BRICS : Mô hình thay thế, đối trọng với khối G7 của phương Tây ?

Đăng ngày: 07/07/2022

\"\"
\"\"
Thượng đỉnh nhóm BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) lần thứ 14 qua cầu truyền hình ngày 23/06/2022, tại Bắc Kinh. AP – Li Tao

Minh Anh

Thứ Năm, 23/06/2022, thượng đỉnh lần thứ 14 của khối BRICS (tức Brazil, Russia, India, China và South Africa), được tổ chức qua cầu truyền hình, diễn ra tại Bắc Kinh. Thông qua thượng đỉnh lần này, Nga và Trung Quốc còn muốn đưa ra một thông điệp : BRICS là một cơ cấu hợp tác có thể thay thế cho các mô hình kinh tế do phương Tây chủ xướng. Một thông điệp gởi đến G7 – nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển ?

BRICS đối trọng với G7?

Ngẫu nhiên hay không nhưng thượng đỉnh BRICS  – đương nhiên đã phải được chuẩn bị từ lâu – diễn ra chỉ cách thượng đỉnh G7 có vài ngày. Tại cuộc họp, tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi hợp tác chống các « hành động ích kỷ » của phương Tây. Theo nhận định từ Alexandre Kateb, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới trỗi dậy, cuộc họp thượng đỉnh lần này là nhằm mục đích : Thứ nhất là tái khẳng định vị thế của Nga trong lòng khối BRICS trước các áp lực trừng phạt từ các cường quốc phương Tây. Thứ hai là để Nga và Trung Quốc bắn đi một thông điệp quan trọng : BRICS có thể là mô hình hợp tác kinh tế thay thế cho hệ thống do Mỹ kiểm soát.

Vẫn theo ông Kateb, Bắc Kinh và Matxcơva rõ ràng có một mong muốn thiết lập một hình thức cân bằng hay đối trọng với các nước thuộc khối G7, đồng thời cho phép đáp ứng được mong đợi của nhiều nước khác trong bối cảnh tăng trưởng bất ổn vì cuộc chiến tại Ukraina và đại dịch Covid-19.

« Đúng là có nhiều mong đợi từ phía người dân của những nước đó cũng như từ tất cả các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, cảm thấy bị bỏ qua trong các kế hoạch chấn hưng kinh tế lớn do các cường quốc phương Tây thiết lập và trong việc phân phối vac-xin. Việc này quả thật đã không được xử lý đúng đắn. Trước những điều như thế, BRICS là một mô hình thay thế và họ có thể hình dung trong tương lai là nhiều nước châu Phi và nhiều nước khác trên thế giới tham gia nhiều hơn vào sự năng động này do BRICS tạo nên. »

Đâu là thực lực của BRICS ?

Để có thể trả lời cho câu hỏi này, Julien Vercueil chuyên nghiên cứu kinh tế các Nhà nước hậu Xô – Viết, các nền kinh tế mới trỗi dậy, và BRICS, trả lời phỏng vấn trang mạng Conflit, trước hết cho rằng cần phải quay về với nguồn gốc ban đầu của BRICS. Ông nhắc lại thuật ngữ BRIC được ông Jim O’Neil (Ngân hàng Goldman Sachs) sáng tạo vào tháng 11/2001, vài tuần sau các cuộc tấn công khủng bố làm rung chuyển cả nước Mỹ.

BRIC ban đầu chỉ gồm bốn nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Phải đến mười năm sau, Nam Phi mới gia nhập nhóm. Vị kinh tế gia của ngân hàng Goldman Sachs muốn tập hợp bốn nước lớn mới trỗi dậy, có thu nhập thấp hay trung bình, nhưng có tốc độ chuyển đổi nhanh với một tiến trình mở cửa kinh tế ra thế giới.

Trong nhãn quan của ông, những nền kinh tế này có một nhịp độ tăng trưởng tiềm tàng rất lớn cho những năm sắp tới, có khả năng làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới trong dài hạn. Hơn 20 năm sau, Julien Vercueil ghi nhận một sự tương phản các quỹ đạo kinh tế của những nước này lớn đến mức nào.

Ấn tượng nhất là sự tương phản giữa một bên là Trung Quốc – có tổng sản phẩm nội địa (GDP) được nhân lên với hệ số 14 trong vòng 32 năm (1992-2024) – hay trong một chừng mực nào đó còn có Ấn Độ, ngày nay giầu gấp 7,4 lần so với năm 1992 ; và bên kia là Nga, trong cùng một giai đoạn, GDP chỉ tăng ở mức 40%. Giữa hai thái cực này, Brazil và Nam Phi cũng đã nỗ lực tăng gấp đôi GDP của mình theo mức giá cố định.

