Afghanistan: Sự kháng cự của phụ nữ dưới chế độ Taliban

Đăng ngày: 06/08/2022

\"\"
\"\"
Người phụ nữ Afghanistan – 20 năm sau khi Taliban sụp đổ – một lần nữa trở lại sống dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chế độ Hồi giáo cực đoan. Ảnh chụp ngày 03/05/2022 tại khu vực trung tâm thủ đô Kabul. © Ebrahim Noroozi/AP

Trọng Thành

Mùa hè 2022, đầu tháng 8. Đúng một năm sau chiến dịch lật đổ chính quyền được phương Tây hậu thuẫn của Taliban tại Afghanistan. Thân phận thê thảm người phụ nữ dưới chế độ Taliban là chủ đề chính của Le Point và L’Obs. Le Point muốn hướng độc giả lên bầu trời với những dự án chinh phục vũ trụ ‘‘ngông cuồng’’ của tỉ phú Mỹ Elon Musk. Ngược lại, đối với Courrier International, thế giới của ước mơ nằm ngay bên ta. ‘‘Vườn cây : những chân trời hy vọng’’ là hồ sơ chính của tuần báo.

Người phụ nữ Afghanistan sống ra sao dưới chế độ Taliban ? Trang bìa Le Point chạy tựa lớn: ‘‘Afghanistan: Đàn ông gây chiến với phụ nữ’’. Trong vòng 12 tháng kể từ khi lên cầm quyền, chế độ Taliban đã đưa người phụ nữ Afghanistan ‘‘trở về thời Trung cổ’’, biến Afghanistan trở thành một căn cứ địa Thánh chiến Hồi giáo. 

Le Point gặp gỡ một số phụ nữ từng làm việc cho chính quyền trước : một nữ cựu sĩ quan chống khủng bố của bộ Nội Vụ hay một nữ cựu công chức làm trong ngành chống tham nhũng… Tất cả đều trạc 30 tuổi. Cánh cửa tương lai đột ngột đóng sập trước họ cách nay một năm. Ngày 15/08/2021, chính quyền Kabul, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, bất ngờ sụp đổ.

Giờ đây, các nữ cựu viên chức này không được phép đi làm, khi ra ngoài phải mang trang phục trùm kín, theo đòi hỏi khắc nghiệt của các thế lực bảo thủ. Đi xa quá nhà 45 km phải có một người đàn ông bảo trợ đi cùng (là cha, chồng, hay anh em trai). Kể từ đầu năm nay, chế độ Taliban quyết định tạm thời đóng cửa các trường cấp 2, cấp 3 dành cho nữ sinh.

Kháng cự tại những nơi nào có thể

Làm thế nào để sống trong một xã hội hà khắc và ngột ngạt như vậy ? Hơn 120.000 người Afghanistan đã trốn khỏi đất nước. Nhiều người tìm mọi cách nhưng không thoát. Những người ở lại buộc phải lựa chọn. Nhưng Le Point cũng chỉ ra nỗ lực của nhiều phụ nữ, tiếp tục, bằng cách này hay cách khác, cố gắng duy trì lối sống tự do, ngay trong những bó buộc của hoàn cảnh, đe dọa rình dập.

Tại một tiệm làm đẹp chui, chuyên mở cửa đón phụ nữ, nữ chủ nhân 32 tuổi chia sẻ: chế độ Taliban không thể áp đặt được cho chúng tôi đòi hỏi trang phục mà họ muốn, bởi phụ nữ chống lại. Trong tiệm làm đẹp này, khách hàng có thể được nghe nhạc pop Afghanistan, vốn bị cấm… Còn cô Sonia Niazi, nhà báo trẻ của một kênh truyền hình tư nhân (Tolo News), dù buộc phải tuân thủ quy định trang phục trùm kín trong các chương trình, cho biết không thể bỏ cuộc, bởi cô có trách nhiệm với các phụ nữ đồng hương.

Vẫn còn một số ít ngành nghề, nơi chế độ Taliban không thể cấm phụ nữ, như nghề y, bởi chính quyền Taliban cần đến phụ nữ để chăm sóc phụ nữ, theo luật Hồi giáo.

Những lớp học bí mật

Cả Le Point và L’Obs đều chú ý đến nhiều phụ nữ dũng cảm tiếp tục các hoạt động dạy học trong hoàn cảnh bị cấm đoán, đe dọa trừng phạt. Le Point có bài ‘‘Ngôi trường bí mật của tôi ở Kabul’’, nói về cô Parastoo Hakim, 24 tuổi, một cựu sinh viên chính trị học và ngoại giao, đã không còn có cơ hội làm việc sau ngày 15/08/2021, như rất nhiều người khác. Lấy cảm hứng từ kinh nghiệm các lớp học bí mật thời chế độ Taliban hơn 20 năm trước, được phát trên CNN, Parastoo Hakim vận động một số giáo viên tham gia mở lớp học cho các em gái. Bản thân cô đảm nhiệm môn tiếng Anh, toán và hóa học. Một năm sau kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Parastoo Hakim không tiếc là mình đã quyết định ở lại, cô nghĩ mình còn có thể làm được nhiều việc cho đất nước. Một trong những lý do cho thấy giáo dục là rất cần thiết, bởi theo cô, ‘‘một phụ nữ được học hành sẽ không bao giờ để cho con mình thực hiện hành động khủng bố tự sát, nhân danh tôn giáo’’.

Tiếp tục mua sách tiếng Anh, học kỹ năng phát triển nhân cách

L’Obs trong bài ‘‘Afghanistan: Là thiếu nữ trong chế độ Taliban’’ cũng nói về những nỗi thống khổ của phụ nữ dưới chế độ mới, và nỗ lực kháng cự. Cô Fatima, 23 tuổi, ở ngay tại Kabul, mở một lớp học tại nhà, vào mỗi tối, từ 17 giờ. Không chỉ các em gái tham gia, mà còn có cả con trai, và nhiều người lớn tuổi. Học sinh tham gia lớp học không phân biệt giới tính này (chống lại quy định của Taliban), được học tiếng Dari, được nói nhiều ở Afghanistan (Dari là phương ngữ Afghanistan của tiếng Ba Tư – ngôn ngữ chính ở Iran), môn toán và kể cả kinh Coran. Các học sinh được truyền thụ cả các kỹ năng ‘‘phát triển nhân cách’’, đặc biệt là phẩm chất kiên định, không khuất phục trước nghịch cảnh.

Sách giáo khoa về kỹ năng phát triển nhân cách, đến từ Mỹ, các giảng viên vẫn có thể mua được từ hiệu sách. Theo L’Obs, giống như ba phần tư người Afghanistan, Fatima muốn rời khỏi đất nước, tuy nhiên, mơ ước đó không cản cô hết mình cho hoạt động giảng dạy nhiều hiểm nguy tại Afghanistan. Fatima quyết định sống độc thân để được tự do theo đuổi ước mơ.

Giới chóp bu Taliban lưỡng lự

Cũng trong bài ‘‘Afghanistan: Là thiếu nữ trong chế độ Taliban’’, L’Obs cho biết giới chóp bu của chế độ Taliban cũng phần nào trong thế khó xử. Cấm hay không phụ nữ học tập ? Hiện tại, phe ‘‘phản tiến bộ’’ đang ở thế thượng phong so với ‘‘phe cấp tiến’’. Lãnh đạo Tòa án Tối cao, bộ trưởng Tư Pháp, bộ trưởng Ngoại Giao chống lại việc học tập của phụ nữ. Ngược lại, bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Nội Vụ và giáo sĩ Baradar, người từng đứng đầu đoàn thương thuyết với Mỹ tại Doha, dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân, ủng hộ. Hai bên tranh luận trên cả mạng xã hội.

Lập luận của phe ủng hộ học tập của phụ nữ mang tính ‘‘thực dụng’’, viện lý do điều này có thể cho phép chế độ Taliban được quốc tế công nhận. Giáo sĩ Baradar từng vạch mặt ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi là phần tử ‘‘phản tiến bộ’’ nhất trong vấn đề giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn theo L’Obs, tình hình là khác hẳn với thành phần Taliban cơ sở, đại đa số đều muốn cấm phụ nữ tham gia vào ‘‘không gian công’’.

Mức độ đàn áp : Không phải đâu cũng như nhau

Dù sao, tình hình không phải nơi nào cũng như nhau. Theo L’Obs, ở Herat, thành phố lớn thứ ba ở Afghanistan (sau thủ đô và Kandahar) (giáp với Iran), hiệu trưởng đại học, một thành phần Taliban ‘‘ôn hòa’’ cho phóng viên biết là, ông hy vọng phụ nữ có thể được theo học cấp trung học, vấn đề là tuân thủ các luật của đạo Hồi’’. Nhân vật này còn nói thêm, ‘‘không thể có một xã hội tự do mà không có giáo dục’’.

Theo Le Point, việc gạt phụ nữ ra khỏi các hoạt động kinh tế, xã hội, tại Afghanistan, khiến quốc gia này thiệt hại 1 tỷ đô la, tương đương với 5% GDP. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi 23 triệu người dân Afghanistan bị nạn đói đe dọa, tức 57% dân số theo Liên Hiệp Quốc.

Nạn tảo hôn: Bán con gái 5 tuổi để gán nợ

L’Obs nói đến một thảm cảnh điển hình tại Afghanistan: nạn tảo hôn, một chủ đề vốn bị coi là ‘‘cấm kỵ’’. Tại các vùng nghèo khổ nhất, cha mẹ bán con gái từ tuổi rất nhỏ, thậm chí từ lúc 5 tuổi, và kể cả 3 tuổi. Bán con thường là để trả nợ. Thảm cảnh này không gắn liền với chế độ Taliban. Nạn tảo hôn để lại những hậu quả trầm trọng và nhiều khi không cứu vãn được với người phụ nữ. Trong một điều tra năm 2010 của bộ Y Tế Afghanistan, gần một nửa số ca tử vong của phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi liên quan đến sinh nở.

‘‘Gương mặt thực của những thành phần Taliban mới’’

Xã hội trọng nam khinh rẻ phụ nữ dưới chế độ Taliban sẽ đi về đâu ? L’Obs có bài xã luận ‘‘Vì người Afghanistan’’ khẳng định, con đường không tránh khỏi là phải tiếp tục thực thi chính sách của Liên Hiệp Quốc, không công nhận Taliban chừng nào mà quyền được học tập của phụ nữ không được bảo đảm, và gắn liền trợ giúp quốc tế với đòi hỏi này.

Nhưng liệu Taliban có nhân nhượng ? Le Point trong bài ‘‘Gương mặt thực của những thành phần Taliban mới’’, cho thấy thái độ trọng nam khinh nữ, khinh thường đến mức muốn loại trừ hoàn toàn người phụ nữ ra khỏi không gian công cộng, không gian ngoài gia đình, được đông đảo người trẻ trong lực lượng Taliban hưởng ứng. Say sưa với các mạng xã hội của kỷ nguyên hiện đại như WhatsApp hay TikTok không, nhưng giới đàn ông trẻ Taliban ‘‘không nhường bước trước lớp đàn anh, trong thái độ khắc nghiệt về tôn giáo’’. Cuộc chiến vì quyền căn bản của phụ nữ tại Afghanistan sẽ còn vô vàn thử thách, khổ ải phải vượt qua.

Bài Liên Quan

Leave a Comment