Tù chính trị Đỗ Công Đương mất khi đang thụ án, bị từ chối đem thi hài về quê

RFA
2022.08.03

\"TùÔng Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai

 Ảnh chụp màn hình video

Tù chính trị Đỗ Công Đương mất khi đang thụ án, bị từ chối đem thi hài về quê

Một nhà báo công dân Việt Nam vừa qua đời tại bệnh viện ở Nghệ An trong thời gian đang thụ án tù với cáo buộc \”lợi dụng quyền tự do dân chủ\”, tuy nhiên trại giam từ chối cho gia đình mang xác về an táng. 

Tù nhân chính trị này là ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, người Bắc Ninh qua đời vào tối ngày 2 tháng 8 năm 2022, ba nguồn tin thân cận với gia đình nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do. 

Ông Đỗ Công Đương trước khi bị bắt hồi đầu năm 2018 vẫn còn mạnh khỏe, tuy nhiên sau đó phát hiện nhiều căn bệnh trong thời gian thụ án như bệnh tim, viêm phổi, và suy hô hấp. 

Gia đình nhiều lần kiến nghị cho ông đi chữa bệnh, nhưng phía giám thị trại giam vẫn từ chối, và phải đến khi bệnh tình trở nên quá nặng thì ông mới được đưa vào bệnh viện huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để điều trị nhưng không qua khỏi. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động quyền đất đai từng sát cánh với ông Đỗ Công Đương trước khi ông này bị bắt, cho biết thêm thông tin:

“Trước tiên thì phải nói rằng đây là một thông tin rất sốc và đau buồn đối với tôi. Ngày hôm qua khi nhận được tin thì lúc đó anh Đương chưa mất, thì nghe được tin là gia đình đang trên đường đi vào Nghệ An bởi vì được trại giam thông báo. 

Thực sự lúc đó vẫn còn hy vọng cho nên tôi đăng một cái status (dòng trạng thái-PV) lên để thông báo với mọi người, và đồng thời cũng cầu nguyện trong lòng là anh ấy sẽ vượt qua được. Thế nhưng mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thôi, thì nhận được tin là anh Đương đã mất.”

Trước khi mất thì ông Đỗ Công Đương đang thụ án tại Trại giam số 6, ở tỉnh Nghệ An. 

Ông Đương bị bắt hồi tháng 1 năm 2018 trong lúc quay phim một vụ cưỡng chế đất đai ở Từ Sơn, Bắc Ninh, dưới cáo cuộc “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. 

Trong hai phiên toà riêng biệt hồi tháng 9 và tháng 10 năm 2018, ông Đỗ Công Đương bị buộc tội và tuyên lần lượt các bản án bốn và năm năm tù giam. Bản bán năm năm tù sau đó được giảm xuống bốn năm trong một phiên toà phúc thẩm hôm 23 tháng 1 năm 2019. 

Với tổng cộng tám năm tù giam, nhà báo công dân người Bắc Ninh này dự kiến phải ngồi tù cho đến năm 2026. 

Cũng theo thông tin từ người thân cận với gia đình thì phía trại giam đã từ chối cho gia đình đưa thi hài ông Đỗ Công Đương về quê ở Bắc Ninh, mà phải tiến hành mai táng tại địa phương. 

Bày tỏ thái độ trước việc một tù nhân chính trị chết khi đang thi hành án tù, bà Bùi Thị Minh Hằng, một cựu tù nhân lương tâm, cho biết thêm: 

“Ngoài cái sự đau xót thì phải nói là một cái sự phẫn uất. Bởi vì tôi từng là người bị cầm tù ở trong nhà tù Cộng sản. Thì tôi thấy rằng là họ không coi cái tính mạng và sức khoẻ của con người là một cái vấn đề gì cả. 

Thậm chí tôi có suy nghĩ rằng đối với những người bất đồng chính kiến, những tù nhân chính trị, thì hình như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ ngược đãi, họ cố tình để cho mọi người rời vào tình thế rất là khó khăn, rất là nguy hiểm và thậm chí là đã phải mất mạng.”

Bà cũng cho biết môi trường giam giữ trong các trại giam đối vời tù chính trị rất hà khắc, từ thực phẩm, đến vấn đề vệ sinh, thiếu thốn chăm sóc y tế, và các hình thức ngược đãi khác nhau, nên hầu hết các tù chính trị đều gặp vấn đề sức khoẻ ở trong tù. 

Trại giam số 6 là nơi đã từng xảy ra các vụ ngược đãi tù nhân chính trị, đơn cử hồi tháng 6 năm 2019, các tù nhân chính trị bị giam ở đây đã tổ chức tuyệt thực để phản đối việc trại giam tháo dỡ hết quạt điện trong buồng giam đúng lúc thời tiết nóng nực mùa hè. 

Đây cũng là nơi thầy giáo Đào Quang Thực qua đời vào tháng 12 năm 2019 khi đang thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Gia đình ông Thực cũng bị từ chối đem xác người thân về an táng mà phải chôn ngay trong trại giam. 

Phóng viên của Đài RFA đã gọi vào số điện thoại công khai của Trại giam số 6 nhiều lần để xác minh thông tin về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, nhưng không có tín hiệu. 

Là một nhà báo công dân, sử dụng Facebook để đưa tin về các vấn đề xã hội một cách ông hoà, cho nên khi bị bắt thì ông Đỗ Công Đương đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng bênh vực. 

Phản ứng trước cái chết của tù nhân chính trị này, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc cấp khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế nói qua email như sau: 

“Sự tra tấn và ngược đãi mà chính quyền Việt Nam bị cáo buộc gây ra đối với ông Đỗ Công Đương, nếu đúng sự thật thì sẽ là ví dụ điển hình cho thấy chính quyền vi phạm nhân quyền một cách liên tục và trầm trọng đối với những người bất đồng chính kiến. 

Chính quyền Việt Nam cần phải nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra độc lập, và kỹ càng đối với cáo buộc tra tấn và ngược đãi của cán bộ của Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật.”

Ngoài ra tổ chức này còn kêu gọi chính quyền điều tra các cáo buộc tra tấn và ngược đãi mà các tù nhân chính trị khác phải chịu, bao gồm trường hợp của những người như bà Phạm Đoan Trang, và các ông Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment