Đồng euro ngang bằng với đô la, bên được bên thua

Đăng ngày: 15/07/2022

\"\"
\"\"
Hình ảnh minh họa euro và đô la. AP – Gregorio Borgia

Chi Phương

Trong phiên giao dịch ngày 15/07/2022, đô la và euro ngang giá, 1 đô la Mỹ đổi 1 euro. Kể từ năm 2002, đồng euro chưa bao giờ \”lao dốc\” đến thế. Trong vòng một năm qua, euro đã mất khoảng 13 % giá trị so với đô la. Cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị khiến vị trí của euro trong giao thương quốc tế bị chững lại. Euro mất giá không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà cả người dân trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. 

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos giải thích những được và mất khi euro mất giá so với đô la Mỹ, RFI xin giới thiệu bản dịch.

Tại sao đồng euro rớt giá mạnh ?

Có nhiều nhân tố dẫn đến việc euro giảm mạnh : lạm phát, những lo ngại về suy thoái và chiến tranh ở cửa ngõ châu Âu.

Lạm pháp tăng phi mã, tác động đến lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, đi đôi với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tình hình chiến tranh Ukraina cũng tạo ra một loạt mối đe doạ cho kinh tế. Tất cả cộng lại tạo ra mối lo ngại về cuộc suy thoái đang tiến đến gần. Theo chỉ số quản lý thu mua PMI ( Purchasing Manangers Index), được công bố vào tháng 7, hoạt động kinh tế trong khu vực đồng euro đã giảm mạnh vào tháng Sáu, ở mức thấp nhất từ 16 tháng qua.Những mối quan ngại này khiến đồng euro trên đà xuống dốc, trong khi đó, đồng đô la lại tăng giá, dẫn đến tình trạng ngang giá giữa đô la và euro.

Giá đô la đã được đẩy lên bởi chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) : tăng lãi suất cơ bản lên ba phần tư điểm vào giữa tháng Sáu. Trong khí đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến có thay đổi chính sách vào tháng Bảy, nhưng lại đang bị trì hoãn.

Đối với các nhà đầu tư, nhất là những người đặt cược rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đồng đô la tăng mạnh, an toàn để đầu tư hơn nhiều so với đồng euro.

Đồng euro mất giá, ai được hưởng lợi ?

Việc tiền tệ sút giá nói chung, thường tạo kích thích cho các hoạt động kinh tế. Các sản phẩm được bán bằng đồng tiền này sẽ tăng khả năng cạnh tranh. Các hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy.

Trong khu vực đồng euro, ngành công nghiệp sản xuất là ngành được hưởng lợi nhiều nhất vì ngành này chủ yếu xuất khẩu. Tiếp đó là lĩnh vực hàng không và hàng cao cấp. Trong lĩnh vực này, hàng hoá được bán nhiều trong khu vực sử dụng đồng đô la. Tại Pháp, ngành công nghiệp thực phẩm cũng thu lợi. Tỷ giá euro ngang bằng với đô la cũng mang lại lợi nhuận cho lĩnh vực du lịch, do sức mua của các công dân Mỹ, Qatar và Jordan tăng cao.

Theo một nghiên cứu của phòng tư vấn MKG, số đêm lưu trú của khách du lịch Mỹ đặc biệt liên quan tới tỷ giá của hai đồng tiền. Tuy nhiên, chủ tịch Cơ quan du lịch và hội nghị tỏ ra thận trọng với nhận định này, vì lợi nhuận thu được không khác nhiều khi đồng euro cao giá hơn, đặc biệt là dễ dàng có thể thấy lượng khách gia tăng ở những khách sạn sang trọng.

Bên thua thiệt ?

Bên chịu thiệt hại lớn nhất là các doanh nghiệp nhỏ, không hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và các (hộ) gia đình đối mặt với sức mua sụt giảm.

Đối với đa số chuyên gia kinh tế pháp và châu Âu, đồng euro mất giá là một yếu tố nghiêm trọng. Giám đốc tài chính của tập đoàn AFTE,Emmanuel Arabiancho rằng : \”rất nhiều dòng hàng hoá lưu thông giữa châu Âu và châu Á đều thanh toán bằng đô la, ngay cả với các mặt hàng như nguyên liệu thô và linh kiện điện tử. Đồng tiền chung châu Âu rớt giá sẽ tác động mạnh đến việc nhập khẩu.\”

Xét theo lĩnh vực, các nghề nghiệp liên quan đến dầu lửa chịu ảnh hưởng lớn nhất khi đồng euro giảm. Trong khi từ đầu năm 2022, giá thùng dầu đã tăng 46 %, tính theo đô la, giá thùng dầu tính theo euro tăng gần 60 %. Bộ phận thủ quỹ tài chính của các công ty lớn có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rủi ro tỷ giá hối đoái, nhưng các công ty vừa và nhỏ lại thường không có sự chuẩn bị.

Đối với người dân trong khu vực đồng euro, ngân sách chi tiêu hàng ngày của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Lạm phát trung bình ở khu vực này lên đến 8,6 % vào tháng Sáu, (gần 6% ở Pháp). Điều này dẫn đến hai hậu quả : mất đi sức mua và tiêu thụ bắt đầu chậm lại đối với mặt hàng thực phẩm, 0,3 % vào tháng Năm. Các hộ gia đình cũng tiết kiệm chi phí, đối với việc mua hàng trên mạng và mua nhiên liệu. Theo đại diện của Liên đoàn thương mại và phân phối( Fédération du Commerce et de la Distribution), Jacques Creyssel, người Pháp đã giảm tiêu thụ các sản phẩm giải trí, quần áo và các sản phẩm vệ sinh.

Một hậu quả tiêu cực khác đó là du lịch nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực đồng đô la. Đi du lịch mùa hè ở bên kia Đại Tây Dương trở thành một điều xa xỉ.

Các định chế tài chính có thể làm gì ?

Để kiểm soát được lạm phát, Ngân hàng Trung Ương châu Âu (BCE) đã khởi xướng một loạt các chính sách tăng lãi suất . Đây là một giải pháp không dễ có thể thực hiện, bởi nếu BCE mạnh tay, đặt cược vào đòn bẩy này thì có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, vốn đã suy giảm. Lãi xuất tăng có thể khiến một số nước vốn đã gánh nợ khó khăn, phải chịu hậu quả thảm khốc.

BCE đang tính toán để vượt qua thách thức này, trong bối cảnh khả năng hành động bị hạn chế. Đây là việc mang tính kỹ thuật cũng như chính trị. Trong khi đó, tình hình tài chính toàn cầu và chiến sự ở Ukraina có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Nhà nghiên cứu tại StoneX, Farwad Razaqzada cảnh báo rằng, trong bối cảnh hiện nay, tất cả những lần mà đồng euro có thể tăng giá đều chỉ là trong ngắn hạn, nếu như tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào, đồng euro sẽ tiếp tục giảm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment