NATO lần đầu tiên chính thức đưa Trung Quốc vào trong tầm nhắm

Đăng ngày: 04/07/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhân một cuộc họp báo tại Madrid trong khuôn khổ Thượng Đỉnh NATO, ngày 29/06/2022. AP – Bernat Armangue

Trọng Nghĩa

Chỉ ít lâu sau khi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO công bố bản Khái Niệm Chiến Lược được thông qua nhân hội nghị thượng đỉnh Madrid (29-30/06/2022), hôm 30/06, Bắc Kinh đã giận dữ tố cáo NATO là đã “bôi nhọ” Trung Quốc. Phản ứng dữ dội này tương ứng với lời lẽ cứng rắn của NATO, đã nêu đích danh Trung Quốc là một thách thức mang tính hệ thống, đồng thời tố cáo một loạt hành vi của Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, sự kiện NATO quan tâm đến Trung Quốc không phải là điều mới lạ. Ngay từ Thượng Đỉnh năm 2021 tại Bruxelles, trong bản tuyên bố chung, các lãnh đạo NATO đã công nhận Trung Quốc là một thách thức mang tính hệ thống, nhưng với những lời lẽ mang tính chất ôn hòa hơn. Thế nhưng lần này, tại Thượng Đỉnh Madrid, thái độ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đối với Bắc Kinh đã cứng rắn hẳn lên, và Trung Quốc lần đầu tiên đã bị nêu đích danh trong bản Khái Niệm Chiến Lược của NATO trong tư cách là một thách thức mang tính hệ thống. 

Các chính sách cưỡng chế của Trung Quốc đi ngược lại lợi ích của NATO

Trong phần đề cập đến “Môi Trường Chiến Lược”, Điều 13 của bản Khái Niệm Chiến Lược không ngần ngại mở đầu bằng nhận định: “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức là Trung Quốc) đã phô bày tham vọng và theo đuổi các chính sách cưỡng chế đi ngược lại với lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta (tức là của NATO)”.  

Tiếp theo sau là phần liệt kê một loạt những mối quan ngại của NATO về Trung Quốc, từ việc “sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường sự hiện diện trên thế giới và thể hiện sức mạnh của mình”, cho đến việc duy trì “sự mập mờ về chiến lược, về ý định và về đà tăng cường bộ máy quân sự của mình”. 

NATO thẳng thừng tố cáo “các hoạt động hỗn hợp hoặc trên không gian mạng độc hại, những luận điệu thù địch và các hoạt động thông tin sai lệch của Trung Quốc nhắm vào các nước Đồng Minh (tức là các thành viên NATO) và phá hoại an ninh của Liên Minh”. 

Trung Quốc đang cố phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Một cách cụ thể, bản Khái Niệm Chiến Lược mới của NATO tố cáo các hành động của Trung Quốc nhằm “thâu tóm các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp bản lề, các cơ sở hạ tầng thiết yếu và các nguyên liệu, chuỗi cung ứng chiến lược”, cũng như chính sách sử dụng “đòn bẩy kinh tế để tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt chiến lược và gia tăng ảnh hưởng của mình”. 

Đối với NATO, rõ ràng là Trung Quốc \”đang nỗ lực phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt trong các lĩnh vực không gian, mạng tin học và hàng hải\”.  

Bản Khái Niệm Chiến Lược cũng cho rằng “việc Trung Quốc và Liên Bang Nga siết chặt quan hệ đối tác chiến lược, cùng với các mưu toan của hai nước nhằm gây bất ổn định cho trật tự thế giới dựa trên luật pháp, cũng đi ngược lại các giá trị và lợi ích” của các thành viên NATO. 

NATO: Sẵn sàng ứng phó với những thách thức đến từ Trung Quốc

Trước các thách thức đến từ Trung Quốc, NATO có kế hoạch đối phó ra sao?  Điều 14 của bản Khái Niệm Chiến Lược một mặt cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “sẵn sàng tương tác” với Trung Quốc “một cách xây dựng”, nhưng một mặt khác cũng khẳng định quyết tâm siết chặt hàng ngũ để “ứng phó với những thách thức hệ thống” mà Bắc Kinh đặt ra cho an ninh vùng Châu Âu-Đại Tây Dương. 

Một cách cụ thể, NATO xác định “sẽ trau dồi kiến ​​thức chung về các thách thức, củng cố năng lực đối kháng, nâng cao mức độ sẵn sàng để phòng ngừa chống lại các phương pháp cưỡng chế mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sử dụng cũng như chống lại những mưu toan chia rẽ Liên Minh”.  

Nhìn rộng ra hơn, tài liệu chiến lược của NATO cam kết “bảo vệ các giá trị mà Liên Minh chia sẻ, cũng như bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, kể cả quyền tự do hàng hải.”. 

Trong một phát biểu tại Thượng Đỉnh Madrid, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển đáng kể lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Họ muốn uy hiếp láng giềng của mình và đe dọa Đài Loan, kiểm soát công dân của chính mình bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến và chuyển tiếp những lời nói dối và thông tin sai lệch của Nga”. Tổng thư ký NATO đã nhắc lại rằng dù Trung Quốc không phải là đối thủ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng NATO phải sáng suốt về những thách thức nghiêm trọng mà Bắc Kinh đặt ra. 

Bắc Kinh lớn tiếng tố cáo NATO bôi nhọ Trung Quốc

Những lời tố cáo của NATO nhắm vào Trung Quốc dĩ nhiên đã bị Bắc Kinh cực lực bác bỏ. Và như thông lệ Trung Quốc đã dùng những lời lẽ dao to búa lớn để phản đối. 

Phát biểu hôm 30/06 vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lớn tiếng đả kích những điều mà Bắc Kinh cho là nỗ lực vô ích của NATO nhằm “bôi nhọ” Trung Quốc.  

Đối với Bắc Kinh, “cái gọi là “khái niệm chiến lược” của NATO đã “coi thường thực tế và đi ngược lại sự thật, bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc”. Theo ông Triệu Lập Kiên: “NATO tự nhận mình là một tổ chức khu vực và mang tính chất phòng thủ, nhưng trong thực tế lại tiếp tục bành trướng ngoài phạm vi khu vực và mở rộng quyền hạn của mình”. 

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc không ngần ngại tố cáo NATO là đã “dấy động chiến tranh và giết hại thường dân vô tội. […] Bàn tay của NATO dính đầy máu của các dân tộc trên thế giới”. 

Thái độ nghị kỵ Trung Quốc ngày càng tăng

Dẫu sao thì việc Trung Quốc ngày càng bị phương Tây nghi kỵ là một thực tế, trong bối cảnh hình ảnh nước này trong dư luận quốc tế ngày càng xấu đi. 

Một bài phân tích về Trung Quốc được chuyên san trên mạng Asialyst công bố hôm 02/07 đã nêu lên kết quả một cuộc khảo sát mới đây của trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew tại 19 quốc gia, theo đó hình ảnh Trung Quốc đã bị sứt mẻ vì một loạt nguyên nhân, từ sức mạnh quân sự và kinh tế gia tăng, các hành vi vi phạm nhân quyền cũng như các nghi vấn về nguồn gốc của Covid-19. 

Theo kết quả của cuộc khảo sát này, tập trung vào câu trả lời của 24.525 người từ 14/02 đến 03/06/2022, một tỷ lệ kỷ lục bao gồm người Mỹ (82%), Hàn Quốc (80%), người Đức (74%) và người Canada (74 %) có cái nhìn thiếu thiện cảm về Trung Quốc.  

Tỷ lệ người không thích Trung Quốc cũng gần đạt mức kỷ lục ở Nhật Bản (87%), Úc (86%) và Thụy Điển (83%). Người Pháp cũng có cái nhìn càng lúc càng xấu đi về Bắc Kinh, với 68% trong số người được hỏi có quan điểm không thích Trung Quốc.  

Nghiêm trọng hơn: hình ảnh của Trung Quốc thậm chí còn trở nên xấu đi đối với các quốc gia mà nước này có quan hệ tốt, chẳng hạn như Hy Lạp, nơi 50% những người được hỏi có quan điểm không thuận lợi về Bắc Kinh, điều chưa từng thấy. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment