VN: Cán bộ nhân viên ngành y bỏ việc ồ ạt, Bộ Y tế còn đang tìm hiểu vì sao

2 giờ trước

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Bộ Y tế nói có hơn 4800 cán bộ, nhân viên ngành y tế xin nghỉ việc, thôi việc kể từ dại dịch Covid-19

Tình trạng hệ thống y tế công \’mất người\’ ồ ạt tiếp tục diễn trên cả nước, gây báo động cho ngành này.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy có hơn 4800 cán bộ y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc kể từ đại dịch Covid-19.

Nơi có nhiều người xin nghỉ nhất là các thành phố lớn, trong đó đáng chú ý là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhưng ở Đồng Nai, Gia Lai cũng có hiện tượng từ 2021 là hàng trăm cán bộ y tế, từ bác sĩ tới kỹ thuật viên, điều dưỡng viên xin thôi việc, hoặc muốn được chuyển ngành.

Con số báo chí đăng từ các địa phương cộng lại có vẻ cao hơn số 4800 mà Bộ Y tế nêu ra ở trên.

Trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh có hơn 1000 người nghỉ việc; con số này là gần 400 chỉ tính trong quý 1 năm nay. Số người nghỉ việc ở Hà Nội trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 là gần 860 người, theo báo cáo của UBND thành phố.

Vụ gần 200 cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc hồi đầu năm 2021 là cuộc khủng hoảng nhân sự trầm trọng cho một trong những bệnh viện uy tín nhất nước, xảy ra đúng vào thời điểm tình hình phòng chống Covid-19 ở Hà Nội đang lúc căng thẳng. Tuy nhiên, đợt nghỉ việc này được cho là có liên quan tới những xáo trộn lớn sau bê bối đấu thầu thiết bị y tế của dàn lãnh đạo bệnh viện, xảy ra từ 2017, trước khi đại dịch Covid tràn vào Việt Nam.

Làn sóng nghỉ việc diễn ra ở các cấp khác nhau, cả ở y tế cơ sở, trạm y tế, cho tới các bệnh viện cấp địa phương, trung ương. Người xin thôi việc bao gồm cả bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, cho tới điều dưỡng viên, nhân viên hỗ trợ.

Trong số những người xin nghỉ việc hoặc bỏ việc, đông nhất là nhóm các \”viên chức y tế\”, chiếm gần 34%, Bộ Y tế nói, trong lúc bác sĩ và điều dưỡng viên chiếm hơn 30% mỗi nhóm.

Lãnh đạo y tế yêu cầu báo cáo

Xu hướng bỏ việc xảy ra ở mức đáng báo động, khiến Bộ Y tế mới đây phải yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo số liệu và nguyên nhân \’mất người\’ trong thời gian từ 1/1 đến 15/6/2022.

Được biết, kết quả báo cáo sẽ là cơ sở để Bộ Y tế trình lên Chính phủ nhằm tìm giải pháp phù hợp.

Việc \’chảy máu nhân sự\’ ồ ạt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn là một mối lo, trong lúc có thêm nhiều dịch bệnh khác phát sinh thời gian qua, khiến y tế công bị những áp lực nặng nề.

Sức ép đến từ những vấn đề trước mắt như việc các bệnh viện trở nên quá tải, bệnh nhân không được tiếp cận dịch vụ kịp thời, cho tới những vấn đề dài hạn hơn, như thiếu sự chuyển giao thế hệ, đào tạo lực lượng kế cận.

Tuy chưa công bố kết quả báo cáo, nhưng lãnh đạo Bộ thừa nhận rằng đa số các trường hợp nghỉ việc đều vì lý do thu nhập không đảm bảo cuộc sống, nhân viên bỏ sang làm cho các cơ sở y tế tư nhân, nơi họ nhận được mức đãi ngộ, lương bổng cao gấp nhiều lần và điều kiện làm việc tốt hơn.

\”Các cơ sở y tế công lập hiện chưa có cơ chế để giữ chân viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi,\” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện đang tạm điều hành Bộ Y tế sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị bắt, được báo Nhân Dân dẫn lời, nói.

Dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội khiến bệnh nhân tới khám giảm, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, ngoài ngân sách ở các bệnh viện giảm, dẫn tới thu nhập của nhân viên y tế giảm.

Đây là \”nguyên nhân chính dẫn tới việc nhân viên y tế xin nghỉ việc, hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn\”, người hiện đang tạm thời dẫn dắt ngành y cả nước, giải thích.

Vào lúc này, những giải pháp mà Bộ Y tế đang tạm thời đưa ra, trước khi có báo cáo chính thức về nguyên nhân nghỉ việc, là tăng thu nhập qua hình thức \”tăng cường xã hội hóa\” và \”tăng phụ cấp\”, kèm theo đó các biện pháp \”động viên tinh thần, lắng nghe tâm tư nguyện vọng\” và \”tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng\” cho cán bộ công nhân viên, báo Nhân Dân trích lời Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Không phải chuyện mới nhưng nặng nề thêm

Ngay từ 2021, vấn đề nhân viên y tế bỏ việc đã được nêu ra và có nơi sở y tế (Thanh Hóa) phải kêu gọi cán bộ, y bác sĩ đã nghỉ hưu quay lại làm việc.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng những bê bối lớn trong ngành y tế thời gian qua, đặc biệt là vụ đại án Việt Á và nhiều quan chức y tế cao cấp bị bắt, cùng những biện pháp cách ly, phong tỏa cực đoan thời gian dài phòng chống Covid-19 là những yếu tố quan trọng, tạo ra tâm lý lo ngại trong ngành y.

Cùng các vụ việc hàng loạt lãnh đạo CDC và Bộ Y tế bị bắt giam, tình trạng thiếu thuốc và sinh phẩm y tế lại đang xảy ra ở các bệnh viện và trung tâm y tế.

Ngày 17/06, trong một thông báo đăng trên website, Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do \”tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị\”.

\”Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện,\”

\”Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc ung ứng hàng hoá cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn\”, thông báo có đoạn.

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Bệnh viện Bạch Mai là một trong những cơ sở y tế có nhiều người xin nghỉ việc trong năm 2021

Và tình trạng xin nghỉ việc, bỏ việc không phải chỉ xảy ra do tác động của Covid-19 như lời Thứ trưởng Tuyên nhận xét, mà đã diễn ra từ nhiều năm trước, với Covid-19 chỉ đẩy xu hướng này càng tăng mạnh.

Chủ đề này từng nhiều lần được đưa ra chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội, với lời giải trình \’do thu nhập thấp, họ chuyển sang làm cho các cơ sở y tế tư nhân\’ cũng từng được nêu ra.

Hồi năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi nhà nước cần ra chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi cũng như các nhân viên y tế ở lại với hệ thống y tế công.

Trên thực tế, toàn xã hội đã phải trả giá quá lớn cho các khoản thất thoát, tham nhũng, \’lại quả\’, đấu thầu gian dối trong ngành y tế.

Tổng chi phí toàn xã hội cho y tế công là vô cùng lớn, nhưng đối tượng được hưởng lợi không phải là người dân và nhân viên y tế, mà là các nhóm lợi ích, các cá nhân trục lợi, tham nhũng trong hệ thống chính quyền, nếu như kết quả điều tra, xét xử đã và sắp xảy ra cho thấy các vụ tham nhũng trong ngành y tế là có thật.

Những giải pháp mà Bộ Y tế sẽ đề xuất lên Chính phủ tới đây, sau khi nhận được báo cáo, liệu có giải quyết được tình trạng dịch chuyển nhân sự từ hệ thống y tế công sang làm việc cho mảng y tế tư nhân?

Và việc chỉ tăng lương, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên kèm theo các biện pháp động viên tinh thần như lời Thứ trưởng Tuyên liệu đã đủ để cải thiện chất lượng dịch vụ ngành y tế công hiện nay?

Bài Liên Quan

Leave a Comment