Đăng ngày: 20/07/2022
Ủy Ban Châu Âu dự kiến vào hôm nay, 20/07/2022, công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm cắt giảm nhu cầu khí đốt trong vài tháng tới và cảnh báo là các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có thể gặp khó khăn để có khí đốt trong mùa đông tới, nếu Nga ngưng xuất khẩu sang châu Âu.
Mục tiêu của Ủy Ban Châu Âu là cắt giảm sử dụng khí đốt để vượt qua mùa đông tới trong bối cảnh lượng khí đốt của Nga sụt giảm do tác động từ chiến tranh Ukraina. Trong năm 2020, Nga cung cấp khoảng 153 tỉ m3 cho Liên Âu, tương đương 40% lượng khí đốt tiêu thụ tại các nước của khối này. Theo dự thảo văn bản mà AFP có được, các biện pháp mà Bruxelles đề ra nhắm tới việc giảm tiêu thụ 25-60 tỉ m3 khí/năm, chủ yếu nhờ tiết kiệm khí đốt dùng trong hệ thống sưởi ấm, giảm khí đốt phục vụ ngành sản xuất điện và khí đốt dùng trong công nghiệp.
Còn hãng tin Reuters, dẫn một tài liệu sơ khởi của Bruxelles, cho biết Ủy Ban Châu Âu dự tính trước mắt đề xuất 27 nước thành viên tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt trong 8 tháng tới. Nếu tình hình nguy cấp hơn, Bruxelles có thể thông qua các biện pháp mang tính ràng buộc về pháp lý. Tài liệu nhấn mạnh đây là một tín hiệu gửi đến tất cả các công sở, người tiêu dùng, các hộ gia đình, các nhà quản lý các công trình nhà nước và các nhà cung cấp điện, để ngay từ giờ họ phải có các biện pháp mạnh và nhanh chóng để tiết kiệm khí đốt.
Ủy Ban Châu Âu khuyến cáo chính phủ các nước đưa ra những biện pháp tài chính để thúc đẩy các doanh nghiệp giảm tiêu dùng khí đốt, khuyến khích các ngành công nghiệp và nhà máy điện chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác và tổ chức các chiến dịch thông tin để khuyến khích người tiêu dùng giảm việc sửu dụng lò sưởi và máy điều hòa nhiệt độ.
Về phía Nga, tổng thống Putin ngày 19/07, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Teheran nhân thượng đỉnh Nga – Thổ – Iran, khẳng định công ty khí đốt Gazprom của Nga vẫn sẽ hoàn thành nghĩa vụ với các khách hàng. Một nguồn thạo tin cho Reuters biết từ thứ Năm 21/07, sau thời gian bảo trì thường niên, Gazprom sẽ tiếp tục chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1, nhưng giảm bớt 160 triệu m3/ngày.