Phương Tây cấm vận công nghệ đẩy Nga phụ thuộc vào Trung Quốc

Phương Tây cấm vận công nghệ đẩy Nga phụ thuộc vào Trung Quốc

Đăng ngày: 22/07/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 18/07/2022. via REUTERS – SPUTNIK

Thu Hằng

Nga đang phải đối phó với những khó khăn « khổng lồ » trong ngành công nghệ cao do các lệnh cấm vận của phương Tây trừng phạt Matxcơva tấn công Ukraina. Trong cuộc họp ngày 18/07/2022, tổng thống Vladimir Putin đã phải thừa nhận « đó là một thách thức rất lớn » và Nga chưa có giải pháp thay thế trước mắt.

Theo cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov, hiện là nhà đối lập với chính quyền Matxcơva, « phải đưa Nga trở về thời đồ đá » thì mới có thể khiến ông Putin chùn bước. Chiến lược « dài hơi » của phương Tây bắt đầu mang lại kết quả, đồng thời cho thấy điểm yếu của Nga khi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ của phương Tây và châu Á.

Nga trả giá vì chỉ tập trung khai thác nhiên liệu

Trước tiên, các tập đoàn nước ngoài rời khỏi nước Nga hoặc dừng hoạt động đã đình chỉ việc bảo hành kỹ thuật cho khách hàng cá nhân (điện thoại, máy tính của Apple, hệ thống viễn thông Cisco, thị trường ứng dụng điện thoại thông minh, hay các hệ điều hành như Windows). Doanh nghiệp Nga gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp thay thế cho các đám mây (cloud), chương trình lưu trữ trước đây vẫn dùng của các doanh nghiệp Mỹ. Những doanh nghiệp Nga (Yandex, VK Cloud Solutions) hoạt động trong lĩnh vực này không có đủ khả năng tiếp nhận hết thị trường bỏ ngỏ. Thêm vào đó, việc các nhà cung cấp linh kiện Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển rời khỏi Nga cũng khiến Nga không thể triển khai mạng 5G.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là Nga không mua được chip điện tử của các tập đoàn như Intel, Samsung, TSMC, Qualcomm…, trong khi đây là linh kiện cần thiết cho mọi loại sản phẩm, từ gia dụng đến công nghiệp và quân sự. Sự phụ thuộc hoàn toàn này cho thấy điểm yếu của Nga khi chỉ tập trung vào khai thác nhiên liệu, có thể thấy qua danh sách 20 doanh nghiệp hàng đầu của Nga đều hoạt động trong lĩnh vực này, trừ ngân hàng Sberbank.

Tóm lại, theo nhà phân tích Michael Lambert, văn phòng Pinkerton ở Dublin (Ireland), khi trả lời trang Atlantico ngày 09/06, Nga có khả năng phát triển nhiều ngành công nghệ, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, trong khi lại thiếu kiến thức để thương mại hóa hoặc sản xuất ở quy mô lớn và không có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.

Chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ

Một khó khăn khác mà Nga phải đối mặt là chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ. Nga có đội ngũ hùng hậu kĩ sư phần mềm và các nhà lập trình web nổi tiếng thế giới, nhưng do thiếu công cụ làm việc và đối tác, rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã ra nước ngoài. Vào cuối tháng Ba, nhật báo New York Times trích thông tin từ một tập đoàn Nga cho biết khoảng từ 50.000 đến 70.000 nhân viên của lĩnh vực công nghệ cao đã di cư, khoảng 100.000 người khác được cho là sẽ theo bước. 

Tình hình nghiêm trọng này được phản ánh phần nào qua phát biểu hồi tháng Tư của thủ tướng Mikhail Mishustin, khi ông kêu gọi nhân viên ngành công nghệ giúp đỡ đất nước phát triển « hệ sinh thái công nghệ riêng », đồng thời hứa tạo mọi điều kiện ưu đãi để giữ chân đội ngũ này. Trong bài diễn văn hôm 18/07, tổng thống Putin cho rằng Nga thiếu khoảng 1 triệu cán bộ công nghệ ngay từ năm 2024.

Thị trường Nga sẽ ngập hàng Trung Quốc ?

Thực vậy, theo nhận định của nhà nghiên cứu Julien Nocetti, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nga của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), được tuần báo L’Express trích dẫn, « những biện pháp trừng phạt đó (của phương Tây) cản trở mạnh mẽ việc cập nhật phần mềm và xây dựng thiết bị như tên lửa siêu thanh, tầu ngầm, hệ thống phòng chống tên lửa, robot quân sự hay xe tăng tự hành. Điều này cũng sẽ làm trì trệ việc nâng cấp của quân đội Nga, trong khi đó là mục tiêu mà ông Putin theo đuổi từ một thập niên nay ».

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không « buông tay ». Biện pháp trước mắt là cho phép nhập khẩu những sản phẩm không cần thỏa thuận sở hữu trí tuệ. Thị trường Nga sẽ tràn ngập hàng gia dụng Trung Quốc, vì theo chuyên gia Michael Lambert, các thương hiệu Trung Quốc sẽ thế chỗ những doanh nghiệp phương Tây tại Nga với những sản phẩm được bán trên thế giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn (không gian, công nghệ sinh học, công nghệ robot…), Bắc Kinh chưa sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cũng không xuất khẩu chip điện tử cho Nga vì còn phục vụ thị trường nội địa.

Cuối cùng, theo ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng DCA Chine-Analyse, Bắc Kinh phải cân nhắc đối đầu trực tiếp với phương Tây, vì « hiểu rõ nguy cơ cả châu Âu đoàn kết chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh tỏ ra quá xích gần với Matxcơva. Trong khi đối với Trung Quốc, thị trường châu Âu mang ý nghĩa chiến lược hơn là thị trường Nga, vì Nga hiện chỉ chiếm 2% khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment