Đăng ngày: 10/08/2022
Trang nhất của các nhật báo Pháp ra ngày 10/08/2022 đưa nhiều tin khác nhau nhưng liên quan đến hệ quả chiến tranh tại Ukraina.
Ukraina : Những đòn cân não mới của cuộc chiến” trên Libération, “Washington ủng hộ cuộc phản công của Ukraina” trên Les Echos, “Thiếu khí đốt, châu Âu đổ xô dùng than” trên Le Figaro, hoặc tình trạng hạn hán tại châu Âu với hệ quả “ngành chăn nuôi Pháp suy giảm một cách đáng ngại” trên Les Echos. Riêng Le Monde tập trung vào cuộc điều tra về tình trạng khó khăn của người cao tuổi tại Pháp.
Về cuộc chiến tại Ukraina, sử gia Michel Goya, nguyên đại tá pháo binh Hải quân Pháp, trong bài phỏng vấn với Les Echos, nhận thấy Nga và Ukraina sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao. Trên thực địa, không còn các trận đánh quy mô lớn nhưng hoạt động quân sự vẫn dữ dội để gây thiệt hại về khí tài và hậu cần cho đối phương. Theo ông Goya, hiện rất khó tổ chức các cuộc tấn công lớn vì phải huy động đông đảo lực lượng, nhưng lại rất dễ bị lộ và dễ bị oanh kích. Thêm vào đó, cả hai bên đều đã có thời gian củng cố lực lượng phòng thủ. Ngoài ra, số vũ khí cấp cho chiến trường không kịp bù cho số bị thiệt hại. Sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk vào đầu tháng 7, Nga tạm dừng tấn công để khôi phục lực lượng và tái triển khai, chủ yếu đến vùng Donbass.
Về phía Ukraina, chính quyền Kiev nóng lòng chiếm lại Kherson vì Nga không giấu ý đồ sáp nhập vùng đất này thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trá hình, đồng thời cũng để chứng minh cho các đồng minh và người dân rằng chính quyền không chỉ bằng lòng với kháng cự. Tuy nhiên, rất khó tái chiếm vùng này vì đó là vùng đồng bằng, có thể nhìn thấy quân địch từ xa, lại có nhiều làng mạc quanh các chốt phòng thủ của Ukraina. Tại khu vực này, Ukraina có ít quân và khí tài hơn Nga. Hơn nữa, Kiev không thể áp dụng chiến thuật càn quét chiếm làng mạc như quân Nga. Đến được Dnipro từ giờ đến tháng 9 đã là một thành tích vì vượt con sông rộng đến 500 m sau thời điểm đó là việc rất khó khăn, do cầu bắc qua sông dường như đã bị phá hết và như vậy, chỉ còn cách vượt sông bằng cầu phao. Và khi đã lập được tuyến đường này thì phải bảo vệ tránh oanh kích của Nga.
Do đó, theo nhận định của chuyên gia Michel Goya, các chiến dịch sẽ chậm lại với các cuộc tấn công giảm dần cho đến khi một trong hai bên tham chiến có bước đột phá nhờ củng cố lực lượng tốt hơn, cải tổ trang bị, cách tổ chức và phương pháp. Đến lúc đó, các cuộc tấn công lớn có thể sẽ làm lung lay đối phương.
Cho đến nay, tên lửa HIRMAS của Mỹ hay Caesar của Pháp cung cấp cho Kiev chưa đủ để quân Ukraina thay đổi cục diện. Nhìn rộng hơn, phương Tây đã cung cấp cho Kiev hầu hết các loại vũ khí hiện có, xuất phần lớn kho vũ khí vẫn bị thu hẹp. Phương Tây tính đến việc cung cấp cho Kiev máy bay trực thăng đổ bộ và chiến đấu cơ, đặc biệt là máy bay tấn công trên bộ, nhưng quá trình huấn luyện phi công cũng cần rất nhiều thời gian.
Phía Nga gây ngạc nhiên khi vẫn còn tên lửa hành trình để bắn vì được cho là đã hết từ nhiều tuần qua. Nga thiếu vũ khí, moi hết cả vũ khí cổ như tên lửa chống hạm Ka22 thập niên 1960. Tuy nhiên, pháo binh Nga vẫn còn khả năng kéo dài hoạt động dữ dội và đây là một trong những chìa khóa của cuộc xung đột.
Nga chuẩn bị tung quân sang chiến trường Ukraina
“Washington ước tính Matxcơva mất 80.000 quân ở Ukraina”, tính cả tử vong và bị thương, trong vòng 6 tháng gây chiến. Ukraina cũng bị tổn thất nặng nề, nhưng bộ quốc Phòng Mỹ không nêu số liệu, theo bài viết của nhật báo kinh tế Les Echos. Trước đó, Kiev từng thông báo ít nhất 10.000 lính Ukraina tử trận và 30.000 người bị thương. Từ lực lượng 170.000 lính chính quy và 100.000 lính dự bị trước khi xảy ra chiến tranh, hiện giờ quân đội Ukraina có từ 300.000 đến 350.000 lính.
Phải chăng để bù cho những thiệt hại tại Ukraina, Nga chuẩn bị tung quân ra chiến trường ? Ít nhất, theo bài viết của Le Figaro, “quân đội Nga kín đáo tăng cường chiến dịch tuyển quân”. Theo một nghiên cứu của nhật báo Nga Kommersant, được Le Figaro trích dẫn, ít nhất 40 đơn vị, gồm từ 90-500 người dường như đã hoàn thành khóa huấn luyện và chuẩn bị được đưa sang Ukraina. Họ ký hợp đồng nhiều tháng với mức “lương khủng” tương đương với 2.000-2.500 euro, gấp 10 lần thu nhập trung bình hàng tháng.
Những “tình nguyện viên” đến từ khắp nước Nga, được tập hợp thành các tiểu đoàn mang tên đặc biệt có liên hệ với vùng họ sống, theo mô hình các tiểu đoàn Tchechenia của Ramzan Kadyrov. “Mục đích là để tạo tình huynh đệ giữa những người cùng quê”, theo phát biểu của một sĩ quan thuộc Cộng Hòa Tatarstan.
Le Figaro cho rằng thông tin của Kommersant là xác đáng vì một đạo luật được Hạ Viện Nga thông qua ngày 04/03 cho phép phạt nặng “tin giả” về quân đội Nga ở Ukraina. Nghiên cứu của nhật báo Nga chủ yếu dựa trên những tin nhắn được kín đáo đăng trên các kênh Telegram cấp vùng – chính quyền địa phương hoặc những nhà hoạt động ủng hộ Kremlin – hoặc trên VK, mạng xã hội rất phổ biến, kêu gọi tình nguyện viên gia nhập chiến dịch. Nhiều tấm biển tuyển dụng cũng được giăng ven nhiều trục đường ở Nga.
Chống hạn chưa xong, châu Âu đã lo “ác mộng năng lượng”
Để đáp trả các biện trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu vì Nga gây chiến ở Ukraina, tổng thống Putin chưa bao giờ ngừng sử dụng vũ khí năng lượng. Thêm một đường ống dẫn dầu sang châu Âu bị ngừng hoạt động, theo thông báo ngày 09/08 của Kremlin. Ba nước Hungary, Slovakia, CH Séc, sẽ không nhận được dầu lửa từ một nhánh của đường ống Droujba (trung chuyển qua Ukraina) với lý do giao dịch ngân hàng bị chặn vì trừng phạt của phương Tây. Kể từ ngày 10/08, Liên Hiệp Châu Âu chính thức ngừng mua than của Nga. Châu Âu thiếu năng lượng tiếp tục là chủ đề của hai nhật báo Le Figaro và Les Echos.
Các kho dự trữ khí đốt tại châu Âu vẫn không ngừng được đổ đầy nhờ nhập khí hóa lỏng. Châu Âu sẽ đạt được chỉ tiêu tích được 80% khí đốt vào ngày 01/11. Tuy nhiên, theo Les Echos, đó chỉ là “sự bình lặng bề ngoài trước những tháng đầy rủi ro sắp tới”, thậm chí ngay từ mùa thu do tập đoàn Gazprom giảm mạnh khối lượng khí đốt giao cho Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra, kết quả tưởng chừng là tốt này thực ra là “do nhu cầu sử dụng ít hơn so với thông thường, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp”, theo giáo sư Thierry Bros, trường Khoa học Chính trị Sciences Po. Thêm vào đó là sự chênh lệch về khối lượng dự trữ khí đốt giữa các nước thành viên : Ba Lan và Bồ Đào Nha đã đổ gần đầy kho, nhưng Hungary, Bulgari và Áo mới chỉ trên 50%, các nước Ý, Pháp, Đức từ 73% đến 83%.
Một điểm khác được nhà phân tích Sindre Knutsson của văn phòng Rystad Energy lưu ý, đó là khối lượng khí đốt tích trữ chỉ bảo đảm được “từ 25% đến 30% nhu cầu của Liên Hiệp Châu Âu trong những tháng mùa đông lạnh nhất”. Phần còn lại, Liên Âu vẫn phải trông chờ vào các nguồn nhập khẩu. Trong khi đó viễn cảnh lại không mấy sáng sủa. Đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ giao cho châu Âu khoảng 20% khả năng vận chuyển. Từ 320 triệu mét khối mỗi ngày vào đầu mùa hè, hiện chỉ còn 80 triệu mét khối/ngày. Ngoài các nguồn khí hóa lỏng, như nhập từ Mỹ, châu Âu phải tiết kiệm tiêu thụ, ít nhất là 10%. “Nếu mùa đông quá lạnh hoặc Nga cắt hoàn toàn khí đốt, thách thức sẽ ở một cấp độ khác”, theo nhà phân tích Sindre Knutsson.
“Cơn ác mộng năng lượng”
“Vì thiếu khí đốt, Châu Âu đổ tìm than đá” là nhận định trên trang nhất của Le Le Figaro. Liên Hiệp Châu Âu không mua than đá của Nga kể từ ngày 10/08, trong khi Nga là nhà cung cấp đến một nửa khối lượng than tiêu thụ trong khối. Mọi nguồn năng lượng thay thế đều được tính đến, kể cả các nhà máy nhiệt điện. Bất chấp tác hại đến môi trường, nhiều nước như Pháp, Đức, Áo, Ba Lan chấp nhận chi phí đắt đỏ để tái khởi động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện. Nhu cầu tăng bất ngờ này, cùng với nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc, đã khiến giá than đá hiện nay cao gần gấp 3 lần so với hồi tháng 01. Than đá giờ được coi như vàng đen.
Bài xã luận của Le Figaro gọi đây là một “cơn ác mộng năng lượng”, có ý chỉ trích những năm tháng theo đuổi chuyển đổi năng lượng nhưng lại không tính toán thấu đáo để ảnh hưởng đến chủ quyền. Ví dụ Đức, trong cuộc đua chuyển đổi sinh thái đã phó mặc nguồn năng lượng cho tổng thống Nga Putin. Hậu quả hiện giờ là nguy cơ thiếu điện, giá tăng chóng mặt, phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính… Theo bài xã luận, tình hình hiện nay buộc phải xem xét lại hoàn toàn chiến lược của châu Âu, bắt đầu từ việc tái thúc đẩy điện hạt nhân, tiếp tục phát triển các năng lượng tái tạo, triển khai các biện pháp sử dụng điều độ và tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng về ấn định giá tại châu Âu. Nếu không có bước nhảy vọt, châu Âu “sẽ bị buộc tiêu thụ than cho đến lúc khó tiêu”.
Hạn hán tác động nhiều nước ở châu Âu
Vừa lo tích khí đốt cho mùa đông, châu Âu cũng phải lo chống hạn hán. Nhật báo La Croix phản ánh về “tình trạng thiếu nước đáng lo ngại ở Hà Lan”. Nước cạn đến mức nhiều con tầu chênh vênh trên lòng sông và bắt đầu rạn nứt. Thiếu nước đang đe dọa ngành vận tải đường thủy. Nông dân Hà Lan bị cấm bơm nước tưới tiêu. Biện pháp này cũng được áp dụng tại vùng Flandres của Bỉ, giáp với Hà Lan.
Tại Pháp, nhật báo Les Echos quan tâm đến “những gì Nhà nước đã làm và cần làm đối với hạn hán”. Theo các nhà quan sát, được củng cố sau các đợt nắng nóng 2017 và 2019, hệ thống quản lý khủng hoảng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Pháp lại chưa sẵn sàng đối phó với khí hậu biến đổi nhanh chóng sẽ gia tăng sức ép về nguồn nước.
Mỹ tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi và Thái Bình Dương
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đến hai khu vực đang bị Nga và Trung Quốc cạnh tranh ngoại giao gay gắt.
Le Figaro đề cập đến chuyến công du châu Phi của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào cuối tuần qua với nhận định “Phương Tây và Nga gia tăng cuộc chiến ảnh hưởng ở châu Phi”. Chỉ trong tháng 7, châu Phi trở thành điểm đến của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đại học Pretoria, Nam Phi, ngoại trưởng Mỹ công bố kế hoạch mới của chính quyền Biden về châu Phi hạ Sahara dù ông khẳng định châu Phi “không phải là chiến trường của các cường quốc”. Các nước châu Phi, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, không lên án cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina.
Tại Thái Bình Dương, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman cùng với đại diện ngoại giao cấp cao của Úc, New Zealand và Nhật Bản đến quần đảo Salomon dự lễ kỉ niệm cuộc phản công lớn đầu tiên của quân đồng minh chống Nhật Bản trong Thế Chiến II. Khu vực này trở thành “vùng chiến lược”, theo Le Monde, nơi Bắc Kinh tăng tốc gây ảnh hưởng từ tháng 09/2019.