Đăng ngày: 19/07/2022
Hôm nay, 19/07/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đến Teheran, thủ đô Iran, dự cuộc họp thượng đỉnh Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như Syria và Ukraina là chủ đề trọng tâm cuộc họp ba bên, thì giới quan sát tại Pháp cũng đặc biệt chú ý đến việc nhân chuyến đi này, tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thể đúc kết một thỏa thuận mua hàng trăm thiết bị bay không người lái của Iran.
Đây là lần thứ hai nguyên thủ Nga có chuyến công du nước ngoài kể từ ngày Mátcơva khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraina. Cuộc họp thượng đỉnh này đặc biệt diễn ra chỉ ba ngày sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc vòng công du Trung Cận Đông, ghé thăm Israel, vùng lãnh thổ Palestine và Ả Rập Xê Út.
Về mặt chính thức, thượng đỉnh ba bên được tổ chức trong khuôn khổ tiến trình Astana, được khởi động từ năm 2017 với mục tiêu vãn hồi hòa bình cho Syria. Nhưng theo giới quan sát, dưới áp lực trừng phạt của phương Tây, Vladimir Putin đến Iran lần này còn nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là hợp tác quân sự với Teheran. Đây sẽ là trọng tâm cuộc gặp giữa tổng thống Nga với lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei.
Tờ L’Orient nhắc lại hồi trung tuần tháng Ba, Nga khẳng định đã được Hoa Kỳ bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Matxcơva sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa Nga với Iran. Do vậy, với mong muốn đi đến cùng cuộc chiến Ukraina, chủ nhân điện Kremlin rất có thể tìm cách sở hữu các loại drone chiến đấu (UAV) của Iran.
Hôm thứ Bảy, 16/7/2022, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng nhiều quan chức Nga đã đến thăm Iran ít nhất hai lần để thanh sát các drone chiến đấu mà Teheran sẽ phải cung cấp hàng trăm chiếc cho Nga. Cuộc thanh sát này diễn ra tại căn cứ không quân Kachan, cách thủ đô Teheran 200 km về phía nam. Vẫn theo Nhà Trắng thì việc chuyển giao thiết bị và huấn luyện sử dụng dường như đang diễn ra.
Nga – Ukraina : Cuộc chiến giữa các UAV trong tương lai ?
Nhiều nhà quan sát cho rằng, với sự hỗ trợ này từ Iran, cục diện trên chiến trường Ukraina trong những tháng sắp tới sẽ có những thay đổi quan trọng. Cố vấn an ninh Nhà Trắng nói đến những chiếc drone tự sát hơn là những thiết bị bay không người lái kiểu cổ điển có thể sử dụng nhiều lần như chiếc Bayraktar nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, hay MQ-1C Grey Eagle mà Washington từng nghĩ đến việc cung cấp cho Ukraina. Những thiết bị quân sự lợi hại giúp cho Ukraina cầm cự và tiến hành nhiều cuộc phản công hiệu quả đến nay.
Câu hỏi đặt ra : Một cường quốc quân sự lớn như Nga sao lại phải cầu viện đến Iran, vốn chỉ là một cường quốc khu vực ? Theo giải thích chuyên gia Vincent Tourret, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, với đài RFI, ưu điểm lớn nhất của những chiếc UAV made in Iran là có giá thành thấp, mà cũng khá hiệu quả, lại dễ sử dụng, độ chính xác tương đối cao, trong khi các UAV của Nga chỉ có thể dùng cho trinh sát. Nhưng theo quan điểm của ông Tourret, điều này cũng cho thấy « về mặt cơ bản, Nga khá bị chậm trễ trong việc chế tạo một loại UAV vừa có khả năng làm nhiệm vụ trinh sát vừa tiến hành tấn công. Rõ ràng Nga đang thiếu những thiết bị này và Iran có thể cung cấp cho họ. »
Giới quan sát lưu ý các loại UAV của Iran có thể gây ra những thiệt hại to lớn ngang ngửa với các loại tên lửa hành trình cổ điển như loại Kalibr 22 của Nga. Nếu đúng như những gì Nhà Trắng và giới chuyên gia ghi nhận, UAV của Iran rất có thể sẽ giúp Matxcơva tăng cường kho vũ khí đang có nguy cơ chạm ngưỡng đáng báo động trong bối cảnh Nga kêu gọi quân đội gia tăng oanh kích vào các kho vũ khí của Ukraina.
Về điểm này ông Vincent Tourret nhận định :
« Mỗi năm Nga sản xuất từ 50 đến khoảng 100 chiếc tên lửa. Người ta ước tính trong kho dự trữ Nga tổng cộng có chưa đầy 3.000 tên lửa. Nhưng kho này đang bị hao hụt dần, bởi vì hiện tại Nga phải dùng đến tên lửa chống hạm trong các cuộc tấn công trên bộ. Họ còn sử dụng cả tên lửa phòng không như S-300 để oanh kích các tòa nhà hay những nơi tập trung quân. Người ta nhận thấy kho tên lửa của Nga đang cạn dần. »
Đương nhiên, khi chọn mua UAV của Iran, Matxcơva có thể lấy lại lợi thế chiến lược trong một số lĩnh vực, tránh được các biện pháp trừng phạt và có thể tiếp tục đánh thẳng vào Ukraina mà không lo sợ phải bị quy trách nhiệm nếu trúng phải thường dân. Ngược lại, trong khi Trung Quốc phải chơi trò cân bằng giữa việc ủng hộ Matxcơva và lo sợ vướng vào các trừng phạt của phương Tây, thì Iran hoàn toàn được lợi khi có được một khách hàng lớn về vũ khí mà nước này phát triển với một sự năng lực ngày một lớn.