Algeria, Azerbaijan bán thêm khí đốt cho EU, Kazakhstan ‘tự chủ hơn’ với Nga

\"Azerbaijan
Chụp lại hình ảnh,Azerbaijan khai thác dầu từ đầu thế kỷ 19

19 tháng 7 2022, 16:41 +07

Cập nhật 5 giờ trước

Để tránh bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, châu Âu đang tìm mua thêm dầu và khí đốt từ Bắc Phi và các nước Azerbaijan, Kazakhstan.

Tin mới nhất cho hay hôm thứ Hai 18/07, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã tới Algeria để bàn về một hợp đồng mua khí đốt.

Algeria đã tuyên bố sẽ bán thêm 4 tỷ mét khối khí tự nhiên cho Ý và các đối tác châu Âu ngay từ tuần này.

Nếu như ngay sau cuộc chiến Ukraine, bộ trưởng kinh tế kiêm phó thủ tướng Đức, Robert Habeck đã thăm Qatar vào tháng 3/2022 để tìm nguồn khí hóa lỏng, bù vào thiếu hụt đã lường trước từ các đường ống của Nga, thì nay, các nước EU khác cũng làm tương tự.

Họ muốn đa dạng hóa các lựa chọn trên thị trường năng lượng trước mùa Đông năm 2022, khi nguồn khí của Nga sẽ còn giảm.

Ý là một trong số các nước thuộc EU phụ thuộc khá nhiều vào nguồn khí từ Nga, nhưng cuộc chiến của Putin tiến hành tại Ukraine khiến Rome và các thủ đô EU khác đều đổi hướng, tách dần ra khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng từ quốc gia nay bị NATO coi là “mối đe dọa thường trực”.

Cũng trong tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Azerbaijan để thảo luận về nguồn xuất khẩu từ nước này sang EU.

Hai bên sẽ ký biên bản ghi nhớ để EU nhận thêm nguồn năng lượng từ Azerbaijan, quốc gia có truyền thống xuất khẩu dầu ngay khi còn thuộc Liên Xô.

Để tránh dính líu vào các tuyến đường ống từ Nga chạy qua Ukraine và Baltic, EU muốn tăng số gas và dầu những nước thứ ba bán qua tuyến phía Nam.

Hiện dầu khai thác ở vùng biển Caspi được chuyển bằng xe lửa tới cảng Aktau, rồi bơm lên tàu dầu ở Baku, Azerbaijan, đi tiếp tới điểm mở đầu của đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) rồi tới cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.

Theo một thống kê của Eurostat, EU, tính đến 2020, Nga là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu vào Liên hiệp châu Âu, chiếm 29%.

Các nguồn còn lại là Hoa Kỳ (9%), Na Uy (8%), Ả Rập Saudi và Anh (7% mỗi nước), Kazakhstan và Nigeria (6% mỗi nước).

Riêng về khí đốt, Nga chiếm 43% lượng khí EU nhập hàng năm, tính đến 2020. Con số này đã giảm sau khi Nga xâm lược Ukraine tháng 2/2022.

\"Almaty\"/
Chụp lại hình ảnh,Người dân Almaty, Kazakhstan đọc báo tiếng Nga

Kazakhstan chiến thắng toà án Nga

Tại Kazakhstan, chính phủ nước này đã tỏ ra kiên quyết trong việc bảo vệ quyền xuất khẩu khí đốt qua đường ống biển Caspi của tập đoàn Caspian Pipeline Consortium (CPC), sau khi tòa án Nga ra lệnh cấm xuất khẩu qua tuyến này hôm 07 tháng 7.

Ngay lập tức, tổng thống Kassym-Jomart Kemeluly Tokayev của Kazakhstan lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chiến lược đa dạng hóa các nguồn xuất khẩu năng lượng.

Kết quả là tòa Nga phải đảo ngược phán quyết của mình và Kazakhstan chỉ phải nộp khoản tiền phạt hơn 3200 USD.

Xây năm 2001, đường ống CPC chạy từ vùng biển Caspi của Kazakhstan sang cảng Novorossiysk của Nga trên Hắc Hải, và do hai công ty, Nga và Kazakhstan cùng quản lý.

Hiện Chevron của Mỹ có 15% cổ phần trong CPC, theo The Diplomat.

Bên cạnh việc “tự chủ hơn khỏi Nga” trong kinh tế năng lượng, một số quốc gia trong vùng đã sẵn sàng tăng cường quan hệ với Mỹ, trong lúc vẫn hữu hảo với Nga.

Michael Kurilla, tướng lục quân Mỹ, hiện là tư lệnh US Central Command, vừa có chuyến thăm để nâng cao quan hệ an ninh, tình báo và quân sự với một số nước Trung Á.

Hoa Kỳ không che dấu mục tiêu chính là trợ giúp các nước trong vùng ngăn chặn khả năng “lây lan” của làn sóng Hồi giáo bán vũ trang, sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, theo Washington Post.

Trước chuyến thăm của Tướng Kurrilla, ông Donald Lu, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên về Nam Á và Trung Á, đã dẫn một phái đoàn tới khu vực chiến lược nằm ở ngã ba đường nối với Nga, Trung Quốc, Iran.

Hiện Hoa Kỳ không muốn “va chạm” với Nga trong chính sách Trung Á, nhưng quyền lợi của các nước này, như ví dụ của Kazakhstan và Azerbaijan (thuộc vùng biển Caspi) tự nó khiến họ muốn cân bằng quan hệ với Nga qua việc tăng cường giao hảo với Hoa Kỳ và EU, cả về an ninh, quân sự và năng lượng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment