- Rupert Wingfield-Hayes
- BBC News, Nara
9 tháng 7 2022
Kể từ khi tin tức nổ ra ngày 8/7 về vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn, tin nhắn đã được gửi đến từ bạn bè và những người quen biết, tất cả đều có chung một câu hỏi: làm thế nào mà điều này lại xảy ra ở Nhật Bản?
Bản thân tôi cũng cảm thấy như vậy. Sống ở đây, bạn quen với việc không nghĩ đến tội phạm bạo lực.
Danh tính của nạn nhân chỉ khiến tin tức chấn động hơn.
Shinzo Abe có thể không còn là thủ tướng Nhật Bản, nhưng ông vẫn là một nhân vật quan trọng trong đời sống công chúng Nhật Bản, và có lẽ là chính trị gia Nhật Bản dễ nhận biết nhất trong ba thập niên qua.
Tôi đang cố gắng nghĩ về một điều gì đó tương tự – một hành động bạo lực chính trị khác có thể gây sốc như vậy với người dân địa phương. Điều mà người ta nghĩ đến là vụ thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị bắn vào năm 1986.
Khi tôi nói rằng mọi người không nghĩ về tội phạm bạo lực ở đây, tôi không ngoa.
Vâng, ở đó có Yakuza, băng nhóm tội phạm bạo lực có tổ chức nổi tiếng của Nhật Bản.
Nhưng hầu hết mọi người không bao giờ tiếp xúc với họ. Ngay cả Yakuza cũng né tránh súng.
Sở hữu một khẩu súng ở Nhật Bản là điều vô cùng khó khăn.
Do đó, tội phạm súng hầu như không tồn tại ở đây. Trung bình, có dưới 10 trường hợp tử vong liên quan đến súng ở Nhật Bản mỗi năm. Trong năm 2017, thì chỉ có ba trường hợp.
Sự chú ý đã tập trung vào tay súng và vũ khí mà ông ta sử dụng.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng người đàn ông 41 tuổi này là một cựu thành viên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, tương đương hải quân của nước này.
Tuy nhiên, điều tra kỹ hơn cho thấy ông ta chỉ phục vụ ba năm trong hải quân. Khẩu súng ông ta sử dụng gây tò mò hơn.
Các hình ảnh về khẩu súng nằm trên mặt đất sau vụ nổ súng cho thấy cái gì đó trông giống như vũ khí tự chế. Hai nòng súng bằng thép được gắn với nhau bằng băng dính đen, cùng với một loại cò súng tự chế.
Bởi vậy, đây có phải là một vụ tấn công có chủ ý vì mục đích chính trị, hay là hành động của một kẻ ảo tưởng, một người muốn trở nên nổi tiếng, bằng việc bắn một ai đó nổi tiếng?
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết.
Trong những năm gần đây, một loại tội phạm khác trở nên phổ biến hơn ở đây. Nam giới trầm lặng, cô đơn với mối hận thù với ai đó hay điều gì đó.
Năm 2019, một người đàn ông đã phóng hỏa nơi có một xưởng phim hoạt hình nổi tiếng ở Kyoto, khiến 36 người thiệt mạng.
Người đàn ông nói với cảnh sát rằng anh ta có ác cảm với hãng phim vì nó đã \”ăn cắp tác phẩm của anh ta\”.
Trong một trường hợp khác vào năm 2008, một thanh niên bất mãn đã lái xe tải tông vào đám đông người mua sắm ở quận Akihabara, Tokyo, sau đó lao ra ngoài và bắt đầu đâm dao những người xem. Bảy người đã thiệt mạng.
Trước khi thực hiện vụ tấn công, anh ta đã đăng một thông điệp lên mạng với nội dung: \”Tôi sẽ giết người ở Akihabara\” và \”Tôi không có một người bạn nào, tôi bị phớt lờ vì tôi xấu xí. Tôi còn không bằng rác rưởi\”.
Vẫn chưa rõ liệu việc bắn ông Abe phù hợp với loại thứ nhất hay thứ hai.
Nhưng có vẻ như chắc chắn rằng vụ ám sát sẽ thay đổi Nhật Bản.
Trong các chiến dịch bầu cử, giống như chiến dịch đang diễn ra, các chính trị gia thường đứng ở các góc phố để phát biểu và bắt tay với những người mua sắm và người qua đường.
Gần như chắc chắn đó là lý do tại sao kẻ tấn công ông Abe có thể đến gần và nổ súng.
Điều đó chắc chắn phải thay đổi sau ngày 8/7.
Shinzo Abe – Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản