Châu Âu đạt thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ 15% khí đốt để dự trữ

Đăng ngày: 27/07/2022

\"\"
\"\"
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Phó chủ tịch Frans Timmermans và Ủy viên Châu Âu Kadri Simson họp báo hôm 20/07/2022 tại Bruxelles, Bỉ. REUTERS – YVES HERMAN

Anh Vũ

Trong khi Matxcơva thông báo đóng dần van cấp khí đốt cho Châu Âu, các bộ trưởng Năng lượng của 27 nước Liên Liên Hiệp Châu Âu, họp tại Bruxelles ngày 26/07/2022, đã thông qua thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt, theo tinh thần của kế hoạch khẩn cấp về năng lượng của Ủy Ban Châu Âu, chuẩn bị đối phó với kịch bản bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn. Hungary đã phản đối gay gắt, Đức vui mừng với thỏa thuận tiết kiệm.

Nội dung chủ yếu của thỏa thuận là, bắt đầu tư ngày 1 đến 31/08, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt so với mức trung bình của 5 mùa đông vừa qua. Tiêu thụ khí đốt của các hộ gia đình không bị tác động. Biện pháp cắt giảm trước mắt chỉ liên quan đến các xí nghiệp và cơ quan hành chính. Mục tiêu rõ ràng là để chuẩn bị cho mùa đông tới và chủ yếu là để các nước có thể tích trữ khí đốt cho mùa đông tiếp theo.

Việc thực thi thỏa thuận tiết kiệm là dựa trên cơ sở tự nguyện theo hoàn cảnh của từng nước. Nếu việc cắt giảm tiêu thụ không đủ để chuẩn bị tích trữ thì Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể ra quyết định bắt buộc.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng cho phép nhiều nước được quyền miễn trừ áp dụng thỏa thuận, như đảo Chypre, Malte và Ireland, vì không kết nối với dường ống dẫn khí của lục địa, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vì đang bị hạn hán, các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng và cuối cùng là những nước đã vượt mục tiêu tích trữ khí đốt.

Với đa số 26 ủng hộ, chỉ có Hungary phản đối, thỏa thuận của các bộ trưởng Năng Lượng vẫn có hiệu lực áp dụng. Sau cuộc họp tại Bruxelles, Budapest đánh giá thỏa thuận « không thể chấp nhận được ». Trong khi đó Berlin tỏ vui mừng với thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Mục tiêu tiết kiệm khí đốt chuẩn bị cho mùa đông còn nhằm giúp các nước bị lệ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, đặc biệt có Đức. 

Thông tín viên RFI tại Berlin, Violette Bonnebas 

Cảm giác thở phào nhẹ nhõm bao trùm Berlin. Tại đó người ta ca ngợi « tình đoàn kết của Châu Âu ». Nếu như Nga đóng hoàn toàn van khí đốt, thì « nguy cơ khan hiếm trầm trọng » là rõ ràng. Trong trường hợp đó, Đức có thể trông chờ vào nguồn dự trữ của các nước láng giềng để tiếp tục sưởi ấm cho dân chúng và nhất là để các nhà máy hoạt động.

Vấn đề là ở chỗ : Nền kinh tế lớn nhất Liên Âu ngốn rất nhiều khí đốt, tiêu thụ 90 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tức là gấp đôi nước Pháp. Khí đốt đặc biệt không thể thiếu được cho ngành hóa chất. Đây là lĩnh vực mang tính chiến lược đặc biệt, bởi vì nó nuôi sống phần còn lại của công nghiệp Đức. Ngành hóa chất ngừng hoạt động sẽ gây hiệu ứng dây chuyền cho toàn bộ lục địa.

Các nước Châu Âu vì thế phải cứu giúp nước Đức. Về phần mình, bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tỏ ra ân hận thừa nhận rằng nước ông « đã phạm sai lầm chiến lược trong quá khứ » khi để lệ thuộc vào Matxcơva. Berlin hiện vẫn phải nhập 26% nhu cầu khí đốt từ Nga so với trước chiến tranh là 55%.

Bài Liên Quan

Leave a Comment