8 giờ trước
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/7 phát biểu rằng Biển Đông không phải là một \”vườn thú\” cho các nước ngoài khu vực hay một \”đấu trường\” để các cường quốc cạnh tranh, Reuters đưa tin.
\”Vấn đề Biển Đông nên được xử lý bởi chính các nước trong khu vực,\” ông Vương Nghị nói thêm tại hội thảo trực tuyến nhân 20 năm ngày ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một bản hướng dẫn về việc xử lý tranh chấp ở Biển Đông.
DOC được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ Tám. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Bắc Kinh cũng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á chung sức chống lại sự can dự của các cường quốc bên ngoài khu vực vào các tranh chấp.
Tờ South China Morning Post viết ông Vương Nghị cáo buộc \”một số cường quốc bên ngoài\” cố tình mở rộng xung đột và kích động căng thẳng, gây nguy hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển và trật tự bình thường trên biển\”.
\”Vì vậy, Trung Quốc và các nước ASEAN nên làm rõ lập trường của chúng ta: nếu bạn đến vì hòa bình và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh bạn; nếu bạn đến để gây rối và phá hủy, hãy rời đi,\” ông Vương Nghị nói.
Phát biểu của ông Vương được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, tiếp tục gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng biển, trong khi Đài Loan và các thành viên ASEAN như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Bắc Kinh đã tăng cường đáng kể quyền kiểm soát đối với khu vực này trong hai thập kỷ qua, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ những yêu sách chủ quyền \’phi lý\’ của nước này.
Trong khi đó, Mỹ coi Biển Đông rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đã thường xuyên tiến hành các hoạt động \”tự do hàng hải\” và gia tăng các cuộc tập trận hải quân trong khu vực – đôi khi có sự tham gia của các đồng minh bên ngoài khu vực, bao gồm Nhật Bản, Úc và Nato.
Tham dự hội thảo trực tuyến nói trên với Trung Quốc còn có một số bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đặc biệt là những người đã từng tham gia ký DOC năm 2002, cũng như các học giả đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Về phía Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia – Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Đông đã tham dự hội thảo này.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh DOC là văn bản quan trọng đầu tiên được ký kết giữa ASEAN với một nước đối tác, góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình, tin cậy và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc; DOC tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của các bên đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Tàu khu trục Mỹ gần Trường Sa, TQ tập trận lớn
Giữa tháng 7/2022, Trung Quốc công khai bày tỏ phản đối sau khi tàu khu trục tên lửa USS Benfold của Mỹ đã đi vào vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.
Thông cáo của Hạm đội 7 Hải Quân Mỹ ghi:
\”Ngày 16/7 (giờ địa phương), tàu sân bay USS Benfold (DDG 65) khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, theo luật pháp quốc tế.\” thông cáo viết, và cho hay tàu này vẫn tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Benfold \”khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế\”.
Đáp trả, ngày 15/7, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam tuyên bố Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại một khu vực rộng lớn ở Biển Đông từ ngày 17 đến 20/7.
Theo tọa độ được nêu trong thông cáo, khu vực tập trận trải rộng gần 100.000 km vuông và bao phủ một phần phía đông quần đảo Hoàng Sa.
Trong một diễn biến khác, vài ngày trước, Hải Quân Mỹ tuyên bố mẫu Hạm USS Ronald Reagan chuyển hướng thăm Singapore thay vì Việt Nam như một số dự đoán trước đó.