2022.07.08
Hình minh hoạ: Một nhóm các nông dân mất đất biểu tình ở Hà Nội hôm 5/12/2001
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai trước khi đăng tải công khai lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của bộ này để lấy ý kiến của người.
Theo kế hoạch dự kiến trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để các đại biểu cho ý kiến bước đầu.
Tuy nhiên, Chính phủ sẽ lấy ý kiến của người dân và các bộ, ngành cùng địa phương để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội. Cho tới nay, nội dung của dự thảo vẫn chưa được công bố công khai.
Theo Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đất đai 2013 sẽ được sửa đổi toàn diện nhưng trên tinh thần kế thừa cao để đảm bảo tính ổn định, hợp lý của chính sách và pháp luật đất đai.
Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ giữ nguyên khoảng 53 điều của Luật Đất đai 2013, sửa đổi và bổ sung khoảng 153 điều, bổ sung mới 31 điều, bãi bỏ bốn điều nhưng về cơ bản vẫn giữ cấu trúc như luật hiện hành.
Cải cách Luật Đất đai là lời kêu gọi từ trước của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được nhấn mạnh trở lại trong Hội nghị Trung ương 5 vào đầu tháng 5 vừa qua. Ông Trọng khẳng định 70% số vụ việc khiếu nại trên toàn quốc liên quan đến đất đai, nhiều quan chức bị bỏ tù vì quản lý đất đai yếu kém và làm sai trong khi nhiều người dân cũng bị giam cầm chỉ vì đấu tranh về quyền đất đai.
Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý.
Trả lời câu hỏi “có hy vọng gì ở việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới?” nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Chủ trương của Đảng thể hiện qua Hội nghị Trung ương 5 vừa qua vẫn giữ nguyên nguyên tắc ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’ do vậy tôi không hy vọng gì ở Luật Đất đai sửa đổi sắp tới. Có lẽ chỉ có sự thay đổi nhỏ và về bản chất không thay đổi đồng nghĩa với việc người dân không có hy vọng gì lớn trong tương lai gần.”
Theo ông Tạo, vấn đề đất đai rất nóng trong tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Các quốc gia dưới sự cai trị của đảng cộng sản luôn luôn có nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và Việt Nam vẫn theo nguyên tắc này.
Ông cho biết khoảng một chục năm gần đây, truyền thông Nhà nước và nhiều yếu nhân của chế độ đã thừa nhận Luật Đất đai có những bất hợp lý và là nguồn gốc của những khiếu kiện, 80% khiếu kiện từ dân chúng liên quan đến quy định sở hữu đất đai toàn dân và đội ngũ dân oan ba miền càng ngày càng đông đảo. Họ bị mất đất và nhiều người trong số họ bị bỏ tù vì bị quy kết là “thế lục thù địch” khi đấu tranh đòi đất hoặc đòi được đền bù thoả đáng. Điển hình là gia đình bà Cấn Thị Thêu ở Dương Nội (Hà Nội) – gia đình hiện có ba người đi tù với mức án tù dài hạn từ 8 năm đến 10 năm tù.
Ông Tạo cho biết lần sửa đổi Luật Đất đai cách đây 10 năm không có tiến bộ nào so với trước đó. Từ năm 2003, Luật quy định việc thu hồi đất chỉ được phép tiến hành để thực hiện các công trình an ninh quốc phòng hay phúc lợi công cộng hạ tầng cơ sở như đường xá, trường học… Giá bồi thường rất rẻ, chỉ bằng 1 phần 10 so với giá thị trường.
Ông Tạo nhấn mạnh, theo Luật Đất đai sửa đổi 2013, việc thu hồi đất được mở rộng cho cả dự án phát triển kinh tế-xã hội mà không ràng buộc chủ thể là tư nhân hay Nhà nước. Do vậy, từ khi có Luật Đất đai sửa đổi 2013, tình trạng cướp đất của dân để làm dự án bất động sản xảy ra ở nhiều nơi một cách dữ dội. Xuất hiện tầng lớp đại gia móc ngoặc với quan chức để cướp đất của người dân để làm dự án bất động sản.
Bà Trần Thị Thu Thuỷ ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) nói gia đình bà mua một mảnh đất rộng 500 mét vuông ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Vào năm 2008, Công ty cổ phần BOT Vietracimex cấu kết với chính quyền huyện Hoài Đức “cướp” mảnh đất này của gia đình để làm dự án bất động sản. Theo bà, nếu giữ nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì việc tịch thu đất đai của dân cho dự án bất động sản mà không bồi thường thoả đáng như gia đình bà đang phải gánh chịu sẽ tiếp tục xảy ra.
“Cái sự mâu thuẫn ở trong Luật Đất đai là Nhà nước quản lý đất đai nhưng lại trao quyền cho lợi ích nhóm đặc biệt là chính quyền địa phương, sân sau và tư bản thân hữu, cấu kết với nhau để cướp đất của dân.”
Nói về sở hữu đất đai toàn dân, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) nói:
“Chừng nào đất đai còn thuộc sở hữu toàn dân thì đấy là sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về quyền sở hữu tài sản. Đấy là sự lập lờ đánh lận con đen rất là nguy hiểm mà cần phải làm rõ.. bất kể một tài sản gì có thể thuộc quyền sở hữu tư nhân, tập thể (nhóm người, cộng đồng) hoặc sở hữu Nhà nước (ví dụ một địa phương hay một cơ quan hành chính). Chủ sở hữu đất nên là thể nhân hoặc pháp nhân của một mảnh đất phải hết sức rõ ràng, minh bạch, có thể đi kiện hoặc bị kiện trước toà. Còn sở hữu toàn dân- không ai nắm tóc ông ấy cả. Như vậy cái sai căn bản của quan niệm về sở hữu đất đai ở Việt Nam là như vậy.”
Theo ông, nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” tạo ra một cơ chế lập lờ và trong nhiều thập niên qua, tất cả những vấn đề nổi cộm đau đớn làm cho hàng triệu người khốn khổ về đất đai xuất phát từ quan điểm rất là không đúng đó về vấn đề sở hữu đất đai của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy về căn bản thì nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” của Luật Đất đai sai từ gốc nhưng tiến sỹ Nguyễn Quang A nói ông vẫn có hy vọng về sự cải thiện so với Luật Đất đai hiện nay – một văn bản theo ông rất là tồi tệ.
Luật sư Hà Huy Sơn, một người tham gia bào chữa cho người dân trong một số vụ án liên quan đến thu hồi đất đai, nói:
“Theo nhận thức của tôi thì tồn tại trong lĩnh vực đất đai là quyền tư hữu/sở hữu về đất đai của người dân chưa được công nhận. Nếu vấn đề này được giải quyết thì tôi cho rằng mới giải quyết được các mâu thuẫn căn bản liên quan đến đất đai hiện nay.\”