Đăng ngày: 01/08/2022
Cùng với những căng thẳng quân sự gia tăng tại châu Á, giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia láng giềng, có một mặt trận không tiếng súng, nhưng không kém phần quyết liệt : Cuộc chiến giành vị thế dẫn đầu trong ngành sản xuất chất bán dẫn (hay chíp điện tử). Chíp điện tử thường được ví như hàng hóa có ý nghĩa chiến lược, một thứ ‘‘vàng đen’’, như một ví von vào cái thời mà dầu mỏ hay than đá được coi là nguồn năng lượng chủ đạo của nền kinh tế.
Ít tháng gần đây, truyền thông quốc tế nói nhiều đến Liên minh bán dẫn Mỹ – Nhật – Đài – Hàn, gọi là tắt là ‘‘Chip 4’’ hay ‘‘Lab 4’’. Đối với nhiều nhà quan sát, Liên minh bán dẫn bốn bên này , nếu hình thành, sẽ trở thành một cản lực vô cùng lớn đối với tham vọng của Bắc Kinh vươn lên vị trí siêu cường, bởi đa số các ngành công nghệ mũi nhọn giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào ngành sản xuất chíp điện tử. Liên minh các cường quốc sản xuất chất bán dẫn có thực sự đe dọa Trung Quốc hay không ? Bắc Kinh phản ứng ra sao ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
1/ Liên minh bán dẫn ‘‘Chip 4’’, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, cụ thể ra sao?
Liên minh bán dẫn ‘‘Chip 4’’ Mỹ – Nhật – Đài – Hàn, do chính phủ Hoa Kỳ đề xuất hồi tháng 3/2022, nhằm hợp tác thúc đẩy thiết lập một chuỗi chế tạo, sản xuất, cung ứng chíp điện tử quy mô toàn cầu, để tự chủ về bán thành phẩm này. Sự hợp tác được kỳ vọng cho phép kết hợp những ưu thế của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đều là bốn nền dân chủ, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, với đối thủ hàng đầu là Trung Quốc.
Nói đến sáng kiến Liên minh bán dẫn Chip 4 cần nhấn mạnh đến vai trò của Liên minh các nhà sản xuất, sử dụng chất bán dẫn tại Mỹ – Semiconductors in America Coalition (SIAC). Liên minh các nhà sản xuất, sử dụng chất bán dẫn bao gồm 64 đại công ty công nghệ cao như Amazon, Apple, AT&T, Cisco, General Electric, Google, Verizon, AMD, Analog Devices, Broadcom, NVIDIA, Qualcomm… (thuộc Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khác).
Cách nay hơn một năm, ngày 11/03/2021, đúng vào ngày thành lập, Liên minh SIAC đã ra lời kêu gọi gửi đến chủ tịch Hạ Viện Mỹ, chủ tịch phe đa số Dân Chủ tại Thượng Viện, hai chủ tịch đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện và Thượng Viện, kêu gọi Quốc Hội Mỹ ra luật thúc đẩy ngành chất bản dẫn (trị giá ước tính 50 tỉ đô la), để kích thích việc sản xuất, cũng như nghiên cứu, chế tạo chíp điện tử tại Hoa Kỳ, nhằm hướng đến ‘‘thúc đẩy nền kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia và các cơ sở hạ tầng chiến lược của nước Mỹ’’.
Sau một năm rưỡi vận động, Luật Chips and Science Act 2022 đã vừa được Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ thông qua trong tuần lễ cuối tháng 7/2022, và được tổng thống phê chuẩn ngay lập tức. Luật này cho phép giảm mạnh giá thành sản xuất, qua đó đẩy mạnh khả năng sản xuất chíp tại Mỹ (vốn cao hơn ở nước ngoài từ 20-40%), nhằm hướng đến đảo ngược xu thế tụt hậu về tỉ trọng của nước Mỹ trong tổng sản phẩm chíp bán dẫn toàn cầu (từ 37% năm 1990 còn 12% hiện nay).
Luật về chíp điện tử – mở đường cho các khoản đầu tư công lớn cho lĩnh vực này – vừa được chính quyền Mỹ thông qua, có thể coi là điều kiện căn bản bản để thúc đẩy một liên minh vững chắc giữa các nhà thiết kế, chế tạo và sản xuất chất bán dẫn trong thế cạnh tranh với Trung Quốc. Luật về chíp điện tử cho phép củng cố được căn cứ địa tại Mỹ, nơi có các doanh nghiệp đứng đầu về thiết kế chíp bán dẫn.
Sau khi chính phủ Mỹ tung ra sáng kiến Liên minh Chip 4. Nhật Bản và Đài Loan đã hưởng ứng mạnh. Cuối tháng 7 vừa qua, hai chính phủ Nhật – Mỹ đã khởi sự đối thoại cấp cao, trong đó hợp tác về chất bán dẫn là một nội dung căn bản. Về phía Đài Loan, ngay sau khi Mỹ ra luật Chips and Science Act, bộ Kinh Tế Đài Loan ra thông báo hoan nghênh, và coi đây là một yếu tố thuận lợi lớn, cho phép gia tăng hợp tác Mỹ – Đài về sản xuất chíp điện tử tại Hoa Kỳ (theo Focus Taiwan, 30/07). Riêng Hàn Quốc hiện tại tỏ ra khá dè dặt. Washington đề xuất Seoul cho ý kiến cuối cùng vào cuối tháng 8 này.
2/ Liên minh bán dẫn ‘‘Chip 4’’, nếu ra đời, ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Trung Quốc ? Phản ứng của Bắc Kinh ra sao ?
Một số nhà quan sát cho rằng sáng kiến Liên minh bán dẫn Chíp 4, nếu thành công, sẽ là một cú sốc với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang tham vọng trở thành một thế lực dẫn đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn trước năm 2030 (\’\’US invites South Korea to join semiconductor alliance Chip 4, China worrisome\’\’, Print.in, ngày 31/07/2022). Hiện tại tham vọng của Bắc Kinh là có thể tự chủ được hai phần ba nhu cầu chíp điện tử vào năm 2025, theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng hơn 30 nhà máy sản xuất vi mạch điện tử từ đây đến 2024.
Tham vọng của Trung Quốc rất lớn : gia tăng sản xuất để đáp ứng 75% nhu cầu, so với khả năng đáp ứng mới chỉ 15% hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có được sự hợp tác của các \”đại gia\” trong lĩnh vực này, Trung Quốc khó lòng đạt được mục tiêu trên.
Chuyên gia Pháp Mathieu Duchatel (giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á – Viện Montaige) nhấn mạnh đến nguy cơ tụt hậu của Trung Quốc, nếu xu hướng đối đầu hiện nay gia tăng trong lĩnh vực chíp điện tử, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, do hàng loạt khủng hoảng (đặc biệt là đại dịch Covid, cũng như cạnh tranh chiến lược), khiến các tập đoàn lớn gia tăng vét hàng, nhằm tăng lượng dự trữ. Trong một phân tích gần đây, ông Duchatel nhấn mạnh là nếu Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan liên minh lại, Bắc Kinh có thể bị ‘‘tụt hậu từ hai đến ba thế hệ’’ chíp bán dẫn.
Một ví dụ cụ thể là, khâu thiết kế chiếm đến 47% tổng giá trị sản phẩm ngành này chủ yếu nằm dưới sự thống trị của trung tâm Silicon Valley (Hoa Kỳ), hai trung tâm chế tạo thuộc hàng tiên tiến nhất là TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc). Nếu Trung Quốc không tiếp cập được với các sản phẩm kiểu này thì khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ giảm mạnh tại một số phân khúc quan trọng của thị trường. Ví dụ như, nếu không mua được sản phẩm của TSMC, tập đoàn Huawei sẽ không thể sản xuất được các điện thoại thông minh (smartphone) loại cao cấp.
Theo nhiều chuyên gia, cụ thể như trong lĩnh vực chíp bộ nhớ, tham vọng của Trung Quốc giảm phụ thuộc 30% vào năm 2025 không thể có được nếu không có đóng góp của Samsung Electronics và SK Hynix, hai tập đoàn sản xuất chíp điện tử lớn nhất của Hàn Quốc tại Trung Quốc. (‘‘China is increasing its pressure on South Korea not to join the U.S.-Japan-Taiwan alliance in the semiconductor industry’’, trang Business Korea, 26/07). Trong hiện tại, Trung Quốc có khả năng tự chủ cao về các vi mạch không liên quan đến bộ nhớ (non-memory chip), nhưng với các vi mạch liên quan đến bộ nhớ (memory chip),các tập đoàn Hàn Quốc là không thể thay thế.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, cáo buộc áp lực của Hoa Kỳ, buộc các công ty phải lựa chọn rời khỏi Hoa Lục, phát triển một chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ riêng biệt, và đây là điều gây tổn hại cho các công ty trong lĩnh vực này, bao gồm cả các công ty Mỹ. Tờ báo này dẫn lời một số thẩm định (tập đoàn Tư vấn Boston và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ), dự báo là xu thế như vậy có thể dẫn đến giá hàng bán dẫn tăng từ 35% đến 65% giá cả hàng hóa. Trung Quốc cũng gián tiếp đe dọa, nếu Hàn Quốc gia nhập Liên minh Chíp 4 với Hoa Kỳ, đây sẽ là một hành động ‘‘tự sát về thương mại’’ với Hàn Quốc.
3/ Hàn Quốc có phản ứng như thế nào về sáng kiến Liên minh bán dẫn Chip 4 của Mỹ ?
Nếu như Nhật Bản và Đài Loan tìm thấy lợi ích rõ ràng trong Liên minh bán dẫn Chip 4, tình hình là rất khác với Hàn Quốc. Cho đến nay, ngành sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc dựa rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. 60% trong số 128 tỉ đô la hàng bán dẫn xuất khẩu trong năm ngoái là sang thị trường Trung Quốc (bao gồm thị trường Hồng Kông). Tham gia vào Liên minh này hay không, tham gia như thế nào hiện là một câu hỏi lớn còn để ngỏ với Hàn Quốc.
Có thể nói có hai thái độ tương phản về vấn đề này. Thứ nhất là quan điểm cho rằng tham gia Liên minh Mỹ – Nhật – Hàn – Đài thuận lợi cho quan hệ song phương Hàn – Trung (bởi bất luận thế nào các sản phẩm bán dẫn của Hàn Quốc cũng phụ thuộc về nhiều mặt vào công nghệ Mỹ). Thứ hai là quan điểm lo ngại về các hợp tác trong liên minh bán dẫn bốn bên này có thể dẫn đến việc Hàn Quốc phải gánh chịu các trừng phạt kinh tế từ Trung Quốc. Một đại diện cho quan điểm thứ nhất là ông Park Jae-gun, giáo sư Đại học Hanyang, chủ tịch Korean Semiconductor và Display Technology Association. Ngược lại, ông Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Triều Tiên, cho rằng Hoa Kỳ sẽ ưu tiên các đồng minh và ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với các sản phẩm mũi nhọn, như trường hợp với Hua Wei (theo South China Morning Post).
Chính phủ Hàn Quốc cố gắng dung hòa hai quan điểm. Trong một phát biểu hồi tháng trước, ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nhấn mạnh là Liên minh Chíp 4 không có mục tiêu loại trừ bất cứ quốc gia nào, mà đây chỉ là một ‘‘cơ quan tư vấn’’, có mục tiêu tăng cường hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định hơn. Theo ngoại trưởng Hàn Quốc, Seoul sẵn sàng có các biện pháp giải đáp ‘‘các hiểu lầm’’ của Trung Quốc về vấn đề này.
Báo Hàn Quốc Korea Herald (hôm 22/07) cho biết chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ yêu cầu Mỹ điều chỉnh các điều kiện gia nhập liên minh, ngụ ý không để bị coi là tham gia vào một khối chống Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm chung của Seoul, đây là một liên minh có lợi cho Hàn Quốc, kể cả về kinh tế, cũng như an ninh quốc gia. Hàn Quốc đã và muốn tham gia nhiều sáng kiến trong khu vực do Hoa Kỳ dẫn đầu, chẳng hạn như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework), phần căn bản được coi như phương tiện để kiềm chế tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Mỹ.