Đăng ngày: 24/07/2022
Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 23/07/2022, Bắc Kinh chuẩn bị bố trí các lực lượng cứu hộ thường trực và cơ sở quản lý hàng hải trên một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đang tranh chấp.
Trích dẫn thông tin từ đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, báo mạng Hồng Kông cho biết là Trung Quốc sẽ phái thêm một đội phi cơ cùng các nhân viên hành chánh và cứu hộ ra hoạt động thường trực trên đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất hiện do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa.
Quyết định này sẽ biến việc triển khai tàu cứu hộ trong khu vực, cho đến nay được thực hiện theo yêu cầu, thành một cơ chế hiện diện thường trực, cho phép cải thiện đáng kể việc giám sát khu vực phía nam Biển Đông.
Phi đội Dich Vụ Biển Đông số 2 mới được bộ Giao Thông Vận Tải Trung Quốc thành lập sẽ đóng quân ở Trường Sa, đảm nhận nhiệm vụ cứu hộ mà trước đây do các máy bay bay từ các căn cứ trên đất liền hoặc đảo Hải Nam thực hiện.
Ba bãi đá ngầm được chọn để bố trí các cơ sở thường trực đều chiếm các vị trí trọng yếu ở Trường Sa, và đều là nơi có các đơn vị quân đội đồn trú, có những bến cảng lớn và một phi đạo dài đủ cho các loại phi cơ cỡ lớn hạ cánh.
SCMP cũng trích dẫn Tân Hoa Xã, khẳng định rằng việc bố trí cơ sở và lực lượng thường trực tại vùng quần đảo Trường Sa là một “bước tiến cụ thể của Trung Quốc nhằm cung cấp tốt hơn các dịch vụ công ích cho cộng đồng quốc tế và tích cực thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình”.
Tuy nhiên, theo chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hành động này cũng phục vụ ý đồ khống chế Biển Đông của Bắc Kinh. Tờ báo Hồng Kông nhắc lại một bài viết vào năm 2018 của một giáo sư thuộc Đại Học Hàng Hải Đại Liên, cho rằng việc nâng cao năng lực tìm kiếm và cứu nạn ở Biển Đông, có thể giúp tăng cường “sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp và tăng cường quyền thống trị của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông”.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông theo cái mà họ gọi là \”đường chín đoạn lịch sử\”, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền đối với một số hoặc toàn bộ các đảo. Bắc Kinh đã phủ nhận giá trị của phán quyết năm 2016 cua Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, theo đó các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.