ASEAN bất lực trước các hành vi coi thường toàn khối của thành viên Miến Điện?

Đăng ngày: 04/08/2022

\"\"
\"\"
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 03/08/2022 trước khi ông Lavrov dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt. AP

Trọng Nghĩa

Họp tại Phnom Penh ngày 03/08/2022 trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 55, lãnh đạo ngành ngoại giao nhiều nước Đông Nam Á đã có những lời lẽ rất cứng rắn đối với tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Miến Điện sau hàng loạt những hành động bị cho là coi thường ASEAN.

Tuy nhiên, câu hỏi được giới quan sát đặt ra là do những bất đồng trong nội bộ về cách đối phó, lại bị nguyên tắc đồng thuận hạn chế, liệu Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á có thể buộc được thành viên ngỗ nghịch này đi vào khuôn khổ hay không.

Trong phát biểu khai mạc Hội Nghị Các Ngoại Trưởng ASEAN, chính chủ tịch luân phiên của ASEAN là thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã lên tiếng bày tỏ nỗi “thất vọng” trước vụ chính quyền quân sự Miến Điện hành quyết 4 nhà đối lập, bất chấp phản đối của ASEAN và nhiều quốc gia hay tổ chức trên thế giới.

Theo ông Hun Sen, “toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều vô cùng thất vọng và lo lắng trước vụ hành quyết những nhà đối lập bất chấp những lời kêu gọi của tôi và những người khác, đề nghị (chính quyền Miến Điện) xét lại bản án tử hình, vì lợi ích đối thoại chính trị, hòa bình và hòa giải”.

Chủ tịch ASEAN không ngần ngại cảnh cáo: “Nếu có thêm nhiều tù nhân bị hành quyết, chúng tôi – tức là ASEAN – sẽ buộc phải suy nghĩ lại về vai trò của mình đối với đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN và Miến Điện”.

Lời cảnh báo trên đây được đưa ra trong bối cảnh hôm 25/07 vừa qua, tập đoàn quân sự Miến Điện đã hành quyết 4 người, trong đó có hai nhà đấu tranh vì dân chủ, với cáo buộc hỗ trợ “khủng bố”. Sự kiện này bị coi là một cái tát vào mặt ASEAN, vì diễn ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên, trong đó hồ sơ Miến Điện chắc chắn được bàn thảo.

Đối với ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan, việc tập đoàn quân sự Miến Điện thi hành án tử hình lần đầu tiên từ hơn 30 năm nay là “một bước lùi nghiêm trọng”, trong lúc đồng nhiệm Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng vụ hành quyết chứng tỏ “tập đoàn quân sự Miến Điện coi thường” bản đồng thuận 5 điểm mà họ đã đồng ý vào tháng 04/2021 với ASEAN, nhằm chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng.

Ngoài những tuyên bố phẫn nộ, ASEAN lần này được cho là có thể tiến tới việc quyết định thêm một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhắm vào Miến Điện. Theo một bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần này, mà hãng tin Pháp AFP đọc được, ngoài việc bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc”, ASEAN còn kêu gọi có những “hành động cụ thể” chống lại chế độ quân sự.

Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có đồng ý được về các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với quân đội Miến Điện hay không?

Trên báo La Croix ngày 04/08, bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), cho rằng “ASEAN có ít lựa chọn và hơn nữa đã bị mắc kẹt ngay từ đầu với thảm kịch Miến Điện. Chính quyền quân phiệt vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp ít nhất sáu tháng: một cách khác để dồn Hiệp Hội ASEAN vào chân tường”. 

Cho đến giờ, ASEAN mới chỉ có một biện pháp trừng phạt là loại tập đoàn quân sự Miến Điện ra khỏi các hội nghị của ASEAN, một biện pháp hầu như không có tác dụng.

Hãng tin Anh Reuters ngày 03/08 trích lời một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên tỏ vẻ rất hoài nghi về những biện pháp mới mà ASEAN chuẩn bị thực hiện. Theo giới quan sát, biện pháp tối hậu mà ASEAN có thể tiến hành là khai trừ Miến Điện, nhưng theo báo La Croix, một nguồn tin ngoại giao thông thạo với các cuộc đàm phán đang diễn ra  khẳng định rằng khả năng này hoàn toàn không được đề cập đến.

Bài Liên Quan

Leave a Comment