Đăng ngày: 02/07/2022
Chuyến tham dự thượng đỉnh NATO mở rộng tại Tây Ban Nha có thể mang lại sinh khí cho quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Hôm qua, 01/07/2022, trên đường trở về Seoul, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết hai láng giềng Đông Bắc Á nên đồng thời thảo luận về các bất đồng liên quan đến quá khứ và hợp tác tương lai.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời nguyên thủ Hàn Quốc: “Tôi nhấn mạnh rằng các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến tương lai của hai nước đều nên được đặt trên bàn cùng lúc và được giải quyết cùng nhau”. Tổng thống Hàn Quốc giải thích rõ : “chúng ta cần từ bỏ cách tiếp cận là, nếu không có tiến bộ giữa hai nước về các vấn đề lịch sử, thì không thể có cuộc thảo luận về các vấn đề hiện tại và tương lai”.
Phát biểu của tổng thống Yoon Suk-yeol với phóng viên được đưa ra trên chuyên cơ Air Force One, trở về từ Tây Ban Nha, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuần này.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, do nhiều tranh chấp phát sinh từ thời chế độ thuộc địa Nhật Bản áp đặt trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Nô lệ tình dục trong quân đội Nhật và lao động cưỡng bức là hai hồ sơ lớn.
Tại Madrid, bên lề thượng đỉnh NATO, tổng thống Yoon Suk-yeol và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc trao đổi ngắn trong khoảng ba, bốn phút hôm 28/06. Hãng tin Yonhap dẫn lại lời thủ tướng Nhật cảm ơn nguyên thủ Hàn Quốc “đang nỗ lực cùng nhau phát triển mối quan hệ lành mạnh hơn”. Hai bên thỏa thuận sẽ khởi sự giải quyết các bất đồng lịch sử sau cuộc bầu cử Thượng Việt Nhật tháng 7 này.
Theo báo Nhật Japan Times, phía Hàn Quốc rõ ràng không muốn bất kỳ cuộc đàm phán Seoul – Tokyo nào ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Thượng Viện của Nhật Bản vào tháng tới, vì quan hệ song phương vẫn căng thẳng. Hiện tại, dư luận Hàn Quốc dường như đang ủng hộ nhiều hơn cho việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Ngược lại, tại Nhật Bản, tình hình có vẻ tồi đi.
Một cuộc thăm dò dư luận chung năm 2021 của Viện Đông Á của Hàn Quốc và NPO The Genron của Nhật Bản, được báo Anh The Guardian trích dẫn, cho thấy 63% người Hàn Quốc có ấn tượng tiêu cực về Nhật Bản, giảm gần 10% so với 72% một năm trước đó. Ngược lại, tại Nhật Bản, 49% có tình cảm tiêu cực về Hàn Quốc, so với 46% năm ngoái.