July 20, 2022
Dù ở nơi xứ người, ông Tô Văn Lai luôn ấp ủ giấc mơ mở một hãng băng đĩa lớn và vẫn luôn đam mê nghiệp âm nhạc nên làm đủ mọi công việc để thực hiện ước mơ. Trong khi bà Thúy Nga mở một cửa hàng nhỏ để in sang các băng cũ, và tích cực đi phát cho cộng đồng người Việt, ông Lai làm ở một trạm xăng trong gần năm năm để tích góp tiền.
Giáo Sư Tô Văn Lai, người sáng lập Trung Tâm Thúy Nga và chương trình ca nhạc nổi tiếng hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night,” vừa qua đời lúc 11 giờ 5 phút sáng Thứ Ba, 19 Tháng Bảy, tại tư gia, sau một thời gian dài bị bệnh, hưởng thọ 85 tuổi.
Trên trang Facebook của mình, cô Marie Tô (Tô Ngọc Thủy), con gái Giáo Sư Tô Văn Lai và hiện là giám đốc điều hành Trung Tâm Thúy Nga, viết như sau: “Ba ơi! Ba đi gặp Tonton Lam Phương nhé. Con THƯƠNG Ba… Con rất hãnh diện con là con gái của Giáo Sư Tô Văn Lai. Tạ Ơn Chúa đã rước Ba đi thật bình yên. Amen.”
Ông Lai sinh ngày 12 Tháng Năm, 1937. Ông có tên Mỹ là To Lai Peter.
Vợ chồng Lai có hai người con, là cô Marie Tô và anh Tô Ngọc Kim.
Theo trang web thuynga.com của Thúy Nga Paris By Night, ông Lai cùng vợ, bà Thúy Nga, lập ra hãng băng đĩa chuyên bán băng nhựa và băng cassette mang tên Thúy Nga ở Sài Gòn năm 1972. Tiệm nằm trong thương xá Tam Đa (Crystal Palace) ở khu đường Nguyễn Trung Trực – Công Lý – Lê Lợi.
Hãng cho ra băng nhạc một thời gian thì dừng lại sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.
Gia đình ông ở lại Sài Gòn cho đến năm 1976 thì vượt biên sang Paris, Pháp, mang theo băng đĩa mà họ có.
Được biết, dù ở nơi xứ người, ông Lai luôn ấp ủ giấc mơ mở một hãng băng đĩa lớn và vẫn luôn đam mê nghiệp âm nhạc nên làm đủ mọi công việc để thực hiện ước mơ. Trong khi bà Thúy Nga mở một cửa hàng nhỏ để in sang các băng cũ, và tích cực đi phát cho cộng đồng người Việt, ông Lai làm ở một trạm xăng trong gần năm năm để tích góp tiền.
Sau khi tạm đủ tiền, ông đến gặp Euro Media Production, công ty phát thanh truyền hình tại Pháp là để nhờ quay băng video “Paris By Night” đầu tiên. Thời gian đó, ông Lai và bà Thúy Nga tập hợp các ca sĩ, nhạc sĩ tha hương để làm chương trình ca nhạc. Năm 1983, số đầu tiên “Paris By Night” được sản xuất tại Paris, cho đến số 22.
Từ số 23, nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả, “chương trình bắt đầu vươn ra thế giới,” theo trang web thuynga.com.
Sản phẩm âm nhạc thành công nhất của Thúy Nga là chương trình đại nhạc hội “Paris By Night” bao gồm hầu hết các thể loại tân nhạc, nhạc vàng, cổ nhạc, múa, sau bổ túc thêm hài kịch, phóng sự, nhạc chủ đề…và quy tụ nhiều ca sĩ lừng danh hải ngoại
Khoảng cuối thập niên 1990 và những năm 2000 là thời kỳ đỉnh cao của Trung Tâm Thúy Nga khi mỗi năm phát hành đến năm chương trình “Paris by Night” chưa kể các đĩa ca nhạc của các ca sĩ thuộc trung tâm.
Một đại nhạc hội của Thúy Nga có thể tốn đến cả triệu đô la chi phí sản xuất để có một chương trình hoàn hảo và mãn nhãn nhất cho khán giả.
Sau này, tình trạng băng đĩa lậu và sự phát triển của công nghệ và Internet làm doanh số các băng DVD có phần sụt giảm.
Vào thời kỳ COVID-19, các chương trình ca nhạc gần như đình trệ, nhiều trung tâm ca nhạc hải ngoại phải đóng cửa, duy chỉ có Thúy Nga là còn trụ lại và vẫn tổ chức đại nhạc hội hàng năm.
Theo trang thuy-nga-paris-by-night.fandom, gia đình ông Lai từng mong ông trở thành bác sĩ, nhưng do điều kiện kinh tế nên cho ông chuyển sang ngành sư phạm. Sau khi ra trường, ông dạy học tại trường nữ sinh Lê Ngọc Hân tại Mỹ Tho.
Ngoài việc giảng dạy và luyện thi tú tài cho các học sinh trung học đệ nhị cấp ở Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian đó, ông còn phụ trách tuyển chọn nhạc cho chương trình Văn Nghệ Phát Thanh Học Đường hàng tuần.
(Theo Người Việt)