14 tháng 7 2022
\”Có phải Rajapaksa là họ duy nhất ở nước bạn?\”
Đây là cao trào trong một câu chuyện cười tại Sri Lanka: trong đó một nhân vật giả tưởng là quan chức chính phủ Trung Quốc đến thăm Sri Lanka bị rối bời khi mọi chính khách mà ông gặp đều có cùng tên.
Dễ tưởng tượng câu chuyện cười này đã ra đời như thế nào. Cho đến khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy khỏi Sri Lanka hôm 13/07, gia đình của ông ta đã nắm quyền đảo quốc này trong vòng hai thập niên qua.
Sự thống trị đó, tuy nhiên, hiện đã chấm dứt, khi người dân Sri Lanka đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ Anh Quốc vào năm 1948, và nhiều chuyên gia đã đổ lỗi nguyên nhân từ việc quản lý kinh tế yếu kém.
Vào đầu năm nay, có sáu người mang họ Rajapaksa trong chính phủ – rồi không lâu sau, quyền lực của gia tộc này có thể không còn gì ngoài một ký ức nhạt nhòa.
Hồi tháng Năm, một người mang họ nổi tiếng này cũng đã thất bại: Thủ tướng (và cựu Tổng thống) Mahinda Rajapaksa từ chức. Không ai biết nơi ở của ông ta.
Mahinda là anh trai của vị tổng thống đương nhiệm, Gotabaya Rajapaksa.
Biểu tình ở Sri Lanka: \’Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi Tổng thống từ chức\’
Khởi đầu chậm trong chính trị
Điều này đã là một sự kiện gây chấn động.
\”Việc Mahinda Rajapaksa từ chức đánh dấu sự thay đổi nhục nhã trong gia tài của một người đàn ông nhiều năm qua là một người quyền lực nhất Sri Lanka,\” Ayeshea Perera, biên tập viên Châu Á của BBC News nói vào tháng Năm.
Mahinda Rajapaksa đã trở thành người thành công nhất trong một gia đình đã luôn không có sức mạnh như vậy trong nền chính trị quốc gia.
Họ xuất thân từ thế hệ các địa chủ ở quận Hambantota, miền nam Sri Lanka, và Mahinda lần đầu được bầu vào Quốc hội năm 1970 khi đó là một thành viên trẻ nhất. Sau đó vào những năm 1980, cả Mahinda và người anh trai Chamal được bầu vào Quốc hội.
Mahinda được biết đến nhiều qua việc bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cuộc nổi dậy phe cánh tả xảy ra trong khoảng từ năm 1987 đến năm 1989, nguyên nhân khiến ông phải kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp.
Vào năm 1994, ông được vị tổng thống mới Chandrika Kumaratunga bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động. Mười năm sau đó, ông trở thành Thủ tướng và vào năm 2005, đã có chiến thắng sát nút để bảo vệ chức vị tổng thống của mình.
Mahinda giữ chức Tổng thống Sri Lanka trong hai nhiệm kỳ (2005-2015). Vào năm 2009, ông đã giám sát việc chấm dứt đẫm máu cuộc nội chiến với các phiến quân Hổ Tamil, kéo dài đến gần 30 năm.
Chiến thắng của ông ta bị phủ bóng đen từ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đặc biệt nhằm vào các cộng đồng thiểu số và tôn giáo – người theo đạo Phật Sinhalese chiếm gần 75% dân số Sri Lanka -cùng những cáo buộc tham nhũng.
Cựu Tổng thống cũng gay gắt bác bỏ các cáo buộc này.
Kinh doanh gia đình
Tranh cãi đã không ngăn chặn được việc gia tộc Rajapaksa chiếm vị trí độc quyền trong nền chính trị Sri Lanka: Gotabaya nắm giữ vị trí cấp cao trong Bộ Quốc phòng và cũng được một số người đánh giá cao vì cách xử lý cuộc nội chiến.
Chamal đã phục vụ trong các bộ như Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Thủy lợi và người em trai Basil đã giữ các nhiệm vụ trong Bộ Tài chính và Phát triển Kinh tế.
Những người họ hàng khác của bốn anh em trai cũng nắm giữ vị trí trong nhà nước, đáng chú ý là những người con trai của Mahinda, Namal, gần đây giữ chức vụ trong Bộ Thể thao Sri Lanka, Yoshitha (người cho đến khi cha của mình từ chức vẫn còn giữ chức chánh văn phòng thủ tướng).
Tuy nhiên, gia đình này cũng chịu tổn thất khi ông Mahinda bất ngờ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.
Gia đình này trở lại nắm quyền lực bốn năm sau đó, lần này thì Gotabaya ở vị trí cầm quyền – quy định hiến pháp không cho phép một cựu tổng thống ra tái ứng cử.
Điều hành một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc, vị tổng thống mới đã hưởng lợi từ sự gắn kết giữa gia đình với quyền lực và thứ bậc: vào tháng 04/2019, các vụ tấn công khủng bố liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến hơn 250 người thiệt mạng.
Những cáo buộc tham nhũng
Các cáo buộc tham nhũng nhằm vào gia đình này, tuy nhiên đã không biến mất – mà lại xuất hiện trong các cuộc biểu tình hiện tại do cuộc khủng hoảng hậu Covid gây nên.
\”Nhiều người tin rằng Mahinda Rajapaksa đã lót đường cho gia đình mình lấy cắp của cải quốc gia bỏ vào túi riêng,\” biên tập viên của BBC News, Ayeshea Perera nói thêm.
Các tấm biển và lời hô vang yêu cầu gia đình này trả lại \”số tiền đã đánh cắp\” là một cảnh tượng phổ biến trong các cuộc biểu tình trên khắp Sri Lanka.
Tiếng tăm sụt giảm của Rajapaksa đã dẫn đến các sự chia rẽ trong gia tộc này. Hồi tháng Tư, có các thông tin về sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Mahinda và Gotabaya và cuộc tranh đấu quyền lực sau đó giữa những người anh em nhằm kiểm soát giới ủng hộ mình.
\’Về nhà đi\’
Khó khăn kinh tế đã đẩy nhiều người vốn từng bỏ phiếu bầu cho ông Gotabaya phải mang các tấm biển có thông điệp \”Về nhà đi\” trên đường phố – trong các cuộc biểu tình.
Những người biểu tình chống chính phủ đã tràn vào các tòa nhà chính phủ, bao gồm dinh thự tổng thống, và nhảy xuống hồ bơi.
Trong những trao đổi giận dữ hơn, những người biểu tình đã châm lửa đốt một số nơi do gia tộc Rajapaksa sở hữu, gồm ngôi nhà thờ tổ tiên ở Hambantota.
Những người biểu tình cũng tàn phá ngôi mộ và nơi tưởng niệm dành cho cha mẹ họ. Với vai trò là tổng thống, Gotabaya cũng đã bị cáo buộc sử dụng sai nguồn quỹ nhà nước để xây dựng nơi tưởng niệm này.
Việc Gotabaya rời khỏi đất nước và trốn thoát đến Madilves bằng máy bay quân sự hiện tại dường như đã đánh dấu thời khắc gia tộc Rajapaka đánh mất sự nắm quyền lực không đối thủ trong nền chính trị Sri Lanka.