Trung Quốc tìm cách ngăn Cao uỷ nhân quyền LHQ công bố phúc trình Tân Cương

20/07/2022


\"Cảnh
Cảnh sát canh giữ bên ngoài Trung tâm Giam giữ Urumqi số 3 tại Dabancheng ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trung Quốc yêu cầu người đứng đầu nhân quyền của Liên hiệp quốc ém nhẹm một báo cáo mà mọi người đang trông chờ về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, theo một văn thư của Trung Quốc mà Reuters nhìn thấy và được xác nhận bởi các nhà ngoại giao từ ba nước đã nhận được thư.

Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet bị chỉ trích dữ dội từ giới xã hội dân sự vì quá mềm mỏng với Trung Quốc trong chuyến thăm hồi tháng 5 và sau đó bà loan báo sẽ không ứng cử nhiệm kỳ thứ nhì vì lý do cá nhân.

Nhưng trước khi mãn nhiệm vào cuối tháng 8, bà đã cam kết sẽ công bố một phúc trình về vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc. Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức hàng loạt trong các trại giam giữ. Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc này.

Văn thư của Trung Quốc bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về phúc trìnhTân Cương và nhắm mục đích chặn đứng việc công bố phúc trình này, theo bốn nguồn tin gồm ba nhà ngoại giao và một chuyên gia về nhân quyền, tất cả đều ẩn danh. Họ cho biết Trung Quốc đã bắt đầu lưu hành văn thư này giữa các phái bộ ngoại giao ở Geneva từ cuối tháng 6 và yêu cầu các nước ký vào để thể hiện sự ủng hộ.

“Đánh giá (về Tân Cương), nếu được công bố, sẽ tăng cường chính trị hóa và đối đầu giữa các khối trong lĩnh vực nhân quyền, làm suy yếu uy tín của OHCHR (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền) và làm tổn hại sự hợp tác giữa OHCHR với các quốc gia thành viên”, văn thư nói, đề cập đến văn phòng của bà Bachelet.

“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi bà Cao ủy chớ công bố bản đánh giá đó.”

Ông Liu Yuyin, phát ngôn viên của phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Geneva, không đáp câu hỏi rằng có chuyện gửi ra văn thư này hay không và nội dung của thư ra sao.

Ông Liu nói gần trăm nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương “và phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc nhân danh nhân quyền.”

Vẫn theo lời ông, sự ủng hộ đó được thể hiện thông qua các tuyên bố công khai tại phiên họp cuối cùng của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kết thúc ngày 8 tháng 7, và thông qua “bức thư chung”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng bà Bachelet được chứng kiến một “Tân Cương thực sự với một xã hội an toàn và ổn định” khi bà đến thăm khu vực này trong chuyến công du vào tháng 5 tới Trung Quốc.

Phát ngôn viên này nói những nỗ lực của một số nước nhằm “bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc” bằng cách sử dụng vấn đề Tân Cương sẽ không thành công.

Không rõ liệu bà Bachelet có nhận được bức thư vừa kể hay không và phát ngôn viên của OHCHR từ chối bình luận về vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói phúc trình Tân Cương đang được hoàn thiện trước khi công bố rộng rãi, điều này bao gồm cả thông lệ tiêu chuẩn là chia sẻ một bản sao với Trung Quốc để lấy ý kiến.

Phúc trình sẽ đề cập đến việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số Uyghur. Một nhóm các chuyên gia về nhân quyền đã bắt đầu thu thập bằng chứng cho phúc trình hơn ba năm trước nhưng việc công bố đã bị trì hoãn trong nhiều tháng vì những lý do không rõ ràng.

Reuters không thể xác định lá thư của Trung Quốc đã nhận được bao nhiêu chữ ký.

Một phiên bản khác của bức thư mà Reuters thấy được có nội dung chỉ trích nhiều hơn đối với hành động của bà Bachelet, nói rằng phúc trình Tân Cương được thực hiện “không có sự ủy quyền và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ OHCHR” và sẽ làm giảm uy tín cá nhân của bà.

Không rõ ai đã chỉnh sửa lá thư và vì sao. Nhà ngoại giao đã ký vào bức thư cho biết phiên bản nhẹ giọng hơn là phiên bản chung cuộc.

Vận động trực tiếp

Trung Quốc, giống như các quốc gia khác, đôi khi tìm cách tăng cường sự ủng hộ cho các tuyên bố chính trị của mình trong hội đồng nhân quyền có trụ sở tại Geneva thông qua các bản ghi nhớ ngoại giao mà những nước khác được yêu cầu ủng hộ.

Những điều này đôi khi có thể ảnh hưởng đến các quyết định của Hội đồng 47 thành viên. Quyết định của Hội đồng không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng có thể cho phép điều tra các vi phạm bị nghi ngờ.

Hai trong số các nhà ngoại giao Geneva nói bức thư của Trung Quốc là một ví dụ hiếm hoi về bằng chứng về việc Bắc Kinh đang tìm cách trực tiếp vận động bà Bachelet. Đôi khi, họ nói, các nước khó nói không với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền, do có quan hệ kinh tế chặt chẽ.

Bản ghi nhớ được đưa ra vào một thời điểm quan trọng đối với cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc trong vài tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của bà Bachelet mà vẫn chưa có người kế nhiệm nào được đề cử. Bà Bachelet, 70 tuổi, sẽ rời nhiệm sở vào ngày 31 tháng 8 năm nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment