Tham vọng tàu ngầm hạt nhân: Úc không thể trông chờ vào Anh và Mỹ

Đăng ngày: 27/07/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp E. Macron (phải) và thủ tướng Úc A. Albanese tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 01/07/2022. Úc và Pháp đã khởi động lại quan hệ song phương sau vụ Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. AFP – EMMANUEL DUNAND

Thanh Hà

Theo nhật báo Anh The Guardian, số ra ngày 20/07/2022, giới chuyên gia Úc báo động « tất cả các tài liệu lưu hành cho thấy Mỹ sẽ không cung cấp tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân cho Canberra » và Anh Quốc « không đủ khả năng đóng tàu cho Úc ». Viện nghiên cứu Lowy Institute tại Sydney tin rằng, để thay thế đội tàu Collins cũ kỹ trước năm 2040, thủ tướng Albanese cần nhìn về phía Pháp.

Từ nay đến tháng 3/2023, thủ tướng Anthony Albanese sẽ phải quyết định về thời điểm Hải Quân Hoàng Gia Úc được trang bị tàu ngầm và trang bị loại nào của Anh và Mỹ, trong khuôn khổ liên minh quân sự ba bên AUKUS, giữa Canberra với Washinbgton và Luân Đôn. Nhưng trước mắt, Úc không thể trông cậy vào Anh và Mỹ.

Theo báo cáo của Hạ Viện Mỹ công bố trong tháng 7/2022 được tờ The Guardian trích dẫn, bản thân Hoa Kỳ « đang gặp nhiều khó khăn và chậm trễ trong việc sản xuất, trùng tu tàu ngầm lớp Virginia », đáp ứng nhu cầu của chính Hải Quân quốc gia. Vấn đề càng thêm trầm trọng, do Mỹ « thiếu một số phụ tùng cần thiết và giá vật liệu tăng cao ». Ngoài tàu ngầm lớp Virginia, Mỹ còn đang phát triển chương trình mang tên Colombia để thay thế đội tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio.

Vậy Canberra có thể kỳ vọng vào Luân Đôn hay không ? Theo các nhà quan sát của Úc được báo The Guardian trích dẫn, câu trả lời có thể là « không », vì ít nhất ba lý do :

Thứ nhất, các nhà sản xuất của Anh đang chạy nước rút để thay thế 7 chiếc tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân Trafalgar bằng tàu ngầm lớp Astute. Thứ hai, Anh Quốc cũng đang hướng tới một kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Hải Quân với những phương tiện tối tân hơn, liên kết các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Anh. Thư ba, các hãng đóng tàu của Anh đang tập trung vào chương trình mang tên loài khủng long « Dreadnought », đóng thêm tàu ngầm hạt nhân có mang theo đầu đạn thế hệ mới lớp Vanguard. Dự án « khủng long » này mới chính là ưu tiên của Luân Đôn.

Úc « nuôi » công nghiệp tàu ngầm cho Mỹ ?

Trong những điều kiện đó, làm thế nào để Canberra có được 8 tàu ngầm nguyên tử như Washington và Luân Đôn đã cam kết tháng 9/2021 trong khuôn khổ hiệp định AUKUS ?

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton và chuyên gia Marcus Hellyer, thuộc viện nghiên cứu Australian Strategic Policy Institute, đề nghị Mỹ « chuyển nhượng » cho Úc một vài đơn vị tàu ngầm của mình. Đương nhiên đề xuất này đã nhanh chóng bị bác bỏ, bởi hoàn toàn đi ngược lại với chiến lược của Mỹ đang muốn có thêm tàu ngầm, chứ không phải là « chia sẻ », để rồi đội tàu của mình bị thu hẹp lại.

Thêm một vấn đề khác mà chuyên gia người Úc Hellyer nêu lên, đó là bản thân Mỹ đang phải đối phó với hiện tượng khan hiếm phụ tùng và vật giá leo thang, rồi Hoa Kỳ đang chuẩn bị một thế hệ tàu ngầm mới tối tân hơn. Hiển nhiên là hóa đơn của Úc  sẽ bị đẩy lên cao và câu hỏi kế tiếp là Canberra muốn trang bị thế hệ tàu ngầm đời mới nhất của Mỹ, hay sẽ chỉ dừng lại ở các kiểu tàu đang hiện hành ? Trong moi trường hợp, tàu ngầm mà Úc mua vào sẽ « đắt hơn nhiều ». Viện nghiên cứu chiến lược thẩm định Canberra « sẽ phải chi ra đến 171 tỷ đô la để có được 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử », mà đó sẽ là những loại tàu như « đang hiện hành ».

