một giờ trước
Matt Murphy, BBC News
Tổng thống Nga Vladimir Putin đi thăm Iran vào hôm thứ Ba, trong chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi ông tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Ông Putin sẽ gặp Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Xuất khẩu ngũ cốc, Syria và Ukraine sẽ là các chủ đề được thảo luận tại Tehran, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Nhà lãnh đạo Nga đã hạn chế các chuyến thăm quốc tế tới các nước thuộc Liên Xô cũ kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Vào tháng 6, ông Putin đã có chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ tháng 2, khi ông đến Tajikistan và Turkmenistan, đều là thành viên cũ của Liên Xô hiện do các nhà cầm quyền độc tài và các đồng minh của Nga lãnh đạo.
Chuyến thăm hôm thứ Ba sẽ mang đến cho ông Putin cơ hội làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Iran, một trong số ít đồng minh quốc tế còn lại của Moscow và là cũng giống Nga, đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế.
Chuyến đi diễn ra sau khi các quan chức Hoa Kỳ hồi tuần trước cáo buộc rằng Tehran đang có kế hoạch cung cấp cho Moscow hàng trăm thiết bị bay không người lái drone để dùng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Hôm thứ Ba, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận phát triển mới trị giá 40 triệu đô la (33 triệu bảng Anh) với công ty dầu khí quốc doanh của Iran.
\”Mối liên hệ với Khamenei là rất quan trọng,\” Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Putin, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai. \”Giữa họ đã phát triển một cuộc đối thoại tin cậy về những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế.\”
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ủng hộ các phe đối lập trong cuộc nội chiến Syria và đang tìm cách giảm bớt bạo lực trong những tháng gần đây.
Nhưng cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công mới ở miền bắc Syria chống lại các tay súng người Kurd được Hoa Kỳ Mỹ hậu thuẫn, một động thái mà cả Iran và Nga đều phản đối.
Hoạt động này là một phần trong các kế hoạch của ông Erdogan nhằm tạo ra một khu vực an toàn dài 30 km (20 dặm) dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.
Vai trò Thổ Nhĩ Kỳ
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý tái ủy quyền việc giao nhận đồ viện trợ qua biên giới tới vùng do phiến quân nắm giữ tại Syria trong sáu tháng, sau khi Nga chặn đề xuất gia hạn thêm một năm.
Ankara đã từ chối áp các lệnh trừng phạt đối với Moscow kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, và chính phủ ông Erdogan đang tìm cách đóng vai trò hòa giải.
Cuộc gặp có thể tạo cơ hội cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chốt được một thỏa thuận dự kiến sẽ ký giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine nhằm đảm bảo xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc thiết yếu.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cả hai bên đã nhất trí về cách thức đảm bảo an toàn cho các tuyến vận tải ngũ cốc bằng tàu thuyền.
Tin tức nói Hạm đội Biển Đen của Nga chặn bất kỳ chuyến hàng nào ra vào khu vực, và BBC đã ghi nhận được các bằng chứng cho thấy phía Nga đã đánh cắp và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Các tuyến đường vận tải khác đã được khai thác ráo riết.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong lúc các quan chức địa phương và nông dân gần chiến tuyến cáo buộc Nga cố tình pháo kích vào các cánh đồng ngũ cốc.
Oleh Pylypenko, một chính trị gia địa phương ở miền nam Ukraine và là một cựu tù nhân từng bị Nga bắt, nói với BBC rằng nông dân ở khu vực bầu cử của ông gần thành phố Mykolaiv miền nam nước này liên tục bị nã pháo và tên lửa.
Ông cho biết các lực lượng Nga đã \”pháo kích vào các cánh đồng, máy móc nông nghiệp và nhà kho chứa ngũ cốc\” và nói rằng nhiều nông dân đã \”trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công như vậy, và họ đã bị thương bởi các mảnh đạn\”.
\”Các nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp từ thành phố Mykolaiv sợ phải đi, vì thực sự là tình hình rất nguy hiểm,\” ông nói thêm. \”Chúng tôi đã nỗ lực dập tắt được nhiều đám cháy, nhưng giờ đây, các cuộc pháo kích đã gia tăng.\”