2022.07.25
Ông Nguyễn Ngọc Ánh tại phiên toà ở Bến Tre hôm 6/6/2019
Thân nhân của kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh, người đang bị giam giữ tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, vừa cho biết ông này bị đàn áp vì đấu tranh để yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Nguyễn Thị Châu, vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh, cho biết bà nghe tin về chồng mình thông qua mẹ của tù nhân Huỳnh Đức Thanh Bình, người cùng bị giam cùng trại giam với ông Ánh:
“Bởi vì mỗi lần anh em ở trong trại mà có người đi thăm, chị em thường gửi nhau đồ ăn; buổi chiều khi chị ấy đi về thì tôi mới gọi hỏi, thì chị Huệ nói là em sắp xếp công việc lên thăm Ánh đi, Bình không dám nói nhiều nhưng có nói là Ánh mới toạ kháng một ngày, ngồi một ngày trời trước cửa buồng giam, Bình nó sợ bị cúp máy nên không dám nói tiếp.”
Phóng viên đài RFA đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của tù nhân chính trị Huỳnh Đức Thanh Bình, và được bà xác nhận là đã tới trại giam Xuân Lộc hôm 13 tháng 7 và được báo tin về tình hình của ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị.
Theo phản ánh của người nhà thì nhóm tù chính trị được chia ra giam giữ ở hai dãy phòng giam, một cũ và một mới.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh và một vài người khác được cho là bị giam ở dãy phòng cũ, nơi có điều kiện chật hẹp và ẩm thấp, khiến cho sức khoẻ bị suy giảm. Đây cũng là lý do ông Ánh tiến hành phản đối, theo lời bà Châu:
“Anh toạ kháng là vì cái phòng quá nhỏ. Họ xây hai dãy phòng, dãy sau này thì ba người ở vẫn rộng nhưng nó cho ở hai hay ba phòng thôi, còn một dãy thì đóng cửa lại. Mà dưới cái dãy phòng từ xưa tới giờ bị ẩm ướt và thấp thì nó cho mình ở, nhưng là để đày đoạ mình vậy đó.
Mà anh em thì người nào cũng bị đau xương khớp, rồi vì nó chật chội và ẩm ướt nên sinh ra nhiều bệnh tật, rồi bị ghẻ nữa, anh em cũng bị đau răng.”
Bà Châu cũng cho biết là dù ông Ánh đã nhiều lần làm đơn đề nghị chuyển buồng giam cho bản thân ông và những tù nhân chính trị khác, nhưng phía trại giam vẫn không đáp ứng. Chính vì thế đã dẫn đến cuộc toạ kháng để rồi bị đàn áp.
“Bữa đó anh bệnh quá, chịu không nổi nữa thì tranh thủ lúc giờ nấu cơm họ mở cửa cho mình ra cái phòng đằng trước có cái bếp để mình tự nấu ăn, cái là anh tranh thủ cái giờ đó anh gom hết đồ ra anh ngồi ngay chỗ đó. Anh không đi vô cũng không đi đâu hết, ngồi đúng một chỗ đó một ngày trời.
Thì tới buổi chiều nghe anh nói là họ đưa khoảng ba, bốn chục công an vô, và họ mang theo bốn con chó nghiệp vụ vô, rồi họ lôi anh đi cùng với đồ đạc, tống vào phòng số 11 cách phòng cũ ba phòng.”
Dù đã được chuyển phòng nhưng theo bà Châu thì điều kiện giam giữ của ông Ánh vẫn không cải thiện, vì phòng giam mới vẫn nằm ở dãy nhà giam cũ.
Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã gọi vào số điện thoại công khai của Trại giam Xuân Lộc nhiều lần để xác minh thông tin, nhưng không ai nhấc máy.
Đây không phải là lần đầu tiên các tù nhân chính trị ở trại giam này phản đối điều kiện giam giữ.
Hồi tháng 6 năm 2022, người thân của tù nhân chính trị Phạm Chí Dũng cho biết ông ngừng nhận cơm từ trại giam để biểu tình phản đối việc nhiều tù nhân chính trị bị giam ở đây bị đau răng khiến ăn uống khó khăn và khuôn mặt bị sưng đỏ, sức khoẻ suy kém nhưng không được chăm sóc y tế.
Trước đó, hồi tháng 10 năm 2021, tám tù nhân chính trị, trong đó có các ông Nguyễn Ngọc Ánh, Huỳnh Đức Thanh Bình, và Nguyễn Văn Đức Độ cũng đã tổ chức biểu tình dưới hình thức từ chối nhận cơm, để phản đối việc bị nhốt trong buồng giam 24/7 trong nhiều tháng liên tiếp.
Kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre hôm 6/6/2019 tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế về tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Tòa phúc thẩm vào ngày 7/11 cùng năm y án sơ thẩm. Theo truyền thông trong nước thì ông Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ các tin, bài ‘phản động’ nhằm nói xấu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh. Tuy nhiên, theo Human Rights Watch thì các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh là về các vấn đề điển hình thu hút quan tâm của các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, nạn hủy hoại môi trường do nhà máy Formosa gây nên kể từ tháng 4 năm 2016, tình trạng thiếu tự do trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của các tù chính trị.