Đăng ngày: 04/08/2022
Tháng 5/2021, tuần báo kinh tế Anh The Economist xếp Đài Loan thuộc diện « khu vực nguy hiểm nhất thế giới ». Nhận định này càng trở nên thực tiễn khi Trung Quốc trong vòng một năm sau không ngừng gia tăng đe dọa quân sự. Nếu Trung Quốc theo chân Nga, tiến hành cuộc chiến tấn công bên kia bờ eo biển, Đài Loan có thể kháng cự ? Mỹ và Nhật Bản có lập trường như thế nào trong hồ sơ nóng bỏng này
Trung Quốc trong vòng một năm qua không ngừng gia tăng sức ép khi liên tục tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi hòn đảo. Đầu tháng 5/2022, Bắc Kinh cho triển khai hàng không mẫu hạm cùng năm chiếc tầu khu trục cách Đài Loan khoảng 500 km. AFP, dựa trên các dữ liệu tổng hợp được, cho biết tổng cộng trong năm 2021, Đài Loan ghi nhận 969 cuộc xâm nhập vùng nhận diện phòng không.
Căng thẳng còn gia tăng một nấc khi Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây có những lời lẽ gay gắt với nhau. Ngày 23/05/2022, trong chuyến công du Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang « đùa với nguy hiểm ».
Và nhất là chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa cảnh báo Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Tuyên bố này của ông Biden khiến Bắc Kinh nổi dóa, cảnh cáo Washington « chớ xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc ». Tại Đối thoại An ninh Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa còn tuyên bố mạnh mẽ « sẽ đánh đến cùng » nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.
Đảo Đài Loan : Chốt chặn chiến lược an toàn cho Mỹ ?
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát xung quanh hòn đảo có diện tích chỉ bằng một nửa nước Ireland, chỉ vì Đài Loan chiếm một vị trí quan trọng cho chiến lược quốc phòng của cả hai nước. Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm Châu Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) trên đài RFI đưa ra ba lý do:
« Thứ nhất, Đài Loan giống như một dạng chốt chặn chiến lược nằm ngay giữa điều mà Trung Quốc gọi là chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo này đi từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, rồi đến quần đảo Philippines, Indonesia đến tận Malaysia. Đối với Trung Quốc, chuỗi đảo thứ nhất này là một chiếc rào, chắn lối ra Thái Bình Dương và điều này đặt ra một vấn đề quan trọng cho giới chức Trung Quốc trên phương diện răn đe hạt nhân.
Bởi vì tầu ngầm phóng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, trú đóng tại căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, nằm ở Biển Đông gặp khó khăn trong việc tận dụng độ sâu của Thái Bình Dương để có thể đến đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân của mình. Nếu như Đài Loan trở về với Trung Quốc, chốt chặn tầu ngầm hạt nhân đó sẽ bị bật lên, và điều đó có nguy cơ là một mối đe dọa còn trực tiếp hơn cho Mỹ, bởi vì tầu ngầm hạt nhân có thể ung dung tiến đến gần hơn và một cách đe dọa hơn các bờ biển nước Mỹ.
Luận điểm thứ hai, đối với Mỹ là rất quan trọng, chính là mạng lưới các đồng minh tại Đông Á. Hoa Kỳ có các hiệp ước an ninh hỗ tương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và một đối tác an ninh với Đài Loan. Cho dù không có hiệp ước liên minh như mong muốn với Đài Bắc, nhưng trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan mà Washington không phản ứng gì hết, đây sẽ là một tín hiệu cực kỳ tiêu cực gởi đến các đồng minh đối tác lâu dài, đặc biệt là với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những nước này tự bản thân họ cũng cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa theo một cách nào đó, đặc biệt là nước Nhật. Như vậy, điều này sẽ làm phương hại đến mạng lưới liên minh của Mỹ.
Cuối cùng là vấn đề chất bán dẫn. Cả Hoa Kỳ cũng như một phần lớn các nước trên thế giới đều cần đến kỹ nghệ và năng lực sản xuất của Đài Loan. »
Ba kịch bản phòng thủ
Trong bối cảnh Nga – một đối tác chiến lược thân cận của Trung Quốc – tiến hành một cuộc chiến xâm lăng Ukraina từ bốn tháng qua, câu hỏi được giới chuyên gia những tháng gần đây thường xuyên đặt ra là « Liệu Bắc Kinh có theo chân Nga chiếm đánh Đài Loan? » Câu trả lời là « Chưa », chí ít là trong ngắn hạn. Nhưng nếu Trung Quốc thật sự tiến hành một chiến dịch quân sự có quy mô lớn như Nga đang làm, Đài Loan có đủ khả năng để tự vệ hay không ?
Tất nhiên, nếu xung đột xảy ra, cũng giống như với Ukraina, đây sẽ là một cuộc chiến bất cân xứng. Đài Loan tuy có nguồn lực quân sự riêng, nhưng ngân sách cho quốc phòng chỉ ở mức 15 tỷ đô la hàng năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 250 tỷ của Trung Quốc. Nhưng Đài Loan trước tiên có thể tận dụng địa hình thuận lợi: hòn đảo này chẳng khác gì một pháo đài hải quân, mà từ lâu giới quân sự thường hay ví như là một chiếc hàng không mẫu hạm không thể chìm.
Do vậy, theo quan điểm của chuyên gia Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne, hàng phòng thủ của Đài Loan có thể xoáy vào ba trục chính :
« Thứ nhất, Đài Loan phải kháng cự ý đồ tấn công chớp nhoáng từ Trung Quốc từ hai mươi năm qua, nhất là từ cuộc khủng hoảng 1995-1996, giống như kịch bản những ngày đầu cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Nghĩa là từ lục địa, Trung Quốc tập trung bắn phá vào những nơi ra quyết định quân sự và chính trị ở Đài Loan, rồi các cảng hàng không và sức mạnh không quân của Đài Loan để nhanh chóng có được ưu thế không quân tại eo biển.
Tất cả những điều đó sẽ đi kèm với các cuộc tấn công tin học làm tê liệt và người ta ghi ngờ khả năng diễn ra các chiến dịch lực lượng đặc nhiệm. Đây chính là kịch bản tấn công nhanh mà người ta bàn tán từ nhiều năm qua, và hiện cho thấy có những khó khăn trước những gì đang diễn ra tại Ukraina. Do vậy Đài Loan phải phòng thủ chống lại được tất cả những điều đó, nghĩa là có khả năng kháng cự ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Đây là vấn đề sức bền.
Tiếp đến, Đài Loan còn có nhiều vấn đề lớn : Làm thế nào đáp trả một cuộc đổ bộ từ biển hay từ trên không của Quân đội Giải phóng Nhân dân ? Để thực hiện được điều này, Đài Loan phát triển một hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, nhưng cũng tận dụng việc mua thêm vũ khí từ Mỹ. Điều này cho phép gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Trung Quốc.
Vấn đề thứ ba đối với Đài Loan là, nếu như hai sách lược phòng thủ trên đều thất bại, làm thế nào kháng cự được ở trên bộ trước sự hiện diện đông đảo của quân đội Trung Quốc ? Từ nhiều năm qua, bộ Quốc Phòng Đài Loan nghiên cứu khái niệm chiến tranh \”du kích đô thị\”. Đài Loan là một liên thị lớn nằm dọc theo bờ phía tây của đảo. Cuộc chiến đô thị, như chúng ta thấy ở Ukraina, cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chiếm đóng. Từ những kịch bản khác nhau này, người ta thấy rõ là tấn công Đài Loan có lẽ sẽ không đơn giản chút nào cho Trung Quốc. »
Tokyo và thái độ mập mờ
Tình hình eo biển Đài Loan những năm qua vốn dĩ đã căng thẳng nay còn thêm nóng bỏng với cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Nếu như những tuyên bố của tổng thống Joe Biden làm dấy lên mối hoài nghi về việc Mỹ từ bỏ « chiến lược mập mờ », thì mọi cặp mắt cũng dồn sang một nước khác : Nhật Bản. Liệu Đài Loan và Mỹ có thể trông cậy một sự hỗ trợ về quân sự từ Nhật Bản hay không ?
Từ bao lâu nay, Tokyo cũng duy trì một lập trường mập mờ với Mỹ. Bởi vì, nếu xung đột xảy ra, Nhật Bản sẽ là nước trên tuyến đầu, bởi vì nước này, cụ thể là Okinawa, là nơi đặt những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ. Chỉ có điều, Tokyo còn là một đối tác cực kỳ quan trọng của Bắc Kinh, vì những lý do kinh tế.
Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, chuyên gia về Quan hệ Quốc tế, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, trên đài RFI phân tích thế khó xử của Nhật Bản trong hồ sơ Đài Loan:
« Đúng là luôn có một thế ở giữa. Chúng ta thấy là mọi việc đã thay đổi nhất là cho chính lợi ích của Nhật Bản và đặc biệt, đó còn là một phần của trò chơi chính trị Nhật Bản với những nhân vật quan trọng như cựu thủ tướng Shinzo Abe và phân nhánh quan trọng nhất mà ông ấy điều hành trong lòng đảng cầm quyền PLD (Đảng Tự do – Dân chủ). Ông ấy đưa ra cam kết rất cứng rắn về vấn đề Đài Loan. Nhưng Nhật Bản cũng phải đáp ứng kỳ vọng của Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ của nước này liên quan hiệp ước an ninh ràng buộc Nhật Bản với Hoa Kỳ.
Người ta mong đợi Nhật Bản sẽ can dự nhiều hơn một chút vào vấn đề Đài Loan và đó là điều tân thủ tướng cũng như người tiền nhiệm đã làm khi tuyên bố rằng phải giữ gìn sự ổn định ở eo biển của Đài Loan là điều cần thiết. Đây là một hình thức cam kết trước Trung Quốc. Thế nhưng, vẫn còn câu hỏi: Một cách cụ thể, Nhật Bản sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan?
Câu trả lời không rõ ràng và đặc biệt vấn đề đầu tiên được đặt ra, ngay cả khi tôi nghĩ rằng nó sẽ được giải quyết nhanh chóng, chính là việc sử dụng căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, kể cả trong trường hợp xung đột xảy ra tại eo biển Đài Loan. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ thực sự phải xin phép chính quyền Nhật Bản. Một số người kêu gọi nên cấp phép trước, trong khi nhiều người khác tỏ ra miễn cưỡng hơn nhiều, vì lo sợ phản ứng quá mạnh từ Bắc Kinh. »