnh các đại dương hiện nay, và cam kết hành động.
Văn bản nói trên không ràng buộc. Đây không phải là một hiệp định, nhưng đó cũng không phải là mục tiêu đặt ra. Đại sứ Pháp về đại dương, ông Olivier Poivre d\’Arvor, giải thích : “Hiện đã có một đồng thuận rất rộng rãi về thực tế là đại dương đang lâm nguy, và như vậy, chúng ta phải hết sức nhanh chóng bảo vệ đại dương. Vấn đề bảo vệ, bảo tồn được đông đảo các nước nhìn nhận hơn là vấn đề khai thác. Trên thực tế, Lisboa là một bước đệm. Chúng ta thấy là sự khác biệt về lập trường giữa các nước là hết sức nhỏ. Và về những vấn đề sẽ phải thương lượng, như rác thải nhựa, biển khơi, và thậm chí trong tương lai sau đó thảo luận cả vấn đề khai thác đáy đại dương…, khả năng đạt được đồng thuận theo hướng tích cực là không xa”.
Thách thức của hội nghị về đại dương này là đặt các cuộc họp tiếp theo trong năm vào đúng lộ trình. Hiệp ước về đáy đại dương vào tháng 8, hội nghị Khí hậu COP 27 ở Ai Cập vào tháng 11, hội nghị COP 15 về Đa dạng sinh học vào tháng 12. Rất nhiều điểm hẹn : Nhiều cuộc đàm phán có thể dựa trên các cuộc thảo luận của tuần này”.
TT Pháp : Cần khuôn khổ pháp lý cấm khai thác đáy biển
Liên quan đến hội nghị đại dương của Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây bất ngờ khi đến Lisboa. Ông Macron là một trong số ít nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị này. Trong một phát biểu bên lề hội nghị tổng thống Macron khẳng định cần “xây dựng một khuôn khổ pháp lý để chấm dứt khai thác dưới đáy biển sâu và không cho phép các hoạt động mới gây nguy hiểm cho hệ sinh thái” .
Ông Macron đưa ra tuyên bố bất ngờ nói trên có lẽ sau cuộc tham vấn với Sylvia Earle, một “huyền thoại sống của ngành hải dương học”, cựu giám đốc khoa học của NOAA, cơ quan quốc gia Mỹ về Mỹ về khí quyển và đại dương, người vốn có quan điểm chống đối đến cùng hoạt động khai thác dưới đáy biển. Về chủ đề này, cuộc thảo luận chỉ mới bắt đầu.
Một kỳ vọng khác của được đặt vào hội nghị về Đa dạng sinh học COP15, tháng 11, tại Canada. Mục tiêu mà giới bảo vệ môi trường đặt ra là 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thông qua nguyên tắc bảo tồn 30% lãnh thổ trên đất liền và trên biển vào năm 2030.