Trung Quốc trước đà tăng trưởng thần kỳ và với trọng lượng kinh tế có được cùng với thời gian, ngay từ đầu những năm 2000 đã khẳng định mình như là một trong số các đầu tầu chính của nền kinh tế thế giới, làm nổi bật xu hướng đồng bộ hóa mà người ta quan sát thấy từ đầu những năm 2000.

Những năm tháng khó khăn

Trong suốt thập niên 2000, tăng trưởng kinh tế thế giới kéo giá cả nguyên nhiên liên tăng cao, mang nhiều lợi nhuận cho các nước xuất khẩu trong khối BRICS (Nga, Brazil, Nam Phi) mà vẫn không kềm hãm các nước nhập khẩu (Trung Quốc, Ấn Độ). Kết quả là đà bành trướng của khối này tăng tốc. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 là một cú hãm phanh cho đà tiến này, rồi sau đó chuyển thành một cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu (2011-2013). Điều này làm gia tăng sự bất định trên thị trường tài chính thế giới, dẫn đến xu hướng tháo chạy khỏi thị trường BRICS.  

Tiếp đến, Brazil và Nam Phi phải hứng chịu những đợt suy thoái mới trong suốt thập niên 2009-2019, trong khi thế giới lại chứng kiến những biến động trên thị trường dầu khí vào cuối những năm 2000. Duy chỉ có Trung Quốc – vốn đang tăng cường thể chế hội nhập quốc tế khi tập trung vào xuất khẩu hàng hóa chế biến đồng thời phát triển dịch vụ – là vẫn tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao đều đặn hàng năm, mặc dù có giảm so với những năm 2000. Còn Ấn Độ dù thất thường, nhưng cũng khôn khéo thoát được cảnh khó khăn trong suốt thập kỷ đầy xáo động.

Vẫn theo chuyên gia kinh tế Julien Vercueil, điều đáng chú ý là ngoài xu hướng đồng bộ hóa theo từng giai đoạn, việc chuyên môn hóa sản xuất trong lòng khối BRICS từ những năm 1990 đã không được phát triển nhiều trong 30 năm qua. Nguồn thu nhập chính của Ấn Độ chủ yếu đến từ việc đưa lực lượng lao động ra xứ người (được xem như là cộng đồng lao động nước ngoài lớn nhất thế giới), xuất khẩu dịch vụ công nghệ và các loại dược phẩm đồng dạng (generique) – phần lớn sang các nước đang phát triển.

Còn Nga, Brazil và Nam Phi vẫn gặp khó khăn trong việc thoát khỏi mô hình kinh tế thu lợi từ xuất khẩu tài nguyên (modèle extraverti rentier), vốn đặt nguyên vật liệu thô là cơ sở cho cạnh tranh quốc tế, nhưng do những chính sách hiện tại, không cho phép họ phát triển một nền công nghiệp sản xuất hiện đại và cách tân, có khả năng cạnh tranh với các nền công nghiệp Âu-Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Trung Quốc : « Thủ lĩnh » của nhóm ?

Một lần nữa, Trung Quốc nổi trội hơn so với các đối tác trong BRICS. Nước này đã tổ chức thành công việc nâng cao quy mô sản xuất công nghiệp trong suốt thời kỳ này. Không những thế, để khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình, Bắc Kinh không ngần ngại đánh bật các doanh nghiệp của nhiều nước khác trong khối BRICS ra khỏi các thị trường mà những doanh nghiệp này từng hy vọng có thể cắm rễ và đôi khi cạnh tranh cả với những doanh nghiệp đó ngay trên chính nước họ.

Về điểm này, nhà nghiên cứu các thị trường mới trỗi dậy Alexandre Kateb có giải thích thêm như sau :

« Trên thực tế, Trung Quốc là nước có sự đổi mới vượt bậc nhất so với các nước khác trong nhóm BRICS, vì 10 hay 15 năm trước, Trung Quốc vẫn có thể được xem như là một trong những thị trường lớn mới trỗi dậy và theo một cách nào đó là một nước đang phát triển. Ngày nay thì điều đó không còn đúng nữa, Trung Quốc giờ là một siêu cường kinh tế và công nghệ đang trong quá trình khẳng định mình và cuối cùng đã thu hút được xung quanh mình nhiều cường quốc khác ngay cả khi đó là vì lý do theo nghi thức. Tất nhiên chúng ta sẽ cho rằng tất cả các nước đều bình đẳng nhưng chúng ta biết rõ là có một nước bình đẳng hơn những nước khác và đó chính là Trung Quốc. »

Dù vậy, nhà kinh tế học này cũng lưu ý rằng tuy có thế mạnh vượt trội so với các đối tác khác, nhưng Trung Quốc vẫn không thể tự cho mình vai trò « thủ lĩnh » của BRICS. Trên kênh truyền hình quốc tế France 24 ông giải thích :

« Trên thực tế đây là một tập hợp mà ở đó mỗi nước có những lợi ích của mình cũng phải được nêu bật. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là một cường quốc thống trị, có thể quyết định một số vấn đề nhưng Trung Quốc một mình không thôi, cảm thấy không đủ mạnh để có thể vượt lên trên các đồng minh khác là Nga, Brazil, Nam Phi.

