- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
26 tháng 7 2022
Cuối tháng 6/2022, Việt Nam tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. \”Các đời tổng bí thư trước đây của ĐCSVN đã hứa hẹn về cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn nhưng chỉ ông Trọng đã thực sự đem lại kết quả.\” nhà bình luận chính trị David Hutt với BBC News Tiếng Việt.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2021 cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020.
Những tin tức về bắt bớ quan chức cao cấp, những khẩu hiệu máu lửa truyền đi tín hiệu ý chí chính trị mạnh mẽ của \”người đốt lò vĩ đại\” trong cuộc chiến chống tham nhũng. TBT Trọng nói như phát động chiến tranh: \”Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy\” hay \”Không có vùng cấm, không có ngoại lệ\”.
Tuy thế, cần trở lại giai đoạn ban đầu của công cuộc đấu tranh mà TBT Trọng đưa ra, từ cuối nhiệm kỳ Đại hội ĐCSVN khóa 11, trong năm 2015, nhắm vào chính các nhân vật bị cho là đi chệch đường lối Leninist.
Sứ mệnh cứu Đảng từ các kỳ Đại hội 11, 12
Để hiểu về chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều không thể bỏ qua đó là con người ông – vị giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Theo ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước đây, hiện là nhà quan sát tình hình Việt Nam mô tả với BBC:
\”Ông Trọng là một tín đồ chân chính của Đảng. Cốt lõi của chủ nghĩa Marx là con người có thể trở nên hoàn hảo. Con người không bị áp bức (nghĩa là khi chế độ Cộng sản được hoàn thiện), họ sẽ không có lý do hoặc mong muốn bóc lột người khác. Trong thời gian tiến lên chủ nghĩa xã hội đó, các Đảng viên phải làm gương cho cho người dân. Nếu không, họ phải bị khai trừ. Tất cả những điều này và hơn thế nữa đã được vị Tổng bí thư giải thích trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 về xây dựng Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện \”tự diễn biến\”, \”tự chuyển hóa\” trong nội bộ.\”
\”Thế giới quan chính trị của ông Trọng thể hiện quả sách vở, bài viết, diễn văn khi ông còn là giáo sư. Ông Trọng là một quan liêu cộng sản điển hình, tức ngoài Đảng ra, không có trời, không có đất. Đảng thống lĩnh, lãnh đạo tuyệt đối với ông Trọng là một hằng số không thể thay thế nên ông ta sẽ loại bỏ những mối đe dọa làm xói mòn quyền lực của Đảng, cụ thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,\” một nhà bình luận chính trị giấu tên nói với BBC từ Sài Gòn hôm 06/07/2022.
Cùng thời gian ông Trọng bắt đầu chuyển hướng đánh vào những kẻ bị cho là \”xa rời Đảng\”, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Nguyễn Tấn Dũng (giữ chức từ 2006 đến 2016) là người được cho có \”tính cách và nhân sinh quan rất khác biệt với ông Trọng\”, theo lời ông David Brown.
\”Trọng, khi đó trong nhiệm kỳ tổng bí thư đầu tiên, đã rất tức giận trước thái độ vô tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các báo cáo về việc tự xử lý của cấp dưới. Ông Dũng đáp lại bằng cách phớt lờ các chỉ thị của Bộ Chính trị mà ông ta không ưa\” ông David Brown viết trên tờ Asia Sentinel.
Một vài người từng nhận xét rằng, ông Dũng là chính trị gia \’quyền lực\’ có thể tạo ra những thách thức đe dọa tới sự tồn vong của Đảng.
Năm 2015, trước thềm Đại hội 12, trên trang Nghiên cứu quốc tế, tác giả Lê Hồng Hiệp từng nhận định sức ảnh hưởng của ông Dũng đến Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) là rất lớn: \”phần đông bao gồm các quan chức thuộc chính phủ và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh thành, những người mà quyết định bổ nhiệm của họ đều được đưa ra hoặc chịu nhiều tác động bởi ông Dũng.\”
\”Ông Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước đến các chính quyền địa phương cũng như mối quan hệ tốt giữa ông và giới doanh nghiệp. Ông còn có ưu thế đối với Bộ Quốc phòng, và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông từng giữ chức Thứ trưởng).\” Tiến sĩ Hiệp viết.
\”Thời ông Nguyễn Tấn Dũng, Văn phòng Thủ tướng, bao gồm cả cố vấn cho Thủ tướng, đã trở nên quyền lực hơn phe đảng về chính sách, ngân sách và nguồn nhân lực. Trước Đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiều Ban Đảng song song với các Bộ, trực thuộc Hội đồng Bộ. Theo thời gian, số lượng các ban này phải giải thể và sáp nhập. Quyền lực của Thủ tướng mở rộng đến các tỉnh do ông kiểm soát ngân sách của họ và Đảng thất thế,\” Giáo sư Carl Thayer nhận xét.
Theo lời nhận định của Giáo sư Carl Thayer, cựu Thủ tướng Dũng là chính trị gia \”Việt Nam là trên hết\” chứ không phải \”Đảng là trên hết\”.
\”Ông Dũng đã để các Tổng công ty bành trướng vượt ngoài lợi ích cốt lõi của họ. Bất cứ thứ gì tạo ra lợi nhuận đều được hoan nghênh. Ông Dũng ít giám sát và các mạng lưới được phát triển theo đuổi lợi ích riêng của họ chứ không vì lợi ích quốc gia. Vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Vinsahin và Vinalines là một ví dụ. Dưới thời ông Dũng, Quân đội giữ thế độc lập thông qua hệ thống toàn bộ là người của quân đội. Bộ Công an là nơi gần như không ai có thể chạm tới.\”
Nước cờ của ông Trọng
Tuy là nhân vật quyền lực, ông Dũng cũng gây lo ngại cho nhiều người về những lập trường khá \’cấp tiến\’ của mình, nhất là vào những giai đoạn quan trọng về vấn đề nhân sự.
Theo đó, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam nhận định với BBC:
\”Hơn nữa, ông Dũng là một người có đầu óc thực dụng khi nói đến những mục tiêu của Trung Quốc, tôi cho rằng, ông ta ít ôm mộng tưởng và thiên về chủ nghĩa thực dụng hơn (điều mà ông Trọng gọi là sai lầm của sự \’tự diễn biến\’) và gồm cả việc những người ngoài Đảng trong việc xây dựng đất nước.\”
Còn nhà quan sát ẩn danh từ TP HCM thì nói với BBC:
\”Ông Dũng tỏ ra chống Trung Quốc dữ dội. Tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở Biển Đông, cựu Thủ tướng đã phát ngôn: \’Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông\’ – một câu nói đã làm phật lòng \”người anh em Cộng sản\”. Và việc ông Dũng để cho con gái mình là bà Nguyễn Thanh Phượng lấy doanh nhân Việt kiều Nguyễn Bảo Hoàng, con trai một sĩ quan chế độ cũ cũng gây nhiều lo ngại. Họ sợ ông Dũng thân Mỹ, gây căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc sẽ dẫn đến bất ổn chính trị cho Việt Nam.\”
\”Còn vị Tổng bí thư là người vốn được cho là thân Trung Quốc. Nhưng vào năm 2015, ông Trọng đã khôn khéo đến thăm Mỹ lần đầu tiên và được ông Obama tiếp đón tại Phòng Bầu dục. Sau đó, ông Trọng lại tiếp tục thăm Nhật Bản nhằm xây dựng hình ảnh ông ta có thể nói chuyện được với Tây phương và đồng thời, duy trì mối giao hảo với Trung Quốc. Như vậy, giúp xoa dịu được tâm lý cung của BCHTW.\”
Ông David Brown thì nói thêm: \”Vào năm 2015, phần lớn BCH TW dường như đã ngán ngẩm với những đổi mới của ông Dũng. Ông Trọng từng cảnh báo rằng ông Dũng và những thân hữu vô kỷ cương của ông ta đang làm suy yếu \’tính chính danh\’ của Đảng. Tính chính danh ở đây tức là niềm tin của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, rằng Đảng xứng đáng cầm quyền vì Đảng có đáp án chính xác cho những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.\”
Dường như nắm bắt tâm lý quan ngại đó, ông Trọng đã tận dụng cơ hội dùng \”Nghị quyết Đảng\” để loại ông Dũng (xem thêm về ĐH Đảng XII).
Giáo sư Carl Thayer giải thích với BBC:
\”Ông Trọng đã thắng thế nhờ vào việc thay đổi điều lệ Đảng khiến cho ông Dũng không thể nào tự ứng cử vào chức vụ cao hơn. Với luật mới, ông Dũng phải chấp nhận danh sách các ứng cử viên được BCHTW duyệt và được Bộ Chính trị thông qua.\”
\”Là một Giáo sư về Xây dựng Đảng, ông Trọng đã khôn khéo lồng vào các Nghị quyết Đảng – văn kiện quyền lực nhất – những điều có thể giúp ông gạt ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Quyết định 244-QĐ/TW của BCH TW,\” nhà quan sát từ Sài Gòn nói với BBC.
Trước đó, việc ứng cử viên cho BCH TW chỉ do Bộ Chính trị chỉ định đã gây điều tiếng về sự không minh bạch nên trong hai kỳ Đại hội 10 và 11, Đảng đã cho phép các đại biểu tự ứng cử hoặc đề cử các ứng cử viên nằm ngoài danh sách của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, ngay trước Đại hội 12- kỳ đại hội quyết định vận mệnh của ông Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký thông qua BCHTW khóa 11 Quyết định 244-QĐ/TW. Cụ thể, ở điều 13 của Quyết định này, quy định lại rằng ứng cử viên cho BCH TW Đảng phải được Bộ Chính trị thông qua.
\”Đảng vận hành bằng Nghị quyết mà mọi Đảng viên đều phải tuân thủ. Quyết định 244 đã giúp ông Trọng có cơ sở vững chắc loại ông Dũng. Vì quyền lực cũng như sức ảnh hưởng của ông Dũng đến BCHTW rất cao, tại Đại hội 12, ông Dũng là đối thủ nặng ký nhất cho vị trí TBT. Tuy nhiên, bằng cách trao lại quyền quyết định danh sách ứng cử viên vào tay Bộ Chính trị, ông Trọng có thể yên tâm ông Dũng không thể nhận đề cử cũng như không tự ứng cử.\” nhà quan sát này lý giải.
Trả lời BBC hôm 07/07/2022, ông David Hutt, nhà quan sát người Anh nhận định:
\”Ông Trọng đã hạ bệ các mạng lưới quyền lực thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng. Việc củng cố quyền lực có lẽ là quan trọng nhất đối với Trọng trong năm 2016-2017, nhưng là củng cố quyền lực theo một cách khác. Ông Trọng muốn khôi phục đạo đức và luân lý xã hội chủ nghĩa cho ĐCSVN. Đó là một chiến dịch đi sâu vào ý thức hệ, chứ không đơn thuần là chống tham nhũng. Nhiệm vụ của ông Trọng là cứu Đảng cộng sản ra khỏi chính nó và ông Trọng nghĩ chỉ có ông ta mới có thể lãnh đạo Đảng trong sứ mệnh này.\”