Đăng ngày: 20/07/2022
Sri Lanka đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị chưa từng có trong lịch sử đảo quốc 22 triệu dân này. Bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhiên liệu, người dân Sri Lanka trong hơn ba tháng đã nổi dậy lật đổ chế độ gia đình trị của tổng thống Rajapaksa, đã đẩy đất nước rơi vào khánh kiệt. Đó cũng là chế độ có những mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc,
Hơn 100 ngày qua đất nước Sri Lanka đã sôi sục với phong trào biểu tình chống chính phủ của dân chúng. Gia đình nhà Rajapksa, cầm quyền từ 2005, bị người dân coi là phải chịu trách nhiệm chính để nền kinh tế sụp đổ. Từ hôm 12/04, Sri Lanka đã mất hết khả năng chi trả các khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ đô la. Trong số đó, có khoảng 10% là của chủ nợ Trung Quốc, nước mà từ 15 năm qua đã có quan hệ khăng khít với gia tộc cầm quyền Rajapaksa.
Bắc Kinh đã nhìn ra được vị trí chiến lược của hòn đảo Sri Lanka trong vùng Ấn Độ Dương. Giáo sư Harsh V.Pant, phó chủ tịch Quỹ Quan Sát Nghiên Cứu – l’Observer Research Foundation (ORF) tại New Delhi (Ấn Độ) giải thích trên nhật báo Pháp Le Journal du Dimanche : « Trung Quốc lâu nay đã tìm một lối vào Ấn Độ Dương và Sri Lanka có một vị trí chiến lược cho con đường tơ lụa mới của họ ».
Về truyền thống, Sri Lanka vốn có nhiều quan hệ gần gũi với Ấn Độ, nhưng năm 2009, sau cuộc nội chiến đánh thắng lực lượng Hổ Tamoul theo Ấn Độ Giáo, đất nước này đã nhanh chóng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Ban đầu, Bắc Kinh đã cung cấp cho chính quyền của tổng thống Mahinda Rajapaksa vũ khí. Trung Quốc sau đó đã đầu tư mạnh hơn, trước tiên là vào các quan hệ với gia đình Rajapaksa. Ngoài việc cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của những người trong gia tộc Rajapaksa, Trung Quốc đã dồn dập đầu tư vào các dự án lớn ở Sri Lanka, từ sân bay quốc tế, khu phố tài chính ở Colombo, hay hải cảng Hambantota.
Vẫn theo chuyên gia Harsh, các đầu tư trên không phục vụ phúc lợi trực tiếp cho người dân Sri Lanka. Cách thức đầu tư bằng cách cho vay đã đóng vai trò gián tiếp gây ra khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hầu hết các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế. Không có khả năng trả nợ vay, dần dần chính phủ Sri Lanka đã buộc phải nhượng lại cho người Trung Quốc các cơ sở hạ tầng đó và vô hình chung đã mở rộng cửa để Trung Quốc có được sự hiện diện trong vùng dất chiến lược này. Đó chính là cái mà giới quan sát thời gian qua vẫn thường gọi là « bẫy nợ Trung Quốc » mà Sri Lanka bị rơi vào.
Dù những biến động ở Sri Lanka là một mối nguy cơ không nhỏ cho các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ Dương, nhưng từ đầu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh vẫn kín đáo theo dõi, chưa tỏ động thái nào rõ rệt. Lý do được chuyên gia Harsh V.Pant phân tích : « Trung Quốc rất lo cho hình ảnh của mình. Họ không muốn đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng này. Họ không muốn bị coi là đồng lõa với gia đình nhà Rajapaksa ». Giờ đây mọi phẫn nộ đổ lên phe cánh nhà Rajapaksa và hình ảnh của Trung Quốc cũng bị hoen ố nhiều trong cái nhìn của người dân Srilanka.
Tất nhiên việc Sri Lanka bị phá sản có những nguyên nhân chủ yếu từ nội tình đất nước : quản lý kém, tham nhũng và những yếu tố liên quan đến lịch sử chính trị của đất nước này từ nhiều thập kỷ qua… Nhưng cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm như hiện nay ít nhiều bắt nguồn sự lệ thuộc của Colombo vào Bắc Kinh, theo phần đông giới quan sát.
Nay Sri Lanka đã có tổng thống mới, nhưng đó lại là một thủ tướng dưới thời của chế độ nhà Rajapaksa vừa bị nhân dân vùng lên lật đổ. Không có gì bảo đảm Sri Lanka sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, nhất là khi Trung Quốc đã cắm chân khá sâu ở mảnh đất này.