Đăng ngày: 03/08/2022
Ngày 26/07/2022, tân lãnh đạo Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) thông báo Nga sẽ rời Trạm Không gian Quốc tế ISS « sau năm 2024 » và sẽ xây trạm không gian riêng, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina khiến Nga bị Tây phương trừng phạt. ISS là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế về thám hiểm không gian, lĩnh vực mà từ trước tới nay vẫn được coi là biểu tượng cho sự chung sống, lệ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc, bất chấp tình hình địa chính trị.
Trong khi phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price « bất ngờ », « lấy làm tiếc » về thông báo của tân lãnh đạo Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) sau năm 2024 sẽ ngừng « sự hợp tác quý giá » giữa các cơ quan không gian Mỹ – Nga, thì thông cáo của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) lại khẳng định « không lấy làm ngạc nhiên » và rằng quyết định này đã từng được nêu lên. Thực ra thì ISS đã được dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024, nhưng vẫn có thể hoạt động đến năm 2030. Tuy nhiên, Matxcơva chưa từng khẳng định sau năm 2024 Nga sẽ tiếp tục hợp tác với châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản để duy trì hoạt động của ISS đến năm 2030.
Vậy việc Nga ngưng hợp tác quốc tế có tác động thế nào đối với các cường quốc không gian? Tương lai của Trạm Không gian Quốc tế dường như chưa bị đe dọa ngay lập tức, và dầu sao thì ISS cũng sẽ không thể hoạt động sau năm 2030, thế nhưng ngay tại Trái đất, xung đột giữa Nga và Tây phương đã bắt đầu đặt ra nhiều vấn đề, nhất là cho các chương trình của Liên Âu.
Châu Âu lại là nạn nhân đầu tiên ?
Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ qua, không gian không còn nằm bên lề các căng thẳng địa chính trị. Ngay từ ngày 26/02, khi chiến tranh Ukraina mới nổ ra, Cơ quan Không gian Nga Roscosmos đã thông báo « đình chỉ hợp tác với các đối tác châu Âu, trong việc tổ chức phóng tàu vũ trụ từ căn cứ Kourou », tại Guyane, đồng thời 87 kỹ thuật viên Nga tại căn cứ này nhận lệnh trở về Nga. Việc Roscosmos ngừng phóng tên lửa Soyouz do Nga chế tạo, sau 11 năm hợp tác với trung tâm vũ trụ Guyane của Pháp, đương nhiên khiến nhiều chương trình không gian của châu Âu bị chậm lại, có thể là nhiều năm, bởi châu Âu đang lệ thuộc rất nhiều vào tên lửa đẩy Soyouz của Nga để phóng các phi thuyền, vệ tinh lên không gian …
Theo dự kiến ban đầu, trong năm 2022, tên lửa đẩy Soyouz của Nga sẽ phóng lên không gian hai vệ tinh Galileo (hệ thống định vị của châu Âu) và một vệ tinh quân sự (SCO-3) cho bộ Quân Lực Pháp, nhưng nay sớm nhất thì cũng phải đến cuối năm 2022, thậm chí sang năm 2023 thì các vệ tinh này mới được phóng. Châu Âu cần tìm ra giải pháp thay thế cho tên lửa đẩy Soyouz của Nga, nhưng không thể có ngay lập tức. Châu Âu không thể chế tạo thêm tên lửa đẩy Ariane 5 chỉ trong vài tuần, còn tên lửa đẩy mới Ariane 6 thì phải đến cuối năm 2022 mới sẵn sàng hoạt động.
Trong số 17 vụ phóng vệ tinh mà công ty Arianespace của châu Âu dự kiến tiến hành trong năm nay, có tới 9 vụ cần có tên lửa đẩy Soyouz và cho đến nay mới chỉ 1 vụ phóng được thực hiện. Giờ đây, Arianespace hoặc sẽ phải đợi có tên lửa đẩy mới Ariane 6, hoặc phải hướng tới các loại tên lửa đẩy khác của Mỹ như Falcon 9 hoặc SpaceX. Và như vậy thì châu Âu càng lệ thuộc vào Mỹ, điều mà Liên Âu không hẳn mong muốn.
Tương tự như vậy, robot ExoMars thám hiểm Sao Hỏa dự kiến sẽ được tên lửa đẩy Soyouz của Nga phóng lên vào tháng 07/2020. Vì nhiều lý do, trong đó có đại dịch Covid-19, chuyến bay ExoMars bị hoãn đến tháng 09/2022, nhưng giờ thì mọi chuyện sẽ còn phức tạp hơn.
Cũng như trong ngành năng lượng, đối với lĩnh vực không gian, châu Âu là bên gánh tác động đầu tiên từ cuộc chiến Ukraina.
Mỹ đỡ bị ảnh hưởng hơn châu Âu?
Ngoài chương trình thám hiểm Mặt trăng, mà Nga và Mỹ vốn là hai đối thủ và hoạt động hoàn toàn riêng rẽ, không lệ thuộc vào nhau, còn trong các chương trình thám hiểm khác trong không gian, ít nhiều đôi bên vẫn cần nhau. Mỹ vẫn phải nhập một số động cơ, linh kiện chế tạo tại Ukraina, thậm chí là tại Nga. Tuy nhiên, so với châu Âu thì Mỹ chủ động, ít lệ thuộc vào Nga hơn. Thêm vào đó, ngay từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, Mỹ đã tăng cường khả năng độc lập với Nga về công nghệ – công nghiệp vũ trụ, thêm vào đó là sự phát triển nhanh của lĩnh vực tư nhân, điển hình là SpaceX của Elon Musk. Với SpaceX, Mỹ đã chấm dứt 9 năm lệ thuộc vào tên lửa đẩy của Nga.
Nếu Nga rời ISS như dự kiến, thách thức kỹ thuật lớn nhất đặt ra với Tây phương là làm sao duy trì quỹ đạo của Trạm Không gian Quốc tế, vẫn ở cách Trái đất 420 km. Trên thực tế, ISS có xu hướng quay chệch, tiến gần về phía Trái đất, và cứ 3 tháng thì phải dùng động cơ đẩy để đưa ISS trở lại quỹ đạo vốn có. Hiện nay, quốc tế vẫn phải dựa vào tàu vũ trụ Progress của Nga. Mỹ đã bước đầu thử nghiệm thành công nhiệm vụ này với phi thuyền Cygnus của công ty Mỹ Northrop Grumman.
Tuy nhiên, chỉ một phi thuyền vẫn chưa đủ mạnh để đưa trạm ISS trở lại đúng quỹ đạo. Một vấn đề khác là điều chỉnh hướng quay của Trạm : cần ngăn ISS tự quay quanh trạm. NASA hiện đang đầu tư vào 4 dự án để tìm giải pháp thay thế tàu vũ trụ của Nga. Cũng chính vì cần hợp tác để vận hành ISS đến hết thời hạn đề ra, nên khi Washington bắt đầu công bố các biện pháp trừng phạt, NASA đã thông báo ngay là Trạm Không gian Quốc tế không bị các lệnh trừng phạt mới của Nhà Trắng nhắm đến.
Ngưng hợp tác quốc tế, Nga có thể gặp những khó khăn gì ?
Như đã nói ở trên, không chỉ có phương Tây lệ thuộc phần nào vào công nghệ của Nga, mà ngược lại, Nga cũng cần dựa vào nhiều năng lực khoa học, kỹ thuật của Tây phương.
Đối với nhà phân tích Nga về không gian Vitali Egorov, quyết định ngưng hợp tác của Nga với ISS đồng nghĩa với việc phải « tạm ngưng hoạt động trong vài năm đối với các chuyến bay có người lái của Nga » lên không gian, bởi phải còn rất lâu thì Nga mới có đủ cơ sở hạ tầng riêng trên quỹ đạo. « Kể cả với nguồn tài chính dồi dào nhất thì cũng phải mất ít nhất 10 năm », Nga mới có thể có trạm không gian riêng.
Tham vọng độc lập trong trong không gian của Nga còn đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, cho dù ngành vũ trụ của Nga có rất nhiều điểm mạnh. Nạn tham nhũng mang tính hệ thống đặc biệt kìm hãm nhiều chương trình và sự đổi mới, nhất là vì không gian là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất, rất nhiều về tài chính. Dù rất phát triển về không gian, Nga vẫn chưa thể bảo đảm hoàn toàn tự cung tự cấp. Cuộc tấn công xâm lược Ukraina mà Nga tiến hành từ ngày 24/02, kéo theo các biện pháp trừng phạt của Tây phương, cũng gây gián đoạn nhiều nguồn cung ứng.
Nói tóm lại, sự lệ thuộc, ràng buộc lẫn nhau trong lĩnh vực không gian, vốn đòi hỏi các nguồn lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và tài chính khổng lồ khiến các nước không thể ngay lập tức ngưng hoàn toàn toàn hợp tác. Nhưng về lâu dài các mâu thuẫn, xung đột sẽ khiến Nga và Tây phương gia tăng nỗ lực để tự chủ nhiều nhất và lâu nhất có thể.
Cơ hội phát triển cho Trung Quốc?
Trung Quốc có lẽ sẽ là nước có thể nắm bắt được nhiều cái lợi. Khi quan hệ hợp tác với Tây phương không được cải thiện, Nga rất có thể sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc. Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc Gia Pháp CNRS, chuyên gia về lĩnh vực không gian, Arnaud Saint-Martin, ngay từ tháng 4 đã nhận định :
« Đó không chỉ là một giả thuyết. Nếu có một chương trình lớn mạnh, bài bản, có phương pháp, tiến triển từng bước kiên nhẫn, bền bỉ không ngừng, thì đó chính là chương trình không gian của Trung Quốc. Nga, vốn từng có mong muốn hợp tác với Bắc Kinh, đặc biệt về thám hiểm Mặt trăng, có nguy cơ bị cám dỗ và ngả sang Trung Quốc. Và chúng ta cần nhớ Trung Quốc không phải chỉ là một cường quốc mới nổi trong lĩnh vực không gian : hiện nay Trung Quốc đang thực hiện nhiều vụ phóng phi thuyền hơn cả Hoa Kỳ ».
Quả thực, sự cạnh tranh trong các chương trình thám hiểm Mặt trăng giữa Nga và Mỹ lớn tới mức Matxcơva đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác Nga – Trung để phát triển một dự án về trạm nghiên cứu khoa học quốc tế ILRS trên Mặt trăng, cạnh tranh với chương trình Artemis của Mỹ. Bắc Kinh và Matxcơva cũng đã ký một số thỏa thuận hợp tác về nhiều chương trình thám hiểm Mặt trăng (Hằng Nga 6 và 7 của Trung Quốc và Luna 27 của Nga), cũng như triển khai một trung tâm chia sẻ dữ liệu các chương trình thám hiểm Mặt trăng và những vùng xa xôi trong không gian.
Hồi đầu tháng Hai, vài tuần trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, Trung Quốc và Nga đã cùng thông báo hợp tác về các hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu (Beidou) và Glonass. Đây là một bước tiến nữa theo chiều hướng hợp tác mạnh mẽ về không gian và quân sự giữa Trung Quốc và Nga, vốn bắt đầu từ năm 2014, khi quan hệ giữa Nga và phần còn lại của thế giới xấu đi do việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina.