Chuyên gia nói \”nên tiếp tục\” giám sát đặc biệt Formosa Hà Tĩnh dù chính quyền đề nghị ngưng

RFA
2022.07.11

\"\"
Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh hôm 3/12/2015

 AFP

00:00/05:07

 

Cơ quan môi trường Việt Nam có đề xuất ngưng giám sát đặc biệt đối với nhà máy thép của Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh, người dân địa phương lo ngại trong khi chuyên gia yêu cầu minh bạch kết quả giám sát.

Tuần trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho dừng cơ chế giám sát đặc biệt đối với nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh), chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra và giám sát bình thường theo quy định của pháp luật.

Bộ TN&MT đưa ra đề nghị trên với lập luận rằng sau năm năm giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Formosa Hà Tĩnh, bộ này nhận thấy “sự cố môi trường biển” tại bốn tỉnh miền Trung do công ty này gây nên hồi năm 2016 đã được khắc phục.

Một người phụ nữ sống ở địa phương gần nơi đặt nhà máy cho biết, bà không có hiểu biết về đề xuất của cơ quan chức năng nhưng bằng cảm nhận của người dân thì lượng hải sản thu về gần đây không bằng trước khi xảy ra thảm họa.

Nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh bà cho hay:

Sau 2016 đến giờ thì thỉnh thoảng có cá chết dạt vào bờ. Ví dụ là như khi nào họ xả nhiều hay sao ấy thì cá cũng chết nhưng chết ít, dạt vào bờ ít thôi. 

Mấy năm gần đây cũng chết và cá chết dạt vào bờ cũng ít chứ không nhiều như năm đó (2016-PV). Nhưng một năm có vài lần cá chết như vậy, và năm nào cũng có cá chết.”

Gia đình bà có thu nhập khá từ đánh bắt hải sản, tuy nhiên cuộc sống của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn sau thảm hoạ môi trường năm 2016. 

Người phụ nữ này cũng từng phải ngồi tù với tội danh “gây rối trật tự công cộng” vì tham gia biểu tình phản đối Formosa, bà tiết lộ rằng, gần nửa số dân trong vùng bị mắc bệnh ung thư do hít phải khói của nhà máy thép Formosa vì nhà máy này xả khí có mùi hôi thối, ám cả vào tường nhà.

Mỗi ngày mỗi đêm họ xả bao nhiêu khí và khói lên… dân làng ở đây chịu không nổi vì hôi thối.”

Bà bổ sung rằng đa số người dân xung quanh không dám bàn luận về hậu quả của Formosa vì sợ bị bắt đi tù, như nhiều người đã bị tống giam chỉ vì tham gia biểu tình đòi Formosa khắc phục hậu quả xả thải ra môi trường. 

Phóng viên gọi điện thoại cho lãnh đạo thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh để đề nghị bình luận về nhận xét của người dân, nhưng không ai nghe máy

Bộ TN&MT trong báo cáo của mình nói Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, bảo đảm an toàn môi trường, đồng thời đề nghị Thủ tướng cho phép bộ này chấp thuận phương án xả thải như hiện nay của nhà máy; chuyển sang cơ chế giám sát bình thường.

Mạng báo Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn một báo cáo của nhà máy gang thép cho hay, tổng kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường của dự án đến nay là khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 10,9% tổng vốn đầu tư cho cả dự án); riêng các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường đầu tư sau sự cố môi trường là trên 350 triệu USD.

Bình luận về đề nghị của Bộ TN&MT, một cựu giảng viên về chính sách công của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói như sau:

\”Formosa đã có tiền lệ vi phạm nghiêm trọng, gây ra thảm họa môi trường kinh hoàng mà hàng trăm năm sau vẫn còn phải chịu hậu quả. Sau khi vi phạm, họ còn trắng trợn thách thức dư luận khi tuyên bố với chúng ta là chọn thép hay chọn cá. Chứng tỏ, đây là vi phạm có chủ đích.

Hậu quả chưa khắc phục xong, hàng trăm năm sau biển vẫn còn nhiễm độc kim loại nặng. Ngư dân Kỳ Anh bỏ nghề, bây giờ vẫn phiêu bạt tha hương. Hành động bắt cóc bỏ đĩa nếu dừng cơ chế giám sát đặc biệt với Formosa chính là tiếp tay cho họ tiếp tục vi phạm trong tương lai\”.

Nhấn mạnh ngành khai thác mỏ và luyện kim là những ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, chuyên gia này cho rằng các nước phát triển và thậm chí Trung Quốc đều có chủ trương dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ của họ. Vị chuyên gia đề nghị không nêu danh tính cho biết ngay cả khi Formosa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn xả thải thì vẫn phải tiếp tục áp dụng cơ chế giám sát đặc biệt.

Khi nghe về đề nghị của Bộ TN-MT, tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải (ông già Ozone), người chủ trì thành công nhiều công trình xử lý chất thải của một số nhà máy công nghiệp, chất vấn:

Tại sao lại dng? Ông công bố kết quả đó đi! Ông mời người ta đến đo công khai đi… chất lượng không khí thế nào? Thực tiễn là chân lý, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi Trường hãy đo công khai về nước về khí để toàn dân nhìn thấy.

Ông nói rằng ông đủ khả năng để đo chất lượng của khí thải và nước xả ra môi trường của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh nếu được yêu cầu.

Tiến sỹ Khải nói thêm ông mong muốn Formosa và các nhà máy công nghiệp của nước ngoài cũng như của Việt Nam không xả độc bằng đường khí, chất lỏng hoặc chất rắn vào môi trường và các cơ quan chức năng của Việt Nam phải hoạt động để bảo đảm điều đó.

Bài Liên Quan

Leave a Comment