Đăng ngày: 03/08/2022
Trước và ngay sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc đã liên tục có những lời đe dọa trả đũa mạnh mẽ nhất. Không khó để hiểu cơn thịnh nộ của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ nước này. Điều gì sẽ xảy ra sau khi bà Nancy Pelosi, 82 tuổi, quan chức cao cấp thứ 3 của chính quyền Mỹ, vượt lằn ranh đỏ mà Trung Quốc tự đặt ra ?
Sau nhiều ngày để dư luận đoán già đoán non về điểm đến Đài Loan trong chuyến công du châu Á, cuối cùng, tối 02/08/2022, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, đã tới hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch và hứa sẽ bằng mọi cách để « thống nhất » với đại lục, bằng cả vũ lực nếu cần thiết.
Ngay từ khi chuyến đi của bà Pelosi mới được truyền thông đồn đoán, chưa có xác nhận chính thức nào, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp có những lời đe dọa Mỹ về những « hậu quả » trong quan hệ hai nước. Khi bà Pelosi đang ở thăm Singapore hôm 01/08, Trung Quốc đã tổ chức tập bắn đạn thật ngay lối vào eo biển Đài Loan. Cùng lúc, hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh thi nhau tung thông tin Trung Quốc sẽ ngăn chặn, thậm chí là bắn hạ, nếu chuyên cơ chở đoàn của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ bay vào Đài Loan.
Theo nhiều nhà phân tích được AFP phỏng vấn, đằng sau các diễn văn đe dọa hung hăng, ẩn chứa nỗi lo bất an nào đó của Bắc Kinh. Trung Quốc cảm thấy các sáng kiến của Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây để xích lại gần với Đài Loan gần đây sẽ tạo thêm động lực để hòn đảo tự do này tuyên bố độc lập.
Cũng cần phải nhắc lại là từ trước tới nay,Trung Quốc luôn tìm mọi cách chống lại bất kể sáng kiến nào mang lại tính chính đáng cho Đài Loan trên trường quốc tế. Bắc Kinh thường xuyên cản phá hay phản ứng dữ dội trước mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa Đài Loan và các nước khác. Bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan đều bị Bắc Kinh coi là vượt qua \”lằn ranh đỏ\” do họ đặt ra, coi đó là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.
Hồi tháng 11/2021, quan hệ Trung Quốc với Litva đã đổ vỡ, chỉ vì quốc gia vùng Baltic này cho mở văn phòng đại diện Đài Loan, trên thực tế là đại sứ quán, tại thủ đô Vilnius.
Trước tiên, chuyến đi của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ là cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã căng thẳng từ lâu nay. Nhưng theo chuyên gia Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á đương đại, Đại học Tokyo, « Trung Quốc coi chuyến đi này là một sự khiêu khích, nhưng Đài Loan có thể sẽ là nạn nhân » bị Bắc Kinh trả đũa.
Bà Nancy Pelosi vừa đặt chân đến sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc thì bộ Quốc Phòng Trung Quốc lập tức thông báo tiến hành các « hành động quân sự có mục tiêu », với hàng loạt cuộc tập trận hải quân và không quân chưa từng có xung quanh hòn đảo. Những hành động quân sự của Trung Quốc đang gây lo ngại cho Đài Loan, cũng như nhiều nước khác trong khu vực về nguy cơ xảy ra sự cố dẫn đến xung đột.
Theo giới quan sát, không khí căng thẳng này sẽ còn tăng cao và phức tạp trong thời gian tới. Chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp (FRS) nhận định trên nhật báo La Croix : « Sẽ không có chiến tranh, nhưng sẽ liên tục có các khiêu khích quân sự… Hơn nữa, Trung Quốc sẽ gia tăng gấp bội nỗ lực cô lập ngoại giao Đài Loan và đặc biệt sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế. »
Đài Loan cho biết, ngay từ hôm qua (02/08), Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu nhiều loại nông sản và hải sản của Đài Loan.
Còn nhớ hồi 2021, Trung Quốc đã cấm nhập dứa của Đài Loan, mà tất cả đều hiểu đó là vì lý do chính trị. Nhưng chỉ trong vài ngày, Đài Loan đã huy động được tình đoàn kết của nhiều nước, những nước này mua hàng chục nghìn tấn dứa ứ đọng vì lệnh cấm nhập của Trung Quốc.
Lần này, có lẽ Đài Loan cũng sẽ cần đến các đồng minh trên thế giới để tiêu thụ số sản phẩm nông nghiệp bị Trung Quốc cấm. Nếu điều đó xảy ra thì vô hình chung Bắc Kinh đã để quan hệ và tình đoàn kết quốc tế với Đài Loan được mở rộng.