19/07/2022
Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố thư tố giác của bốn chuyên gia nhân quyền gửi chính phủ Việt Nam về nạn buôn người theo chương trình xuất khẩu lao động, trong thư nêu vấn đề công an Việt Nam đã đe dọa những người hồi hương từ Ả Rập Xê Út.
Thư tố giác số UA VNM 3/2022, ngày 26/4, của các chuyên gia nhân quyền thuộc LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra, làm rõ việc các nạn nhân của vụ buôn người và thân nhân của họ “sống trong môi trường đầy sự sợ hãi và đe dọa liên tục của quan chức chính quyền, đại diện các công ty xuất khẩu lao động, các nhóm buôn người và nhóm xã hội đen có liên hệ với chính quyền”.
“Đã có sự gia tăng của các hành vi đe dọa đối với những người hồi hương là nạn nhân của tội phạm buôn người và gia đình của họ. Những cáo buộc này bao gồm hành vi đe dọa, gây áp lực lên các nạn nhân và gia đình để họ ngừng khiếu nại với các tổ chức nước ngoài, cũng như việc cảnh sát giám sát một số nạn nhân”, báo cáo viên LHQ viết.
Văn thư của LHQ nêu cụ thể trường hợp của bà H’Thai Ayn, một lao động người dân tộc Ê Đê ở Ả Rập Xê Út là nạn nhân của vụ buôn người và được hồi hương về Việt Nam vào tháng 9/2021.
Các báo cáo viên LHQ lo ngại việc những nạn nhân cùng chung sống với bà H’Thai Ayn tại trung tâm xã hội Sakan ở Ả Rập Xê Út sau khi hồi hương về Việt Nam lại bị “công an thẩm vấn liên quan đến các hoạt động và các quan hệ của bà”. Ngoài ra, thân nhân của bà cũng bị công am mời làm việc, thông báo rằng bà sẽ bị khởi tố hình sự.
Các các báo viên LHQ nêu rõ rằng công an ở Việt Nam phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động để điều tra và đe doạ một số nạn nhân đã hồi hương này vì họ đã dám đứng lên đòi công lý.
Vào tháng 6 năm ngoái, bà H’Thái Ayun, nói với VOA rằng bà bị một quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh khiển trách sau khi đăng một video cầu cứu lên mạng xã hội vào đầu tháng 4.
Vào ngày 25/10/2021, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã gửi văn thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các trường hợp buôn người lao động sang Ả Rập Xê Út.
Ngày 4/3/2022, Việt Nam phản hồi văn thư này, nêu lên những vấn đề một cách chung chung về chính sách, về khung pháp luật của Việt Nam… Các chuyên gia LHQ lấy làm tiếc vì văn thư của Việt Nam “không trả lời một số câu hỏi, đặc biệt các câu hỏi có liên quan đến việc điều tra, khởi tố, trừng phạt các thủ phạm trong vai trò buôn phụ nữ và thiếu nữ”.
“Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, để ngăn chặn và đối phó với nạn buôn người liên quan đến công dân Việt Nam”, văn thư của Việt Nam viết.
Thư tố giác của nhóm công tác LHQ chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không được hăm doạ hoặc trả thù những người báo cáo vi phạm.