Biden và Putin cùng đến Trung Đông: Khi tam giác an ninh Mỹ-Irael-Ả Rập Xê Út đấu với trục Nga-Iran

Đăng ngày: 13/07/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Yair Lapid ( P) và tổng thống Isaac Herzog(T) của Israel đón ông Joe Biden tại phi trường Ben Gurion, Tel Aviv, ngày 13/07/2022. AP – Evan Vucci

Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 13/07/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã có mặt ở Irael, bắt đầu một chuyến công du vùng Trung Đông mà chặng cuối cùng tại Ả Rập Xê Út được đánh giá là rất quan trọng. Hôm qua, Matxcơva cũng loan báo chuyến đi thăm Iran vào đầu tuần tới của tổng thống Nga Vladimir Putin, nơi ông sẽ có cuộc họp tay ba với đồng nhiệm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/07.

Đối với giới quan sát, việc hai lãnh đạo Nga-Mỹ cùng đến vùng Trung Đông trong gần như cùng một lúc là dấu hiệu phản ánh cuộc đọ sức giữa Washington và Matxcơva đang càng lúc càng gay gắt, đặc biệt là kể từ khi Nga tung quân xâm chiếm Ukraina vào hạ tuần Tháng Hai.

Việc tổng thống Biden chọn đi thăm Israel và nhất là Ả Rập Xê Út không phải là vô tư vì trong vùng Trung Cận Đông, đó là hai quốc gia được coi là “kẻ thù không đội trời chung” của Iran, nước đang đối kháng với Mỹ và ngày càng xích lại gần Nga kể cả trên vấn đề cuộc chiến tranh Ukraina.

Đối với Washington, trong bối cảnh một trục liên kết Matxcơva-Teheran càng lúc càng trở nên chặt chẽ, cần phải nhanh chóng có biện pháp ứng phó và việc hình thành và củng cố điều có thể gọi là tam giác an ninh Mỹ-Israel-Ả Rập Xê Út đã trở thành cần thiết.

Theo chuyên gia Pháp Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên Cứu Montaigne tại Paris, với việc Nga xâm lược Ukraina kể từ ngày 24/02, Hoa Kỳ đã bị buộc phải thay đổi cách nhìn về thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng.

Tam giác an ninh Mỹ-Israel-Ả Rập Xê Út

Trong một phân tích được Ouest-France, một nhật báo địa phương lớn tại Pháp, công bố hôm 13/07, ông Moisi cho rằng vào ngày 24 tháng 2, thế giới bắt đầu bước vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới bao gồm cả một cuộc chiến tranh nóng ở phía đông châu Âu và trong tình thế mới đó này, “Mỹ đang khám phá lại tính chất tối cần thiết của Trung Đông”.

Theo chuyên gia Pháp, cho đến gần đây, Mỹ từng cho rằng mình có thể độc lập với Trung Đông về nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, với cuộc khủng hoảng năng lượng phát sinh từ cuộc chiến Ukraina, Hoa Kỳ đã nhận thức được rằng họ cần đến thiện chí Ả Rập Xê-Út để hạn chế đà tăng giá năng lượng vào thời điểm nguồn cung cấp từ Nga có thể ngưng. Một trong những mục tiêu chuyến thăm Ả Rập Xê Út của ông Biden là thuyết phục Riyad mở van dầu để ổn định giá năng lượng.

Trục Matxcơva-Teheran

Bên cạnh đó, với tham vọng hạt nhân ngày càng gia tăng của Teheran, ý tưởng về một tam giác an ninh giữa Washington, Tel Aviv và Riyad, dường như là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh phe bảo thủ thống trị tại Iran ngày càng kiên quyết hơn trong việc sát cánh cùng với Nga trong việc chống lại Hoa Kỳ, Israel và Ả Rập Xê Út.

Ngay từ trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh Ukraina, khi đi thăm Nga vào tháng 01, tổng thống Iran đã không ngần ngại cho rằng hai nước cần tạo ra một “sức mạnh tổng hợp”  để “chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ”.

Và hôm 11/07 vừa qua, Nhà Trắng Mỹ đã tiết lộ những thông tin tình báo theo đó Iran đã có dấu hiệu sẵn sàng hỗ trợ Nga về mặt quân sự trong cuộc chiến ở Ukraina, với việc chuyển giao “hàng trăm máy bay không người lái”, kể cả loại võ trang, đang được thực hiện, cũng như việc đào tạo binh sĩ Nga về cách sử dụng các phương tiện này ngay trong tháng Bảy này.

Nhìn chung, theo nhận định của chuyên gia Moisi, khi xâm lược Ukraina, Nga không chỉ đánh thức các khái niệm Phương Tây, NATO và Liên Hiệp Châu Âu, mà còn khiến Mỹ nhận ra rằng Trung Đông là quân cờ quan trọng trên bàn cờ của thế giới và Washington không thể rời bỏ khu vực này cho những tham vọng của chính Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment