Đăng ngày: 04/08/2022
Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp ra hôm nay 04/08/2022 quan tâm
Nhật báo kinh tế Les Echos phỏng vấn chuyên gia châu Á Antoine Bondaz sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bà Pelosi đã đề cập đến hai chủ đề chính cũng là những chủ đề mà cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich đề cập trong chuyến thăm Đài Loan của ông vào năm 1997. Thứ nhất là nêu bật sự năng động của nền dân chủ Đài Loan và thứ hai là khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ. Washington cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ hòn đảo để duy trì hiện trạng. Đây là điều mà đại đa số người dân Đài Loan mong muốn.
Nếu chúng ta so sánh năm 1997 và năm 2022, các chủ đề tuy giống nhau, nhưng tương quan lực lượng dường như đã thay đổi. Trung Quốc giờ đã mạnh hơn xưa. Bắc Kinh từ lâu vẫn luôn có ý định sáp nhập hòn đảo, và giờ đây, họ có nhiều phương tiện hơn để gây áp lực với Đài Loan.
Bà Pelosi thực sự can đảm khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông Bondaz nhận định rằng việc bà Pelosi đến thăm Đài Loan là một thành công đối với hòn đảo, bởi vì mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, cho tới Đài Loan vẫn bị ghẻ lạnh trong mắt cộng đồng quốc tế. Do vậy, chuyến thăm này của bà Pelosi cho thấy Trung Quốc đã không thành công trong việc cô lập Đài Loan.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hòn đảo, ông Bondaz nhận định rằng chiến lược của Bắc Kinh là áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây tác động lên cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống Đài Loan vào năm 2024, để đạt được kết quả có lợi cho mình. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc áp dụng trong những năm gần đây gây ảnh hưởng theo hướng mà Bắc Kinh mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ có một cuộc đụng độ trực tiếp. Trung Quốc cố tình sử dụng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi để tạo ra cuộc khủng hoảng lần thứ 4 ở eo biển Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng đối với hòn đảo. Nhưng Bắc Kinh sẽ không tấn công lúc này, bởi tương quan lực lượng đang nghiêng về phía Trung Quốc và họ có thể đợi 5 năm, 10 năm để tiếp tục phát triển quân sự, đồng thời nghe ngóng về tính xác thực của những cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan.
Ông Bondaz nói thêm rằng châu Âu đang bằng mọi giá muốn tránh một kịch bản giống như Nga đã làm với Ukraina, bởi lục địa già sẽ làm gì nếu Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan ? Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, nhưng sẽ làm gì chống lại Trung Quốc khi mà họ còn có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Bắc Kinh trong những năm tới ? Do vậy trong hồ sơ Đài Loan, giải pháp duy nhất đối với châu Âu là tránh để xung đột nổ ra, đồng thời phải tự khẳng định mình có tiếng nói trên chính trường quốc tế, thay vì phụ thuộc vào các cường quốc khác.
Thành công của bà Pelosi
Nhật báo Công Giáo La Croix thì nhấn mạnh đến thành công của bà Pelosi trong chuyến công du này. Từ xưa đến nay bà vẫn luôn rất cứng rắn với Trung Quốc và muốn khẳng định rằng Bắc Kinh không có tiếng nói trong những quyết định của Hoa Kỳ. Chuyến thăm Đài Bắc của bà rất được chú ý ở Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là đảng Cộng Hòa hết sức hoan nghênh chuyến đi này, trong khi đảng Dân Chủ có vẻ rụt rè hơn. Việc đảng Cộng Hòa công khai ủng hộ bà Pelosi là một sự kiện rất đáng quan tâm, bởi ở Mỹ, hầu như không có chủ đề nào mà hai bên có được sự đồng thuận, ngoại trừ chính sách thù địch với Nga và Trung Quốc. Theo đảng Cộng Hòa, chính sách giữ một thái độ khiêm nhường đối với Bắc Kinh và không muốn tạo căng thẳng chỉ là một cách để « làm vừa lòng » Trung Quốc. Chính vì vậy, Mỹ cần phải khẳng định rõ lập trường của mình trước khi Trung Quốc đi quá xa trong hồ sơ Đài Loan. Sẽ có nhiều cơ hội để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc đối với Đài Loan bằng cách kiên quyết hơn là cố gắng tránh xung đột. Đây chính là những gì bà Nancy Pelosi đã quyết định làm.
Về phần mình, tổng thống Joe Biden không thực sự ủng hộ chuyến đi này. Do đó, đối với bà Pelosi, đây cũng là một cách để khẳng định rằng về mặt Hiến pháp, bà không cần phải nghe lệnh của tổng thống. Với tư cách là người đứng đầu Hạ Viện, bà là người quản lý cơ quan lập pháp còn ông Biden quản lý hành pháp.
Theo La Croix, chúng ta vẫn phải chờ xem phản ứng của Trung Quốc trong những ngày tới và hậu quả địa chính trị của chuyến thăm này. Việc Trung Quốc cảnh báo về việc điều động quân sự trên không phận và hải phận của Đài Loan là một phản ứng rất mạnh mẽ. Trong trường hợp căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, bà Pelosi cũng không có trách nhiệm gì, và thủ phạm duy nhất sẽ là Trung Quốc.