02/08/2022
Các trang tin tôn giáo đang đang kêu gọi cộng đồng quan tâm đến các tín đồ Thiên Chúa giáo người H’Mong tại Việt Nam sau khi tờ Morning Star News tường thuật về “các cuộc đàn áp nghiêm trọng” đang được tiến hành tại tỉnh Nghệ An nhằm vào người H’Mong theo đạo Thiên Chúa.
“Ở tỉnh miền trung Việt Nam, các quan chức thi đua với nhau một cách ‘không có lương tâm hay tình người’ để tạo ra ‘vùng không có Cơ đốc giáo’ hoạt động”, tờ Morning Star News dẫn lời các lãnh đạo tôn giáo địa phương nói.
Giới hữu trách được mô tả luôn gây áp lực mạnh lên những người thân của các tín đồ để đuổi họ ra khỏi nhà, loại họ khỏi gia đình, khỏi nguồn sinh kế và cộng đồng mà không có gì trên người ngoài bộ quần áo đang mặc.
Tờ báo cho biết một số tín đồ đã bị buộc phải chia lìa khỏi vợ/chồng và con cái, nhà cửa, ruộng đồng, đôi khi thậm chí phải trả lại cả nhẫn cưới, nếu họ kiên quyết giữ đức tin của mình. Sau khi sự việc xảy ra, các quan chức phủi bỏ trách nhiệm và nói rằng đây hoàn toàn là vấn đề của gia đình, tờ báo nói thêm.
Nhiều nhân chứng được tờ báo phỏng vấn cho biết cuộc trấn áp âm thầm này đã diễn ra trong nhiều năm và đặc biệt là tại tỉnh Nghệ An.
Các tổ chức tôn giáo nói rằng những vụ vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất đang diễn ra ở các xã Huồi Tụ và Na Ngoi thuộc huyện Kỳ Sơn.
Thậm chí, các lực lượng bao gồm quan chức địa phương và công an thường xuyên đến bắt nạt và đe dọa các tín đồ, thậm chí vào ban đêm, buộc họ phải quay lại thờ cúng thần linh, nếu không sẽ bị tịch thu gia súc, hoa màu, ruộng đồng, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp, bị lục soát nhà cửa và cắt điện… một số người còn bị bắt giam.
Các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi nhà chức trách và cộng đồng quốc tế hãy can thiệp khẩn cấp cho các tín đồ của họ, những người đang bị bắt bớ và đàn áp khắc nghiệt.
Trong phúc trình năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) nhận định chính quyền Việt Nam vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước. USCIRF cũng tái đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Phản hồi về các đánh giá kể trên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phúc trình còn một số nội dung, đánh giá “thiếu khách quan, không công bằng”, và Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.