9 giờ trước
Các nhà chức trách quân sự Myanmar đã hành quyết bốn nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc giúp tiến hành \”các hành vi khủng bố\”, Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Myanmar hôm thứ Hai, 25/7.
Đây trở thành vụ hành quyết đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này trong suốt nhiều thập kỷ. Hành động này đang bị cộng đồng quốc tế lên án.
Bị kết án tử hình hồi tháng Giêng trong một phiên xử kín, bốn người đàn ông này đã bị buộc tội giúp dân quân chống lại quân đội – lực lượng giành chính quyền trong cuộc đảo chính năm ngoái và mở cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người đối kháng.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) – chính quyền của lực lượng đối lập, bị chính quyền quân sự cầm quyền đặt ngoài vòng pháp luật, đã lên án các vụ hành quyết được báo cáo.
Người phát ngôn của văn phòng chủ tịch NUG, ông Kyaw Zaw, nói với Reuters qua tin nhắn: \”Vô cùng đau buồn … lên án sự tàn ác của quân đội. Cộng đồng quốc tế phải trừng phạt sự tàn độc của chúng.\”
Trong số những người bị hành quyết có nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với cái tên Jimmy, và người từng là nhà lập pháp kiêm nghệ sĩ hip-hop Phyo Zeya Thaw, tờ Global New Light của Myanmar đưa tin.
Kyaw Min Yu, 53 tuổi và Phyo Zeya Thaw, đồng minh 41 tuổi của nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ Aung San Suu Kyi, đã thua trong phiên phúc thẩm vào tháng Sáu vừa qua. Hai người khác bị hành quyết là Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw.
Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, nói: \”Tôi vô cùng phẫn nộ và đau lòng trước tin tức về việc quân đội Myanmar hành quyết những người yêu nước và đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ\”.
\”Trái tim tôi hướng về gia đình, bạn bè và những người thân yêu của họ, và là tất cả những người dân ở Myanmar, những người đang là nạn nhân của những hành động tàn bạo ngày càng leo thang của quân đội … Những hành vi đồi bại này phải là một bước ngoặt đối với cộng đồng quốc tế.\”
Thazin Nyunt Aung, vợ của Phyo Zeyar Thaw, cho biết cô chưa được thông báo gì về vụ hành quyết chồng mình. Reuters chưa liên hệ được với các thân nhân khác để đề nghị bình luận về vụ việc.
Những người đàn ông này đã bị giam giữ trong nhà tù Insein có từ thời thuộc địa. Một nguồn tin của Reuters cho biết gia đình họ đã đến thăm nhà tù vào thứ Sáu tuần trước. Người này cho biết chỉ có một người thân được phép nói chuyện với những người bị giam giữ qua Zoom.
Truyền thông nhà nước Myanmar hôm thứ Hai đưa tin các vụ hành quyết đã diễn ra và người phát ngôn của quân đội, Zaw Min Tun, sau đó đã xác nhận vụ hành quyết với Đài Tiếng nói Myanmar. Cả hai đều không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về thời điểm các vụ hành quyết xảy ra.
Các vụ hành quyết trước đây ở Myanmar đã được thực hiện bằng cách treo cổ.
Một nhóm hoạt động, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), cho biết các án tử cuối cùng của Myanmar là vào cuối những năm 1980.
Quốc tế lên án
Tháng trước, phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun bảo vệ cho án tử hình, nói rằng án tử là chính đáng và được sử dụng ở nhiều quốc gia.
\”Ít nhất 50 thường dân vô tội, không gồm lực lượng an ninh, đã chết vì họ,\” ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
\”Sao có thể nói đây không phải là công lý?\” ông này chất vấn. \”Các hành động bắt buộc cần được thi hành trong những thời điểm cần thiết.\”
Các bản án đã thu hút sự lên án của quốc tế, với hai chuyên gia Liên Hợp Quốc gọi việc này là một \”nỗ lực đê hèn trong việc gieo rắc nỗi sợ hãi\” cho người dân.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hồi tháng Sáu đã gửi thư kêu gọi lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing không tiến hành các vụ hành quyết, truyền đi mối quan ngại sâu sắc từ các nước láng giềng của Myanmar.
Quân đội cầm quyền của Myanmar đã lên án các tuyên bố của nước ngoài về lệnh hành quyết, gọi đó là \”Khinh suất và can thiệp\”.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm ngoái, với xung đột lan rộng trên khắp cả nước sau khi quân đội trấn áp hầu hết các cuộc biểu tình ôn hòa ở các thành phố.
AAPP cho biết hơn 2.100 người đã bị lực lượng an ninh sát hại kể từ cuộc đảo chính, nhưng chính quyền quân đội nói rằng con số này đã bị phóng đại.
Khó có thể đánh giá được bức tranh thực sự của bạo động khi các cuộc đụng độ đã lan rộng đến các khu vực xa xôi hơn, nơi các nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số cũng đang chiến đấu với quân đội.
Thứ Sáu tuần trước, Tòa án Thế giới đã bác bỏ phản đối của Myanmar đối với một vụ án diệt chủng – liên quan đến cách chính quyền quân đội Myanmar đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, mở đường cho một phiên tòa xét xử vụ án này.
Nhà phân tích người Myanmar, Richard Horsey, thuộc nhóm CRISIS Quốc tế, cho biết các vụ hành quyết mới nhất sẽ khép lại mọi cơ hội chấm dứt tình trạng bất ổn.
\”Mọi khả năng đối thoại để chấm dứt khủng hoảng do cuộc đảo chính gây ra hiện đã bị loại bỏ,\” Horsey nói với Reuters.
\”Chế độ này đang thể hiện rằng họ sẽ làm những gì họ muốn và không nghe theo bất kỳ ai. Họ coi đây là một cuộc phô trương sức mạnh, nhưng nó có thể là một tính toán sai lầm nghiêm trọng.\”
Quyền Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Elaine Pearson, nhận định rằng các vụ hành quyết này nhằm mục đích triệt tiêu phong trào biểu tình chống đảo chính.
Bà Pearson nói: \”Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các chính phủ khác nên cho chính quyền quân sự này thấy rằng tội ác của họ sẽ bị phán xét.
\”Các chính phủ nên yêu cầu các biện pháp ngay lập tức, bao gồm trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, và cho chính quyền quân đội Myanmar biết những hành động tàn bạo mà họ gây ra sẽ để lại hậu quả.\”