Một chi tiết trong báo cáo của Hạ Viện Hoa Kỳ công bố trong tháng này khiến các nhà quan sát Úc bực mình : nếu Canberra muốn có tàu ngầm « tối tân hơn » thì họ phải đài thọ luôn cả khâu nghiên cứu cho phía Mỹ. Mỗi chiếc tàu đời mới hơn đó đòi hỏi « thêm 3 tỷ đô la Úc ». Nói cách khác, các chương trình nghiên cứu và phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, vũ khí của Hoa Kỳ phần nào « sẽ do Úc tài trợ » từ những đồng thuế của dân Úc, như một cựu thượng nghị sĩ và cũng là môt người trong ngành công nghiệp tàu ngầm của Úc, ông Rex Patrick, ghi nhận.

Paris vẫn là một giải pháp

Trong bài tham luận đăng trên mạng của viện nghiên cứu Lowy Institute hôm 14/07/2022, giáo sư Alan J. Kuperman đánh giá « Pháp có thể giúp thủ tướng Albanese điều chỉnh lại hiệp định AUKUS ».

Thủ tướng Úc hiện trong thế « trên đe dưới búa » : Trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, Anthony Albanese phải tỏ ra cứng rắn, bắt buộc củng cố liên minh AUKUS, tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Đồng thời quyết định trang bị tàu ngầm hạt nhân của Anh, Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Canberra. Có hai khó khăn chính : một là khả năng cung cấp tàu ngầm của Anh Mỹ như vừa nêu và hai là thách thức liên quan đến năng lượng nguyên tử với uranium được làm giàu ở nồng độ cao, « tương tự như uranium được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử ».

Để tháo gỡ những khúc mắc này, giáo sư Kuperman cho rằng thủ tướng Úc có thể chọn một ba khả năng.   

Trong kịch bản thứ nhất, Úc có thể đối ý, quay trở lại với loại tàu ngầm quy ước. Tác giả bài tham luận nêu lên một số lợi thế của giải pháp này, chẳng hạn như tàu sẽ êm hơn, khó phát hiện hơn và cũng có thể hoạt động xa nhà, tuần tra ở Biển Đông trong các chiến dịch ngắn ngày . Tàu ngầm quy ước cũng sẽ rẻ hơn so với các loại dùng năng lượng nguyên tử.  Thế nhưng giáo sư Kuperman nói ngay : trong trường hợp này, thủ tướng Anthony Albanese sẽ bị chỉ trích là « trở mặt », gây tổn thất cho thỏa thuận hợp tác an ninh « sâu rộng hơn nhiều » giữa Úc với Anh, đặc biệt là với Mỹ.

Thủ tướng Úc có thể chọn giải pháp thứ nhì là thuyết phục Anh, Mỹ trang bị tàu ngầm nguyên tử có thể dùng uranium được làm giàu ở « mức thấp ». Việc này nói thì dễ, nhưng làm thì khó, bởi vì các nhà sản xuất của Anh, Mỹ, đã quá bận rộn vì các chương trình phát triển cho riêng mình, và đang lo không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu của hải quân quốc gia, làm sao có thể chiều ý Canberra ? Hơn nữa các tập đoàn đóng tàu và công nghiệp của Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng không có thời gian để nghiên cứu tìm một giải pháp thay thế thích hợp với Úc. Thời hạn để giao tàu cho Canberra được dự trù vào khoảng 2030, 2040 là nhiệm vụ bất khả thi.

Vậy thì có gì ngăn cản Úc trang bị tàu ngầm nguyên tử Pháp, lớp Suffren ? Đó có thể là một ngõ thoát hiểm thứ ba tháo gỡ bế tắc. Trong bài tham luận đăng trên mạng của viện nghiên cứu Úc Lowy Institute, giáo sư Kuperman đi sâu vào chi tiết : Paris sử dụng tàu ngầm nguyên tử với uranium nồng độ thấp và kinh nghiệm của Pháp khá thuyết phục. Về mặt kỹ thuật, Pháp hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của Úc. Lợi thế thứ nhì của Paris là Pháp sẽ giao hàng cho Úc sớm hơn so với Mỹ và Anh. Canberra rút ngắn được thời gian phải chờ đợi để được giao hàng khoảng một chục năm. Một ưu điểm khác nữa là tàu ngầm của Pháp được trang bị hệ thống điều khiển hoàn toàn có thể sử dụng trang thiết bị của Mỹ do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Đương nhiên giải pháp này cũng có những bất cập, chẳng hạn như về khâu tiếp liệu, hay bảo trì.

Cả ba khả năng giáo sư Kuperman vừa nêu đều đòi hỏi Canberra phải vượt qua nhiều trở ngại cả về kỹ thuật, pháp lý, ngoại giao, an ninh … Giải pháp sau cùng này liên quan trực tiếp đến cả Pháp. Trong trường hợp đó, liên minh quân sự Anh, Mỹ, Úc phải đổi tên thành AUKUS+1

Bài Liên Quan

Leave a Comment