Đăng ngày: 11/07/2022
Kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, nhóm Visegrad, tức là nhóm 4 nước Trung Âu ( Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia ), đã gặp nhiều xáo trộn và ngày càng bất hòa với nhau.
Nhóm Visegrad, vừa kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 2021, đã ra đời tại thành phố Visegrad của Hungary, khi bốn nước Cộng sản cũ này liên kết lại để cùng nhau gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và bảo vệ các lợi ích của họ. Nhưng từ nhiều tháng qua, nhóm này đã không họp lại. Cuộc họp gần đây nhất, được dự trù cho cuối tháng 3, tức là một tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, đã bị hủy bỏ.
Trên nguyên tắc, cuộc họp này đã diễn ra tại Hungary trong hai ngày, quy tụ các bộ trưởng Quốc Phòng của bốn nước Trung Âu, nhưng Ba Lan, rồi sau đó đến Cộng hòa Séc đã thông báo sẽ không đến dự. Lý do là vì Budapest đã phủ quyết các trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với nguồn các năng lượng của Nga. Vào lúc đó, bộ trưởng Quốc Phòng Cộng hòa Séc Jana Cernochova đã tuyên bố: “Tôi đã luôn ủng hộ nhóm Visegrad và tôi lấy làm tiếc là dầu hỏa giá rẻ của Nga quan trọng đối với các chính khách Hungary hơn là máu của người Ukraina”.
Theo ghi nhận của tờ Le Figaro hôm nay, mặc dù các nước Trung Âu vẫn có chung lập trường về vấn đề di dân hoặc đều có những quan điểm rất bảo thủ, Visegrad chưa bao giờ là một nhóm hoàn toàn đồng nhất. Tờ báo trích lời Ziga Faktor, trưởng văn phòng Bruxelles của công ty tư vấn Europeum: “Phần lớn thời gian Cộng hòa Séc gần gũi với Slovakia hơn, trong khi Hungary thì có nhiều điểm chung với Ba Lan hơn. Cho nên, thay vì V4, người ta thường gọi đó là nhóm V2+2, hoặc V2+1+1”.
Trong những năm gần đây, giữa bốn nước Cộng sản cũ ở Trung Âu ngày càng có nhiều bất đồng, nhất là kể từ khi thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn dùng nhóm Visegrad như một công cụ trong cuộc đối đầu giữa Hungary với Liên Hiệp Châu Âu.
Ngoài cuộc chiến tranh Ukraina và thái độ cần phải có đối với Nga, nhóm 4 nước Trung Âu còn bị rạn nứt vì những lý do khác. Ngay cả Ba Lan và Hungary, vốn vẫn đồng nhất quan điểm về vấn đề nhà nước pháp quyền, nay cũng gặp bất hòa. Lập trường của Budapest về Nga và Ukraina khiến Vacxava và Praha xích lại gần nhau.
Vốn ngày càng bị cô lập, thủ tướng Hungary còn mất đi một đồng minh thân cận là thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, thất cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm ngoái do bị nhiều tai tiếng tài chính. Tân thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala không xuất thân từ giới doanh nghiệp như ông Babis và ông Orban, đồng thời có quan điểm hoàn toàn khác biệt với hai nhân vật này.
Cộng hòa Séc vừa thay Pháp nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu hôm thứ tư tuần trước, thủ tướng Fiala đã khẳng định ưu tiên của Praha là bảo đảm sự bền vững của các định chế dân chủ”. Như vậy là chẳng sớm thì muộn, lãnh đạo chính phủ Cộng hòa Séc sẽ đụng đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhà nước pháp quyền ở Ba Lan và Hungary. Chính vì những vi phạm nhà nước pháp quyền mà hai nước này cho tới nay vẫn không được nhận nguồn tài chính từ kế hoạch phục hồi kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu.
Tóm lại, Visegrad theo lẽ là một khuôn khổ lý tưởng cho hợp tác giữa bốn nước Trung Âu, nhưng nhóm này bây giờ lại phơi bày những bất đồng ngày càng sâu sắc, nhất là với Cộng hòa Séc trong cương vị chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu.