Đăng ngày: 25/07/2022
Trong vòng 4 ngày, từ ngày 25-29/07/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du ba nước Tây Trung Phi là Cameroun, Benin và Guinea-Bissau. Mục tiêu là nhằm « đổi mới » các mối quan hệ đối tác quân sự tại châu lục này, để có thể trụ được trong cuộc cạnh tranh chiến lược kịch liệt giữa các cường quốc, đi đầu là Nga.
Điện Elysée nhấn mạnh chuyến công du châu Phi này của Emmanuel Macron sẽ là dịp Paris tái khẳng định « cam kết đổi mới mối quan hệ của Pháp với châu lục », trong bối cảnh châu Phi, đặc biệt là Trung Phi – từng được xem là « sân sau » của Pháp trong nhiều thập niên – ngày càng trở nên « toàn cầu hóa », mở rộng cạnh tranh chính trị, kinh tế cho nhiều đối thủ khác của Pháp như Trung Quốc hay Đức, và đặc biệt là Nga.
Trước đà mất dần ảnh hưởng trong khu vực, Paris nhìn nhận cần phải « khẩn cấp » tái đầu tư vào khu vực, đặc biệt là Cameroun, quốc gia Trung Phi có một vị trí chiến lược, nhưng lại có một mối quan hệ phức tạp với Paris, do những bất đồng về vấn đề Nhà nước pháp quyền. Điều này giải thích vì sao nguyên thủ Pháp đã chọn Cameroun làm chặng dừng đầu tiên. Nhà báo Antoine Glaser, chuyên gia về châu Phi, trên đài RFI nhắc lại hồi tháng 4/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Cameroun đã bay đến Matxcơva để ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới với Nga.
Ngoài những vấn đề an ninh khu vực và chống khủng bố, sự hiện diện của lính đánh thuê thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, cánh tay phải của điện Kremlin, một « công cụ của quyền lực mềm » của Nga tại châu Phi, cũng là một thách thức lớn cho Paris. Việc Pháp bị tập đoàn quân sự cầm quyền ở Mali đuổi đi hồi năm 2020 là một ví dụ điển hình. Matxcơva cam kết cung cấp một « dịch vụ bảo đảm an ninh » chống đảo chính và hỗ trợ tư pháp để bảo đảm cho sự trường tồn của chế độ, mà không đưa ra những điều kiện về nhân quyền và dân chủ, như Paris hay các nước phương Tây đòi hỏi.
Do vậy, vẫn theo nhà báo Glaser, chuyến công du này của nguyên thủ Pháp còn nhằm mục tiêu ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng của Nga tại khu vực. Tuy nhiên, trang mạng thông tin Huffington Post lưu ý, trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng này, Nga đang tiến xa một bước trong cuộc chiến thông tin khi khai thác lá bài « chống Pháp » do nhiều vấn đề liên quan đến quá khứ thuộc địa.
Ý thức được những thách thức to lớn đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron với sự tháp tùng của ngoại trưởng Catherine Colonna và bộ trưởng Quốc Phòng Sebastien Lecornu, nhân chuyến công du châu Phi lần này, sẽ trình bày một học thuyết mới trong hợp tác quân sự, phối hợp nhiều yếu tố như các lực lượng quân sự linh hoạt hơn, kín đáo hơn, nhằm để ít lại dấu ấn hơn và làm đối trọng với các tham vọng của Nga trước khi quá trễ.
Cuối cùng, chuyến đi này của nguyên thủ Pháp diễn ra trong bối cảnh Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina, dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực tại châu Phi. Reuters lưu ý, trong cuộc chiến này, các nước châu Phi không có cùng một quan điểm với phương Tây. Hầu hết các nước đều tỏ ra trung lập, không lên án Nga.
Ngẫu nhiên hay không, chuyến công du các nước Trung Phi của nguyên thủ Pháp trùng khớp với thời điểm ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov bắt đầu chuyến thăm ba nước Đông Phi là Ai Cập, Ethiopia và Ouganda, những nước mà mối quan hệ với phương Tây ngày càng bị xuống cấp, ngoại trừ Ai Cập, đang tìm cách dung hòa các mối quan hệ sâu sắc của mình với Nga và mối liên hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Chuyến thăm ba nước Đông Phi của ông Lavrov diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm cách cô lập Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc do cuộc chiến xâm lược Ukraina.