2022.07.12
Ông Nguyễn Ngọc Điệp khi còn sống (trái), và bàn thờ ông (phải)
Một người đàn ông trung niên đi xem đá gà trong cùng xã, bị công an tạm giữ sau đó chết bất minh chỉ sau 10 giờ bị tạm giữ trong trụ sở công an huyện, gia đình nạn nhân bất bình về việc công an giam giữ quá lâu người thân của họ trong tình trạng sức khoẻ kém.
Nạn nhân là ông Nguyễn Ngọc Điệp, 49 tuổi, làm nghề trồng cây ăn trái ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Theo lời gia đình thuật lại, ông Điệp có bệnh về bao tử đến trường gà để xem đá gà và ăn tại quán có tên Chị Bé Ba gần đó, trong túi ông lúc đó chỉ có khoảng 20.000 đồng.
Lúc 3 giờ chiều ngày 1/7, công an tỉnh Sóc Trăng đột kích trường gà và bắt giữ khoảng 11 người, trong đó có ông Điệp.
Công an tỉnh đưa ông Điệp và những người bị bắt về trụ sở công an huyện Kế Sách và giao họ cho công an địa phương để xử lý.
Nhận được tin báo, gia đình mang thức ăn và thuốc điều trị bao tử đến cho ông vào chiều tối và đề nghị công an huyện cho phép được chuyển cho người thân.
Mặc dù gia đình cảnh báo nhiều lần về việc ông có bệnh bao tử nặng và cần phải nghỉ ngơi nhưng phía công an phớt lờ.
Cho rằng việc bắt giữ trong trường gà không nghiêm trọng và chỉ bị phạt hành chính, phía gia đình đề nghị công an Kế Sách cho ông về để ngày hôm sau lên làm việc tiếp nhưng phía công an không đồng ý mà buộc ông phải thừa nhận tham gia cá cược đá gà.
Đến khoảng 23 giờ đêm cùng ngày, ông Điệp được cho là đổ gục người xuống, khi đó phía công an mới đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện huyện nhưng người này đã chết trên đường đến bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Điệp nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi cảnh báo họ nếu bị nhốt anh một hồi thì coi chừng anh xỉu đó nghe, anh ấy bệnh nặng lắm nha… nó (công an- PV) cũng không màng tới. Tôi đứng ngoài sốt ruột quá.
Tôi cảnh báo công an rằng chồng tôi bị bệnh bao tử nặng và nếu không cho ổng ra thì ổng xỉu đó. Lúc 11 giờ (đêm-PV) ông ấy xỉu ở trỏng và chết thì công an mới đưa đến bệnh viện.
Đưa đến bệnh viện bác sĩ cấp cứu nói ông ấy chết ở đâu đó rồi mới đưa tới chứ tới bệnh viện là mất rồi.”
Người anh trai của ông Điệp, ông Nguyễn Văn Đỗ, người chứng kiến quá trình pháp y công an tỉnh Sóc Trăng khám nghiệm tử thi của em trai mình trong sáng ngày 2/7, nói rằng phổi của ông Điệp bị sưng và ứ máu ở tim.
Phía đuôi mi mắt có vết bầm nhỏ nhưng bên pháp y nói rằng không phải là nguyên nhân của cái chết.
Sau khi khám nghiệm pháp y, gia đình đã nhận thi thể của ông Điệp về mai táng trong cùng ngày.
Cho đến ngày 12/7, gia đình vẫn chưa nhận được kết quả khám nghiệm tử thi. Phía công an huyện cũng hoàn toàn im lặng về vụ này, thậm chí không cử đại diện đến chia buồn cùng gia đình, theo cáo buộc của người nhà nạn nhân.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng nhưng ông này dập máy ngay sau khi phóng viên giới thiệu, các Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng không bắt máy.
Trưởng Công an huyện Kế Sách không nghe máy cuộc gọi của phóng viên, trong khi đó báo chí Nhà nước hoàn toàn im lặng trước sự việc.
Bà Hồng nói rằng gia đình không nghĩ nguyên nhân chồng bà bị chết là do bị đánh đập trong quá trình tra khảo của công an huyện Kế Sách, nhưng gia đình bất bình về việc phía công an phớt lờ cảnh báo của gia đình về tình trạng bệnh tật của ông để ông bị đuối sức do giam giữ quá lâu mà không được nghỉ ngơi.
Người anh trai tên Đỗ nói nguyện vọng của gia đình:
“Bên gia đình muốn bên công an phải có trách nhiệm về cái chết của em tôi vì họ đã được cảnh báo nhưng lại coi thường tính mạng của em tôi, và họ phải giải thích thoả đáng với gia đình.”
Gia đình cho biết thêm là ngay sau sự cố đối xảy ra với ông Điệp, Công an huyện đã cho những người bị bắt còn lại về nhà và triệu tập họ lên làm việc trong những ngày gần đây để xử lý hành chính về việc tham gia cá cược.
Cuối năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn nhẫn, tuy nhiên, tình trạng nghi can và tù nhân bị tra tấn đến chết hoặc chịu thương tích nghiêm trọng trong đồn công an vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo con số thống kê mà RFA tổng hợp được dựa trên thông tin được công bố trên các báo Nhà nước, từ năm 2018 đến hết năm 2021, có ít nhất 16 trường hợp người chết trong đồn công an hoặc trại giam.