Với Ấn Độ, mối quan hệ còn phức tạp hơn. Tuy có những tranh chấp, nhưng chí ít, Ấn Độ chọn một cách tiếp cận thực dụng và thực tiễn hơn buộc nước này phải củng cố mối quan hệ với Trung Quốc trên bình diện kinh tế, nhưng đồng thời cũng tự bảo vệ mình thông qua mối quan hệ liên minh với Mỹ và nhất là với Bộ Tứ – QUAD cũng như nhiều khuôn khổ an ninh khác. »

Ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế

Dù vậy, theo giới quan sát tại Pháp, bất chấp những khập khiểng nội tại, BRICS vẫn có khả năng gây ảnh hưởng lâu dài trên trường quốc tế. Trung Quốc, ngoài việc giờ đã trở thành một tác nhân toàn cầu, cùng với Ấn Độ có những ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn, với tư cách là những nhà đầu tư, khách hàng và cung cấp dịch vụ.

Nga tuy chưa phải là một cường quốc kinh tế, nhưng lại có khả năng sử dụng thế thống trị của mình trong một số loại nguyên nhiên liệu nhất định như dầu khí, ngũ cốc, khoáng sản… để gây bất ổn đối thủ như những gì đang diễn ra tại châu Âu, và nhất là với kho vũ khí hạt nhân, vẫn có thể che giấu những khuyết tật tương đối của nền kinh tế và trưng bày một nền ngoại giao lợi thế cao.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Julien Vercueil, cuộc xung đột tại Ukraina ít nhiều cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước thành viên khác nhau trong BRICS, chí ít trên lĩnh vực năng lượng và lương thực.

Nam Phi – quốc gia nhập khẩu ngũ cốc lớn sẽ làm nước chịu tác động nhiều nhất từ việc Nga phong tỏa các cảng biển Ukraina. Brazil của Jair Bolsonaro vẫn duy trì thái độ mập mờ, tuy bỏ phiếu lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc nhưng không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, đồng thời tiếp tục phát triển các mối quan hệ với Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ hưởng lợi từ những khoản giảm giá về dầu hỏa do Nga cung cấp mà nước này xuất khẩu tại một thị trường vừa dưới áp lực trừng phạt của phương Tây, vừa bất ổn và giá cả tăng cao. Riêng Trung Quốc vẫn luôn thể hiện mối quan hệ đối tác « vững như bàn thạch » với nước láng giềng Nga, cụ thể là qua việc mua khí đốt và dầu hỏa, nhưng đồng thời tránh đi quá xa để không bị trừng phạt trong tương lai.

Trong bối cảnh này, các nước xuất khẩu dầu khí và nguyên nhiên liệu nông phẩm – Nga và Brazil – sẽ được hưởng lợi từ tác động của cuộc xung đột lên giá cả, trong khi các nước các nước nhập khẩu như Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ trong một chừng mực nào đó nếu vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga – sẽ tiếp tục trực tiếp « chịu trận ».

Dự phóng nào cho BRICS ?

Cuối cùng, vị giáo sư kinh tế các trường đại học này đưa ra dự phóng nếu sự tương phản các quỹ đạo kinh tế như mô tả ở trên và tình trạng lạm phát hiện nay tiếp tục kéo dài, quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng giá cả tăng vọt là Ấn Độ, quốc gia có tài khoản vãng lai thâm hụt một cách có cấu trúc và có số dân nghèo cùng cực đông đáng kể. Trung Quốc cũng sẽ trải qua một đợt suy thoái kinh tế, có thể có những tác động đến sự bình ổn hệ thống ngân hàng và tài chính, hiện đang cho thấy có những dấu hiệu suy yếu.

Trong khi đó, GDP của Nga có nguy cơ giảm đến 10% trong năm 2022 và người dân Nga có thể phải chịu tình trạng lạm phát ở mức từ 17-23% trong năm nay. Còn Nam Phi sẽ phải trả phí năng lượng và lương thực nặng nhiều trước, có nguy cơ đè nặng lên tăng trưởng và khả năng tạo việc làm, trong khi thất nghiệp đang là một trong những vấn nạn lớn nhất ở quốc gia châu Phi này.

Sau đại dịch Covid-19 cũng như phải đối mặt với biến đối khí hậu, chiến tranh trở lại ở châu Âu quả thật là một tin không lành cho khối BRICS cũng như là phần còn lại của thế giới !

Bài Liên Quan

Leave a Comment