Đăng ngày: 09/07/2022
Hôm qua, 08/07/2022, tại Liên Hiệp Quốc, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết về việc gia hạn thêm 1 năm hành lang viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria. Matxcơva chỉ chấp nhận gia hạn 6 tháng, trong khi các nước phương Tây đề xuất thời hạn 1 năm
Thông tín viên RFI Carrie Nooten từ New York tường trình :
“Tổng cộng 13 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đả bỏ phiếu tán thành nghị quyết mà Na Uy và Ireland đề xuất, liên quan đến việc gia hạn hành lang viện trợ nhân đạo đến Idlib mà không cần có sự đồng ý của chính quyền Damas. Ngay cả Trung Quốc, thường vẫn song hành cùng Nga bỏ phiếu phủ quyết, đã quyết định bỏ phiếu trắng. Điều này cho thấy Bắc Kinh có dấu hiệu có bất đồng với Matxcơva, và cũng có thể là dấu hiệu muốn cô lập Nga.
Không có gì ngạc nhiên khi Nga tiếp tục nhấn mạnh việc thiếu cân nhắc về chủ quyền của Damas để biện minh cho lá phiếu phủ quyết thứ 17 trong hồ sơ Syria, cũng giống như luận điểm mà Nga sử dụng từ năm 2014.
13 quốc gia khác, cũng như các tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc đòi hỏi một năm tạm ngưng, để dành thời gian xem xét lại vấn đề về hậu cần, cách tổ chức và thực hiện. Họ đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc chỉ gia hạn viện trợ cho Syria thêm 6 tháng.
Quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc tại điểm xuyên biên giới sẽ hết hạn vào Chủ Nhật, 10/07. Các nhà ngoại giao có 48 giờ để tìm ra một thỏa hiệp mới. Một số quốc gia đã bắt đầu đề xuất một khoản thời gian 9 tháng để có được đồng thuận của Matxcơva.”
Hành lang viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria được thiết lập từ năm 2014, từ trạm trung chuyển tại Bah AI Hawa đến biên giới chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hơn 2,4 triệu người sống trong vùng Idlib (tây bắc Syria), chịu sự kiểm soát của nhóm thánh chiến Hồi Giáo và phiến quân phụ thuộc vào con đường viện trợ.
Dù bị cô lập nhưng lá phiếu của Matxcơva giữ vai trò quyết định, theo AFP. Vì để thông qua nghị quyết này, cần phải có ít nhất 9 trên 15 phiếu ủng hộ và không thành viên thường trực nào của Hội Đồng Bảo An (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) phủ quyết.